(Baothanhhoa.vn) - Nhờ tán rừng ngập mặn mà những đứa trẻ có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Từng ngôi nhà, mét đường cũng được xây dựng từ những giọt mồ hôi vất vả dưới tán rừng ngập mặn này.

Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn

Nhờ tán rừng ngập mặn mà những đứa trẻ có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Từng ngôi nhà, mét đường cũng được xây dựng từ những giọt mồ hôi vất vả dưới tán rừng ngập mặn này.

Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặnBà Qúy “sục sạo” trong lớp bùn dày tìm còng và cáy.

“Siêu xe” lướt bùn

Gần 2h sáng, màn đêm bao trùm cánh rừng ngập mặn xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Tiếng bước chân, tiếng rì rầm của những người lao động rảo bước trên đê.

Càng về sáng thủy triều càng xuống nhanh hơn, để lộ ra bãi bùn. Đoàn người xách theo xô, thùng xốp, túi lưới... cưỡi “siêu xe” lướt trên mặt bùn hướng ra biển. Gọi là “siêu xe” nhưng thực chất đây chỉ là tấm ván gỗ, chừng 30cm chiều ngang và khoảng 1m chiều dài, có thiết kế thêm tay nắm hai bên. Khi trượt, một chân đứng lên chiếc ván, chân còn lại đạp xuống bùn để đẩy ván lao về phía trước. Hai tay vịn ở phía tay cầm để điều khiển hướng đi.

Do sình lầy kéo dài cả km nên “siêu xe” được thiết kế để di chuyển trên bãi bồi sụt lún trong rừng sú vẹt và chuyên chở được những sinh vật người ta thu lượm được. “Bãi bồi này bùn lầy đến gần nửa thân người, lội thì sức người chỉ đi được chừng 100m là quỵ, trong khi làm gì, bắt con gì cũng phải di chuyển chỗ nọ chỗ kia. Di chuyển bằng “siêu xe” giúp công việc của bà con đỡ vất vả hơn rất nhiều. Trung bình sức đàn ông, mỗi cú đạp “siêu xe” có thể lao đi xa đến 3m”, anh Vũ Văn Thuận ở thôn Đông Hải chia sẻ.

Ấm no dưới tán rừng

Nhà ngay dưới chân đê, hầu như ngày nào anh Thuận cũng có mặt nơi bãi bồi này. Được biết, gia đình anh có 70 cái lú bát quái (dụng cụ bắt cá hình phễu, khi đặt hướng miệng theo đường nước chảy, cá sẽ theo nước chui vào) và chiếc thuyền nhỏ. Bất kể ngày đêm cứ nước đầy, vợ chồng anh đi thuyền ra thả lú, nước rút lại cưỡi “siêu xe” thu lú về.

Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặnAnh Thuận và chiếc “siêu xe” của mình.

Cũng theo anh Thuận, sống ở gần biển nếu chịu khó làm lụng thì sẽ không lo thiếu ăn. Như mùa này, mỗi đêm kiếm vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Đồ ăn hằng ngày thì ra bãi xắn bùn là có nồi cá còi kho, bát canh khều ngon lành. Rồi lú bát quái, đăng đáy, khi “trúng mánh” được nhiều mực, cua, cá ngát... kiếm tiền triệu cũng là chuyện thường.

Gặp bà Nguyễn Thị Qúy ở thôn Ninh Phú đang tay trần dưới lớp bùn nhão bắt còng, bắt cáy. Bà cho biết, con còng, con cáy thường làm tổ dưới lòng đất, lúc đi kiếm ăn mới bò lên. Chúng bò rất nhanh. Khi thấy động, nó sẽ chui ngay vào lỗ hoặc trèo lên thân cây, lẩn vào trong lớp lá cây, nếu không nhanh thì không thể bắt được. Khi rừng ngập mặn được mở rộng hơn thì nguồn cáy sinh sống dưới lớp bùn đất càng dồi dào hơn.

Bà Qúy được xem là người đàn bà liều và lỳ nhất bãi bồi này. Bất kể mưa, nắng, giông gió, bà đều có mặt. Sở dĩ như vậy là để kiếm tiền trả lãi ngân hàng cho con trai. Mấy năm trước, con trai bà làm ăn thua lỗ phải vay mượn nhiều nơi, cắm nhà, cắm đất. Thương con phải phiêu bạt tứ xứ nên bà lặn lội dưới cánh rừng ngập mặn này nhặt nhạnh từng đồng giúp con trai trả lãi. Cũng may, trời độ cho bà sức khỏe để làm.

Mặt trời lên cao, con nước ròng gần sát đáy bãi bồi, những chiếc “siêu xe” tiến gần về bờ mang theo nào là vẹm, cáy, cua, quéo, cá còi, tôm... Trên đê thương lái đang đợi sẵn. Giữa không gian thanh bình của ngày mới lại văng vẳng tiếng gọi nhau: “Hú, hú. Anh Thuận, chị Huệ, bác Qúy... được nhiều không?”, kèm theo là những tiếng cười ngập tràn.

Hôm nay nước lên nên tôm cá nhiều. Vợ chồng chị Huệ cân được gần 20kg cá tạp, 2,3kg cua, 3kg tôm tép, chưa kể còng, cáy, ốc, vẹm các loại, tổng thu cũng được hơn 1 triệu đồng. Riêng bà Quý được hơn 5kg còng cáy thương lái trả bà 250.000 đồng. “Hôm nay móc nhiều hơn hôm trước nên tăng 50.000 đồng”, bà tươi cười khoe những đồng tiền vừa nhận được rồi tất tả ra về kịp đặt lưng một lúc còn dậy tiếp tục hành trình quen thuộc.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]