(Baothanhhoa.vn) - Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, song nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) tại khu vực miền núi lại đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, khiến cho chất lượng giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng.

Loay hoay nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên miền núi

Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, song nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) tại khu vực miền núi lại đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, khiến cho chất lượng giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng.

Loay hoay nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên miền núiHọc viên tại TTGDNN-GDTX huyện Lang Chánh trong giờ học.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015, giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, TTGDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành TTGDNN-GDTX; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTGDNN-GDTX, các TTGDTX, dạy nghề, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh được sáp nhập thành TTGDNN-GDTX, do UBND cấp huyện quản lý.

Việc sáp nhập góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tinh gọn bộ máy quản lý... Tuy nhiên, tại các huyện miền núi Thanh Hóa, nhiều TTGDNN-GDTX sau sáp nhập được đầu tư về cơ sở vật chất khang trang nhưng hiệu quả trong công tác tuyển sinh cũng như việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như, tại TTGDNN-GDTX huyện Lang Chánh, cơ sở vật chất đồng bộ, khang trang trên diện tích khuôn viên rộng rãi, thế nhưng số học viên không đạt như kỳ vọng. Ông Lê Thế Vinh, Giám đốc TTGDNN-GDTX, cho biết: Trung tâm đang duy trì 4 lớp, với 130 học viên. Dù vậy, đây lại đang là con số khả quan so với những năm trước và so với một số TTGDNN-GDTX tại các huyện miền núi khác.

Theo ông Vinh, bài toán khó nhất để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đào tạo là công tác tuyển sinh. Việc phải cạnh tranh với các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận của các TTGDNN-GDTX là rất hạn chế. Đa phần con em ở miền núi là hộ nghèo, khó khăn, xu hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ cao. Việc xác định học nghề, được học sinh quan tâm đến các trường trung cấp nghề hơn. Lý do một phần là học ở các trường trung cấp nghề, học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ từ việc ăn ở đến học tập, đào tạo. Trong khi đó, học tại TTGDNN-GDTX lại không được hưởng những chính sách này.

Để cải thiện công tác tuyển sinh, trước mỗi mùa tuyển sinh, cán bộ, giáo viên trung tâm đều đến các trường THCS trên địa bàn để làm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, các thầy cô lại đến tận nhà, thậm chí lên tận chòi trên rẫy của người dân để tuyên truyền, vận động các em theo học. Tuy nhiên, kết quả cũng không mấy khả quan.

Thực trạng trên không chỉ của riêng TTGDNN-GDTX huyện Lang Chánh mà đang là khó khăn chung của các TTGDNN-GDTX khu vực miền núi. Hiện nay, đa phần các trung tâm đều đang hoạt động cầm chừng do gặp khó trong công tác tuyển sinh, số lượng học viên quá ít ỏi. Tại TTGDNN-GDTX huyện Quan Sơn được thành lập từ năm 2000. Cách đây hơn 10 năm, trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất, với 3 phòng học, 1 xưởng nghề và 1 khu nhà hiệu bộ. Thế nhưng tình trạng thiếu vắng học viên, khiến cơ sở vật chất đầu tư trở nên lãng phí.

Còn tại TTGDNN-GDTX huyện Quan Hóa, có 11 phòng học, 3 phòng thực hành nghề, khu nhà hiệu bộ cùng 10 cán bộ, giáo viên biên chế. Nhưng hiện nay, trung tâm cũng chỉ có 26 học viên đang theo học chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều hạng mục cơ sở vật chất được đầu tư nhưng không sử dụng.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với 10 TTGDNN-GDTX. Thực trạng tại các TTGDNN-GDTX miền núi đang bộc lộ nhiều hạn chế. Với chức năng giáo dục thường xuyên được xem là kém hiệu quả do thiếu đội ngũ giáo viên văn hóa; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng việc dạy học theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trung tâm phải hợp đồng tiết dạy với giáo viên ngoài nhà trường. Trong khi đó, với chức năng đào tạo sơ cấp nghề, cũng kém hiệu quả. Thiếu giáo viên, thiếu các trang thiết bị thực hành. Phần lớn các TTGDNN-GDTX thực hiện thông qua liên kết với các trường trung cấp nghề.

Rõ ràng, với những hạn chế trên, việc cạnh tranh trong tuyển sinh với các trường trung cấp nghề là rất khó. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực trong công tác tuyển sinh, thì các huyện cần tăng cường hơn nữa việc phân luồng học sinh. Bên cạnh đó, cần đầu tư bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho giáo dục cũng như đào tạo nghề. Các TTGDNN-GDTX cũng phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hướng đến thu hút học viên.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]