Mảnh đất tình người
Tôi sinh ra ở chiến khu Việt Bắc, hai tuổi về sống ở Hà Nội. Mãi tới năm lên bảy mới biết đến một tỉnh khác, đó là Thanh Hóa. Và có một cái duyên nào đó khiến cho Thanh Hóa trở thành nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với gia đình tôi.
Minh họa: Lê Hải Anh
Đầu năm 1954, bố tôi khi ấy là cán bộ trong Ban Chỉ huy Thanh niên xung phong Trung ương được cử về huyện Ngọc Lặc tổ chức thành lập các đội dân công hỏa tuyến của Thanh Hóa đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lần tôi được bố cho đi theo đoàn thiếu nhi ở cơ quan về Sầm Sơn cắm trại. Khi ấy nơi này mới chỉ là một xã, một làng chài với những căn nhà mái lều dựng tạm cùng những hàng phi lao và bãi cát trắng. Chúng tôi được đốt lửa trại giao lưu cùng các bạn ở địa phương. Lần đầu tiên tôi được ăn cá biển tươi, được vui cùng các bạn thiếu nhi ở đây và được tặng những cái vỏ ốc xinh xinh.
Sau này, từ năm 1988 tôi thường cùng đồng nghiệp đưa gia đình tới Sầm Sơn nghỉ vào dịp hè, cũng phải tới hơn chục lần. Tôi được chứng kiến sự đổi thay của Sầm Sơn từ khi nơi ấy chỉ có mỗi khu nhà Điều dưỡng của Bộ Y tế ở gần đền Độc Cước là to nhất, xung quanh hầu như chưa có khách sạn, nhà nghỉ lớn. Dăm năm trước trở lại, không thể nhận ra Sầm Sơn của thời còn bao cấp. Càng không thể nhận ra vị trí trại trẻ mà tôi đã tới. Các bạn thiếu niên tặng vỏ ốc cho chúng tôi ngày ấy nay đã lên ông, lên bà, bây giờ ở đâu.
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, Thanh Hóa ngày nay đổi thay nhiều lắm. Mặt bằng đời sống cao hơn rất nhiều. Trong kỷ niệm của tôi một lần về đây công tác lúc còn đang học đại học, tôi có thể vẽ lại đường đi từ ga Thanh Hóa về xã Đông Thọ (nay là phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) của người bạn học với tôi tên là Đàm Tiến Quân, nhưng cảnh quan Đông Thọ ngày nay gần như đã hoàn toàn khác. Tôi về thăm lại nơi này phải nhờ bạn Quân làm hướng dẫn viên để hình dung lại một vài cảnh cũ. Đàm Tiến Quân cùng học lớp Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội với tôi, sau này về công tác tại Đài Truyền hình Thanh Hóa. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp nhau trong những lần họp lớp.
Thanh Hóa và người dân Thanh Hóa có nhiều kỷ niệm gần gũi với tôi như thế, nhưng nếu nói sâu sắc nhất phải kể đến đại đội phó Nguyễn Quang Tân, thủ trưởng thời đánh Mỹ. Tôi đã được chiến đấu cùng anh mấy tháng cuối cùng của chiến tranh.
Đó là đầu năm 1975, Sư đoàn 320A của chúng tôi bí mật chuyển địa bàn từ Pleiku sang Đắk Lắk để chuẩn bị cho một chiến dịch mới mà sau này chúng tôi biết là Chiến dịch Xuân 1975 trên cao nguyên. Do nhiệm vụ mới nên đại đội đặc công của trung đoàn giải thể và anh Tân được bổ sung về làm Đại đội phó đại đội tôi. Thời chiến tranh, phần lớn các đơn vị đặc công, nhất là đặc công nước chủ yếu tuyển người Thanh Hóa. Các anh có sức khỏe, dẻo dai và tinh thần chiến đấu rất kiên cường. Anh Tân rất thạo về núi rừng, nên ngay lập tức cánh lính chúng tôi đã được hưởng nhiều thứ từ sự tháo vát của anh.
Đường hành quân từ Tây Pleiku đến Đắk Lắk của đơn vị dọc theo phía Tây của đường 14, cách chừng mươi cây số. Nơi này khi trước không có chiến sự nên có rất nhiều khu rừng nguyên sinh. Chúng tôi gặp nhiều muông thú dọc đường đi và chúng rất dạn vì chưa gặp người. Nhưng vì phải giữ bí mật nên không được bắn. Thấy chúng tôi tỏ ý tiếc, anh Tân cười bảo yên tâm, anh sẽ có cách cho anh em cải thiện. Vậy là một hôm đi cạnh con suối cạn, chúng tôi thấy có mấy cái hố to như hố bom, cá quẫy dày đặc. Anh Tân bảo, vào mùa mưa cá từ suối bơi vào đây, đến khi nước rút không kịp bơi ra nên phải sống suốt mùa khô trong các hố đó. Anh đề nghị ban chỉ huy đại đội linh động cho phép đơn vị dừng lại chừng một tiếng đồng hồ. Chúng tôi lấy màn tuyn ra làm lưới. Chỉ vợt đi vợt lại dăm lần ngang hố đã bắt được gần chục cân cá, nhiều con to cỡ bàn tay. Tối hôm đó cả đại đội được một bữa ăn tươi.
Khi tới nơi mới, trong thời gian chuẩn bị cho trận phục kích cắt đường 14 không cho địch về ứng cứu Buôn Ma Thuột, chúng tôi còn kịp ăn Tết Ất Mão giữa rừng già. Chỉ có ít gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn được cấp tại chỗ, chúng tôi tổ chức gói bánh chưng, mỗi người được một chiếc. Nhưng chúng tôi bất ngờ lại được ăn “tươi” nhờ sự tháo vát của anh Tân. Đã để ý trong vài lần đi lùng sục, anh Tân dẫn chục lính tới một khe suối cạn khá sâu vào một buổi trưa. Trong lòng suối có cả một đàn lợn rừng đang kiếm ăn. Anh Tân cho lính cầm gậy xuống chặn hai đầu. Lũ lợn chạy rào rào ra hai phía, nhưng chúng tôi cũng kịp bắt được hai con. Thế là ngoài bánh chưng, chúng tôi có thêm món thịt lợn rừng.
Rồi chúng tôi vào Cheo Reo, Phú Bổn chặn đánh các đơn vị địch đang di tản. Đường rừng, vận động suốt 12 cây số, chúng tôi thở không ra hơi. Anh Tân bám sát anh em, liên tục mang hộ đồ cho mấy chiến sĩ yếu. Rồi chúng tôi theo đường 7B truy kích địch và tấn công giải phóng thị xã Tuy Hòa. Bọn địch lúc này thua trận nhiều, tinh thần hoang mang nhưng nhiều đơn vị của chúng vẫn ngoan cố, cố thủ nhiều nơi. Đại đội trưởng bị hy sinh ngay từ đầu, anh Tân đã chỉ huy mũi chính, đưa đơn vị đuổi đánh địch dọc con đường chính ở thị xã. Chúng tôi tiêu diệt được nhiều ổ đề kháng của địch. Nhưng lúc bám theo xe tăng tấn công ra gần tới biển, địch bắn cháy chiếc xe tăng của ta và anh Tân cùng hai chiến sĩ chạy sau bị thương nặng.
Chúng tôi còn đi tiếp hơn một tháng nữa mới tới trận cuối cùng, nhưng tôi xa anh Tân từ đó.
Sau này trở về đời thường, tôi có qua Thanh Hóa nhiều lần, hỏi thăm nhưng không tìm được nhà anh Tân, chỉ biết anh ở Đông Sơn.
Thanh Hóa là một vùng đất rất rộng và đẹp, nổi tiếng với nhiều anh hùng và vĩ nhân của dân tộc. Tôi đã tới Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn công tác mấy năm, đi thăm Khu di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương...
Năm 2025 kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Với những người lính một thời trận mạc chúng tôi có nhiều điều để nhớ về những vùng đất mình đã đi qua; và Thanh Hóa với tôi là một vùng đất đáng nhớ với nhiều kỷ niệm thân thương.
Nhà văn Vũ Công Chiến
{name} - {time}
-
2025-01-27 19:18:00
Thành Nhà Hồ có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
-
2025-01-27 19:13:00
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm với nhiều dấu ấn
-
2025-01-26 22:14:00
NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Điện Biên: Lễ hội Hoa Ban diễn ra từ 13 - 16/3/2025
“Mùa Xuân đỏ” tái hiện chặng đường vẻ vang 95 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ký ức tết - những chuyện chưa bao giờ ngủ quên
Hoãn phát sóng 4 phim Việt giờ vàng dịp Tết Ất Tỵ 2025
[Podcast] Truyện ngắn: Ngọn pháo hoa trong đêm
Cuối năm đi chợ Thiều “mua may bán rủi”
Tết ơi, tết à!
Một số lỗi sai chính tả do lẫn lộn giữa S và X
[E-Magazine] – Bâng khuâng chiều cuối năm