(Baothanhhoa.vn) - Những giờ học lý thuyết khô khan, hay những tiết học thầy đọc, trò chép... đã không còn, thay vào đó là những tiết học trực quan, sinh động với thiết bị hiện đại, hình ảnh và video minh họa giúp các em Trường THCS Cù Chính Lan có thể dễ học, dễ nhớ hơn. Sau hai năm triển khai mô hình “Lớp học thông minh”, chất lượng dạy và học tại Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) đã không ngừng được đổi mới và nâng cao, gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Lớp học thời 4.0

Những giờ học lý thuyết khô khan, hay những tiết học thầy đọc, trò chép... đã không còn, thay vào đó là những tiết học trực quan, sinh động với thiết bị hiện đại, hình ảnh và video minh họa giúp các em Trường THCS Cù Chính Lan có thể dễ học, dễ nhớ hơn. Sau hai năm triển khai mô hình “Lớp học thông minh”, chất lượng dạy và học tại Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) đã không ngừng được đổi mới và nâng cao, gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Lớp học thời 4.0Thầy Đỗ Đình Chiến kiểm tra bài cũ theo hình thức trắc nghiệm bằng phần mềm Flickers đối với học sinh lớp 7B, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa).

Khởi động bài học đầu giờ, thay vì đọc, viết các câu hỏi lên bảng để học sinh ghi chép, thầy Đỗ Đình Chiến tổ chức cho các bạn trả lời câu hỏi trên phần mềm Flickers. Các câu hỏi được chiếu lần lượt lên màn hình, mỗi học sinh được phát một thẻ in lên giấy. Thẻ của học sinh tương ứng là mã thẻ của từng em, 4 cạnh của thẻ có mã tương ứng là các đáp án A, B, C, D. Sau khi có câu trả lời, các em giơ cạnh có chữ đó lên trên. Thầy Chiến chỉ cần dùng chiếc điện thoại thông minh, kết nối với màn hình tương tác để quét, đọc đáp án của học sinh trên thẻ, phần mềm sẽ tự động nhập đáp án vào hệ thống. Sau khi toàn bộ số câu hỏi được trả lời, Flickers sẽ tổng hợp kết quả và hiển thị điểm của cả lớp chỉ sau vài giây. Chỉ trong thời gian ngắn, tất cả các bạn học sinh đã hoàn thành phần kiểm tra bài cũ.

Được học trò, đồng nghiệp yêu mến gọi là “giáo viên 4.0” của trường, thầy Đỗ Đình Chiến - giáo viên dạy môn Toán tại Trường THCS Cù Chính Lan đã không ngừng nỗ lực, cố gắng phát huy tối đa tiện ích của công nghệ vào bài giảng của mình. Thầy Chiến chia sẻ: “Trước đây, việc dạy học đối với bộ môn Toán vẫn ít nhiều có sự khô khan, nặng về con số. Những năm gần đây, nhờ sử dụng nhiều phần mềm công nghệ trong công tác giảng dạy, nội dung được truyền tải đến học sinh một cách sinh động, mỗi tiết học đều mang lại niềm vui, hứng khởi cho cả thầy và trò".

Theo thầy Chiến, “Ban đầu, khi triển khai lớp học thông minh, mọi thứ cũng đều rất mới mẻ với chúng tôi. Việc tổ chức lớp học thông minh, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng nền tảng về tin học, để cập nhật nhanh kiến thức giúp trau dồi thêm nghiệp vụ rất nhiều. Nhưng được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo nhà trường, cùng với ý chí quyết tâm, nêu cao tinh thần tự học từ phía đội ngũ giáo viên mà mọi thứ dần trở nên hoàn thiện, chỉn chu hơn từng ngày. Bởi chúng tôi hiểu hơn ai hết, lợi ích mà lớp học thông minh mang lại cho học sinh trong việc tiếp thu kiến thức, tăng khả năng tương tác, làm quen với công nghệ và ứng dụng công nghệ trong mọi mặt đời sống”.

Là giáo viên bộ môn Toán, cô Lê Thị Tâm đã có những trải nghiệm mới trong quá trình triển khai lớp học thông minh. Cô Tâm chia sẻ: “Mặc dù đã sử dụng thành thạo các phần mềm công nghệ thông tin nhưng trong thời gian đầu, khi chuẩn bị bài giảng, chúng tôi cũng có đôi chút bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn các kiến thức về sử dụng phần mềm và các thiết bị thông minh thì tôi thấy có rất nhiều thuận lợi trong việc giảng dạy. Khi soạn giáo án điện tử kết hợp với các phần mềm mang đến hiệu quả tốt. Các con mong chờ đến tiết học lắm, việc học cùng với các phần mềm thông minh sẽ giúp các con tự tin hơn, tăng hiệu quả tiếp thu, nhớ bài lâu hơn. Ngay cả việc tô màu, hay thực hiện vẽ sơ đồ tư duy trên phần mềm I-pro5 giúp các con sáng tạo hơn, tự mình có cách trình bày nội dung sao cho dễ nhìn, dễ nhớ nhất”.

Không chỉ riêng với bộ môn Toán, mà nhiều bộ môn khác các thầy, cô ở Trường THCS Cù Chính Lan cũng rất nỗ lực, tích cực trong việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy, phát huy hiệu quả của lớp học thông minh. Điều quan trọng, thiết thực nhất mà lớp học mang lại đó là tăng sự hứng thú và khả năng tiếp thu bài giảng của các em học sinh. Em Nguyễn Ngọc Hà An (Lớp 7B, Trường THCS Cù Chính Lan) hào hứng chia sẻ: "Địa lý và Hóa học là hai môn học em yêu thích nhất, bởi vì khi học sẽ được tương tác với các phần mềm mô phỏng như đang thực hành thật. Em cảm thấy rất mới lạ và thích thú, ghi nhớ bài cũng nhanh hơn”.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, từng bước thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những năm qua Trường THCS Cù Chính Lan đã nỗ lực quan tâm, đầu tư xây dựng lớp học thông minh. Ngay từ năm 2021, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã trang bị các loại tivi tương tác thông minh với bút điện tử, phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập trực tuyến của thầy cô và các học sinh. Việc đầu tư trang thiết bị học tập đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhà trường đã huy động tối đa nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, quyết tâm đầu tư đồng bộ lớp học thông minh. Mỗi năm các phòng học đều được nâng cấp để phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu giảng dạy, học tập. Các phòng đều sử dụng linh hoạt cho các môn như: Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Khoa học tự nhiên... Điều này giúp cho việc dạy và học trở nên sáng tạo hơn, cả giáo viên và học sinh đều được chủ động.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng ấy, từ ngôi trường khó thu hút học sinh trên địa bàn vào học, chất lượng thi đầu vào lớp 10 nhiều năm liền chỉ đứng thứ 31 - 35 trong khối các trường THCS của thành phố, đến nay chất lượng dạy và học của Trường THCS Cù Chính Lan không ngừng được nâng lên. Trong hai năm triển khai mô hình phòng học thông minh, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022-2023 xếp thứ 4/36 toàn thành phố và xếp thứ 15/622 các trường THCS toàn tỉnh, tỉ lệ đậu vào lớp 10 THPT là 71,17% (tăng 24,17% so với năm học 2021-2022). Năm học 2023-2024 xếp thứ 10/36 toàn thành phố, nâng tỉ lệ đậu vào lớp 10 THPT là 80% (tăng 25% so với năm học 2021-2022), trường đã tuyển sinh được 358 em học sinh khối 6. Tổng số học sinh tăng thêm 500 em sau hai năm thực hiện đề án và ứng dụng chuyển đổi số. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho thành quả nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan, chia sẻ: Hiện tại 100% các lớp học của nhà trường đều xây dựng theo hướng phòng học thông minh, đổi mới hoàn toàn phương pháp dạy học. Mỗi năm, các lớp học thông minh được nâng cấp, đầu tư thêm các phần mềm và trang thiết bị như: camera 360, các loại camera vật thể đời mới, khai thác phần mềm Mozabook - đây là phần mềm 3D đưa hình ảnh thí nghiệm trực quan sinh động, máy chấm trắc nghiệm... Học sinh được tiếp cận với kho học liệu giáo dục rộng lớn và không giới hạn. Giáo viên có nhiều cách để hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Các tiết học trực quan, sinh động với nhiều video, hình ảnh đặc biệt là video 3D tạo sự hứng thú cho các em học sinh. Đồng thời, tích cực sử dụng bút điện tử thay phấn viết bảng, qua đó góp phần tạo ra sự đột phá về chất lượng giáo dục. Trong thời gian hiện nay và trong những năm tiếp theo, việc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng, đặc biệt hướng tới trang bị phòng học thông minh là một trong những nội dung giúp cho chất lượng giảng dạy đạt kết quả cao. Nhà trường phấn đấu vào đầu năm 2024 sẽ từng bước xây dựng trường học theo hướng phần mềm tương tác bằng tay, hướng đến lớp học không bụi phấn.

Bài và ảnh: Ngân Kim



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]