Nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư
Tổ dân phố Nguyễn Tuân, khu phố Đội Cung 2, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) là nơi gia đình tôi sinh sống với hơn 30 hộ dân, chủ yếu là các gia đình sinh sống đã hàng chục năm với nhiều thế hệ, còn lại một số ít là những người trẻ vừa mới chuyển đến được vài năm. Lâu nay, việc tham gia vào hoạt động văn hóa, văn nghệ ở khu phố hay phường tổ chức chủ yếu là các bà, các mẹ ở độ tuổi trung niên hoặc đã nghỉ hưu về phố sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, người vì lý do sức khỏe, người vì bận trông con cháu, vì vậy mà ít tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ ở phố.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức tập huấn biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho đội văn nghệ tiểu khu 1, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung.
Được sự tuyên truyền, động viên của khu phố, dần dà nhiều người trẻ ở tổ dân phố Nguyễn Tuân cũng đã tích cực tham gia phong trào văn nghệ, nhất là vào những dịp tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; ngày tết trung thu hoặc tham gia hội thi văn nghệ do phường phát động... Còn nhớ, tại đêm biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của khu phố Đội Cung 2 tổ chức, tổ dân phố Nguyễn Tuân nổi bật bởi nhiều người trẻ tham gia buổi biểu diễn văn nghệ. Các bà, các mẹ ở các tổ dân phố khác reo hò tán thưởng, khen ngợi. Để thấy rằng, phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư muốn tạo được phong trào sôi nổi thì cần lắm sự chung tay, tham gia của mọi tầng lớp, nhất là thế hệ trẻ.
Tại huyện miền núi Thạch Thành, toàn huyện có 199 thôn, khu phố, đồng bào dân tộc Mường, Kinh cùng sinh sống đoàn kết xây dựng bản, làng ấm no. Những năm qua, nhằm tạo được phong trào văn hóa, văn nghệ tốt ở khu dân cư, huyện Thạch Thành lồng ghép hoạt động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời vận động đồng bào gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống qua các làn điệu dân ca, dân vũ, hát xường, hát ru, séc bùa... và xây dựng thành các tiết mục văn hóa, văn nghệ, biểu diễn trong các dịp lễ, tết, các hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức. Tại các điểm du lịch như Thác Mây, xã Thạch Lâm; Chiến khu du kích Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo... đã thành lập các đội văn nghệ chuyên biểu diễn phục vụ tốt cho hoạt động du lịch địa phương.
Ông Đinh Thế Thắng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành cho biết: Để tạo “sân chơi” biểu diễn hoạt động văn hóa, văn nghệ, huyện Thạch Thành quan tâm đến xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các thôn, khu phố. Các xã, thị trấn đã quan tâm việc xây dựng nhà văn hóa thôn, các khu trung tâm văn hóa được cải tạo, nâng cấp, hoặc xây mới như: sân chơi, bãi tập, sân khấu, tường rào, khuôn viên, cổng làng, khu vui chơi, giải trí cho người già, trẻ em... đa số các công trình đều được huy động từ sức dân, được Nhân dân bàn bạc, thống nhất tự nguyện đóng góp ngày công và quyên góp tiền của để xây dựng. Nhiều địa phương đã xây dựng định mức hỗ trợ từ ngân sách và tiến hành quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhiều thôn đã vận động bà con xây dựng mới khu sinh hoạt văn hóa của thôn, một số thôn tu sửa, tôn tạo lại đình làng, cổng làng, các di tích lịch sử - văn hóa để tạo nơi sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống cho Nhân dân. 100% các thôn, khu phố văn hóa đều xây dựng được hương ước, quy ước. Trong năm 2024, toàn huyện Thạch Thành có 180/199 thôn, khu phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa; có 95% số hộ đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Những năm qua, để nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư gắn với triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; một số huyện ban hành chỉ thị, nghị quyết về công tác phát triển văn hóa, đề án về quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các làng, xã xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa - khu thể thao, trùng tu, tôn tạo di tích. Các địa phương đã quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất và nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động cộng đồng phục vụ Nhân dân. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; có 20/27 huyện có trung tâm văn hóa - thể thao; 532/558 xã có cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao; có 4.287/4.357 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao, đạt tỷ lệ 98,3%. Đây cũng là những điều thuận lợi góp phần đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở khu dân cư.
Song song với xây dựng thiết chế văn hóa, việc tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia biểu diễn văn nghệ ở cơ sở là điều quan trọng. Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn tại các địa phương trong tỉnh, trong đó chú trọng tập huấn cho đội văn nghệ ở thôn, bản, khu phố các huyện miền núi, vùng cao, biên giới phục vụ hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo và giúp các huyện tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa văn nghệ; duy trì và phát triển hoạt động các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm và ra mắt một số câu lạc bộ văn hóa văn nghệ mới với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, hấp dẫn. Năm 2024, trung tâm đã mở các lớp tập huấn biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ hoạt động du lịch địa phương. Cụ thể là tập huấn biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho các đội văn nghệ như: đội văn nghệ thôn 3, xã Ban Công, huyện Bá Thước tổ chức chương trình văn nghệ dân gian phục vụ du lịch cộng đồng tại khu du lịch Pù Luông; đội văn nghệ xã Trí Nang tổ chức chương trình văn nghệ dân gian phục vụ du lịch cộng đồng tại khu du lịch xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; đội văn nghệ khu phố Vân Hòa, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc tổ chức chương trình văn nghệ dân gian phục vụ du lịch cộng đồng tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Hang Bàn Bù; đội văn nghệ tiểu khu 1, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung tổ chức chương trình văn nghệ dân gian phục vụ du lịch tại huyện Hà Trung; đội văn nghệ xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, phục vụ du lịch cộng đồng tại Thác Mây; đội văn nghệ xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy phục vụ du lịch cộng đồng tại Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương; đội văn nghệ thị trấn Mường Lát, phục vụ du lịch cộng đồng tại huyện Mường Lát... Qua các lớp tập huấn, đã giúp cho thành viên đội văn nghệ có thêm kiến thức, kỹ năng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ không chỉ phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở thôn, bản, khu phố thông qua biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày hội.
Có thể khẳng định, phát triển, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư không chỉ mang lại đời sống tinh thần phong phú cho bà con Nhân dân, mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ đó thúc đẩy đồng bào tích cực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày một văn minh, phát triển.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-12-13 19:56:00
Như thế nào là “lấy công làm lãi”?
-
2024-12-13 19:00:00
[E-Magazine] - Chỉ muốn thấy mình trong sâu thẳm của thời gian
-
2024-07-19 19:00:00
[E-Magazine] – Nồng nàn hoa nắng
Đà Nẵng đón 1,5 triệu lượt khách trong hơn một tháng pháo hoa, tăng 60% so với năm 2023
Sầm Sơn: Điểm đến du lịch hàng đầu miền Bắc với đa dạng trải nghiệm từ ngày đến đêm
Cẩm nang du lịch hàng đầu thế giới dành nhiều lời khen cho Phú Quốc
Khẳng định sức sống của di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danh
[Podcast] - Tản văn: Hương vị tình thân, vương vấn người ở lại
Đà Nẵng: Có gì ở show nghệ thuật tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng cho mỗi đêm diễn?
Độc đáo chương trình thao diễn ngựa “Hào khí Tây Bắc” tại Sun World Fansipan Legend
Siêu cường Phần Lan lên ngôi vương, chính thức khép lại lễ hội pháo hoa Quốc tế quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng
Tạp chí Mỹ gọi Phú Quốc là hòn đảo hấp dẫn nhất thế giới chỉ sau Maldives