(Baothanhhoa.vn) - “Trong lịch sử cách mạng thế giới có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào, chưa có ở đâu có mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như mối quan hệ Lào – Việt Nam”!

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”!

“Trong lịch sử cách mạng thế giới có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào, chưa có ở đâu có mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như mối quan hệ Lào – Việt Nam”!

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”!

Tiết mục văn nghệ do nghệ sĩ 2 nước Việt Nam - Lào biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào và 55 năm ngày ký kết hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn (được tổ chức ngày 23-8-2022 tại tỉnh Hủa Phăn). Ảnh: Phong Sắc

Từ dấu chân Người mở đường...

Vốn được nhấn mạnh là mối quan hệ nhân hòa và gắn với nhiều lợi ích tương đồng, song cơ sở đầu tiên và quan trọng hơn cả để làm nên mối quan hệ Việt Nam – Lào chính là vận mệnh hai dân tộc gắn bó vô cùng khăng khít và được phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, được tôi luyện và hun đúc bằng công sức, xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ và bằng sự nỗ lực, phấn đấu, hy sinh của nhiều thế hệ người dân Việt Nam và Lào. Bởi vậy, khi đúc kết về mối quan hệ đặc biệt này, Chủ tịch nước CHDCND Lào Cay xỏn Phôm vi hản từng khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào, chưa có ở đâu có mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như mối quan hệ Lào – Việt Nam”!

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được xem là quy luật giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh vì nền độc lập tự do của hai dân tộc. Bởi như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, quy luật ấy xuất phát từ thành quả lý luận cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của hai nước. Đồng thời, trở thành ngọn cờ dẫn đường cho hai dân tộc kề vai sát cánh đi tới thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phát triển theo định hướng XHCN.

Trở lại lịch sử hơn 1 thế kỷ trước, khi cả hai nước Việt Nam và Lào cùng bị thực dân Pháp thống trị và có cùng mục tiêu, khát vọng độc lập, tự do. Có lẽ, cũng từ xuất phát điểm ấy nên có nhận định cho rằng, con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc được ghi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng là con đường phù hợp, chứa đựng những giải pháp giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ. Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã bôn ba khắp năm châu tìm kiếm con đường - chân lý cứu nước. Người đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và Đông Dương để xác định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Trong quá trình đó, Nguyễn Ái Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình nước Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung, mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6-1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2-1927 đã gây dựng được cơ sở tại Lào. Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương; đồng thời là địa bàn để Người nắm tình hình và tìm kiếm con đường trở về Việt Nam. Người nhấn mạnh, phải hết sức tôn trọng nguyên tắc “dân tộc tự quyết”, quyền độc lập, tự do của các dân tộc ở Đông Dương; đồng thời, coi việc Việt Nam giúp cách mạng Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hơn thế nữa đó là “giúp bạn là mình tự giúp mình”. Hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam, Lào coi đó là nền tảng tư tưởng và phương pháp ứng xử của quan hệ Việt Nam - Lào.

Nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện của Chính phủ Việt Nam sang thiết lập quan hệ với Chính phủ Lào. Đồng thời, Người đã mời Hoàng thân Xu pha nu vông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4-9-1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ đến quyết định của Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường cách mạng. Ngày 3-10-1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn Nhân dân tỉnh Xa vẳn na khệt đón chào Hoàng thân Xu pha nu vông trở về tham gia Chính phủ Lào, Hoàng thân đã tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới”! Đến sáng ngày 12-10-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxala vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể Nhân dân về nền độc lập của quốc gia Lào. Tại sự kiện trọng đại này, Chính phủ Lào đã chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với Nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng Nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”!

... đến liên minh chiến đấu vĩ đại

Có ý kiến cho rằng, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là tiền đề đưa cách mạng Việt Nam và Lào đạt được nhiều kỳ tích lịch sử. Điều này có vô vàn minh chứng sinh động và hùng hồn, trong đó, thành công của cuộc tổng khởi nghĩa tại Việt Nam và khởi nghĩa tại Lào là kỳ tích đầu tiên, đánh dấu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đồng thời, sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước; cũng như tạo nền tảng đưa tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào lên tầm của một liên minh chiến đấu vĩ đại chống kẻ thù chung của hai dân tộc.

Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa sức mạnh từ liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào tiếp tục được khẳng định. Không ít kỳ tích đã xuất hiện, mà chấn động hơn cả là cuộc quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, quân và dân Lào đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ từ phía Lào. Qua đó, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ, cũng như làm cơ sở cho việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào càng phát triển vượt bậc, tạo nên sức mạnh kỳ diệu mới, đưa cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước tới thắng lợi hoàn toàn. Một minh chứng hùng hồn đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ thắm thiết, bền chặt giữa hai dân tộc là con đường Trường Sơn huyền thoại. Phần đường phía Tây của dãy Trường Sơn vốn là địa bàn sinh sống của nhiều bộ tộc Lào, cũng là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Song Nhân dân Lào đã chủ động, tự nguyện dành một phần lãnh thổ để mở ra tuyến đường chiến lược. Đây cũng chính là sự cống hiến vô giá của Nhân dân Lào cho thắng lợi của Việt Nam, cũng như quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Với đặc điểm “Đông Dương là một chiến trường”, cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào trong giai đoạn 1945-1975, nhất thiết phải liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia, như lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”. Để rồi, liên minh chiến đấu Việt – Lào dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, đã tạo nên sức mạnh vô địch đánh bại những tên đế quốc xâm lược sừng sỏ nhất và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Đặc biệt, những thắng lợi vĩ đại của hai dân tộc Việt Nam, Lào đã cho thấy những nấc thang phát triển mới, cũng như khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân hai nước. Đặc biệt, thành quả ấy phản ánh tình cảm chân thành và sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào. Phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (tháng 12-1968), đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Các đồng chí đã giúp chúng tôi cả vật chất và xương máu. Xương máu của Nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào... Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn Chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Qua quá trình liên minh chiến đấu, hai dân tộc Việt Nam - Lào càng thêm tin tưởng, gắn bó khăng khít. Đó chính là nền móng vững chắc để tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời kỳ lịch sử mới. Ngày nay, cùng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh...; cả hai nước Việt Nam – Lào luôn đặc biêt quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc gìn giữ và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Từ đó, khẳng định bản chất tốt đẹp, thủy chung, trong sáng của mối quan hệ Việt Nam - Lào; đồng thời khẳng định quan điểm, đường lối, chủ trương của hai Đảng, hai nước trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt vì sự phát triển phồn vinh, bền vững của hai dân tộc.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]