(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Không chỉ là sự biết ơn với người đã hy sinh, mà còn là trách nhiệm với những người còn sống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” luôn được dân tộc ta giữ gìn.

Lan tỏa đạo lý uống nước nhớ nguồn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Không chỉ là sự biết ơn với người đã hy sinh, mà còn là trách nhiệm với những người còn sống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” luôn được dân tộc ta giữ gìn.

Lan tỏa đạo lý uống nước nhớ nguồnNgôi nhà lợp mái tôn của thương binh hạng 2/4 Hà Học Khuyên ở thôn Kim Đồng, xã Thanh Kỳ đã xuống cấp.

Để chia sớt nỗi đau, để không bỏ sót ai lại phía sau, nhiều năm qua, việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình người có công (NCC) với cách mạng được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC. Các phong trào, các cuộc vận động như: Cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ NCC còn khó khăn về nhà ở; phong trào nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn; giúp đỡ, tạo điều kiện cho NCC và gia đình chính sách phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Nhiều tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên mình nhận chăm sóc thường xuyên các công trình ghi công liệt sĩ. Các phong trào đó đã được các tổ chức, cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 200 suất quà cho các đối tượng chính sách, NCC trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp triển khai xây dựng 13 nhà tình nghĩa, 7 nhà Đại đoàn kết; thực hiện việc phụng dưỡng 22 Bà mẹ VNAH; thăm và tặng quà các thương, bệnh binh, thân nhân NCC... với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Gần 1 tháng nay, kể từ ngày được trao tặng nhà tình nghĩa, thương binh 4/4, Phạm Văn Thưởng ở thôn Xuốm Chỏng, xã Đồng Lương (Lang Chánh) vẫn còn cảm xúc lâng lâng. Trước đây ngôi nhà của ông Thưởng cũ kỹ và tồi tàn nhất thôn. Song vì tuổi cao, điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình không đủ khả năng sửa chữa, xây dựng. Nay, căn nhà được xây dựng trên diện tích 74m2, với tổng kinh phí 230 triệu đồng, trong đó Bộ Quốc phòng hỗ trợ 80 triệu đồng, các cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện, dân quân địa phương, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong thôn góp hằng trăm ngày công lao động. Ông Phạm Văn Thưởng tâm sự: Nhận được ngôi nhà mới, không biết nói gì hơn là cảm ơn Đảng, Nhà nước, quân đội đã luôn quan tâm đến những gia đình chính sách như chúng tôi. Tôi mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng hơn nữa để dành tặng cho đồng đội tôi, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng vẫn còn sống trong khó khăn, vất vả. Đó là sự động viên rất ý nghĩa, giúp mỗi gia đình có thêm động lực tiếp tục vươn lên”.

Huyện Như Thanh hiện đang có 969 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng. Vì thế, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là việc nỗ lực để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho NCC, gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân trên địa bàn.

Là 1 trong 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Như Thanh (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ), Thanh Kỳ nằm cách xa trung tâm huyện, lại có địa bàn đồi núi dốc, hơn 80% dân số là đồng bào Thái, đời sống kinh tế khá khó khăn. Vì thế đảng ủy, UBND xã chú trọng nhất là công tác giảm nghèo của các hộ gia đình nói chung và NCC nói riêng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Viện, Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ, cho biết: Xã Thanh Kỳ hiện có 27 NCC đang được hưởng trợ cấp thường xuyên. Trong 27 người này thì 12 người thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn, điển hình là các hộ gia đình ông Lê Xuân Thiết (thương binh hạng 4) ở thôn Thanh Xuân; Lữ Đình Khâm (chất độc hóa học) ở thôn Bái Xim; Lô Văn Nam (chất độc hóa học) ở thôn Thanh Chung... Do điều kiện của địa phương còn khá khó khăn nên việc hỗ trợ gia đình NCC chưa thực hiện được như các địa phương khác, song hàng năm xã cũng đã vận động nguồn lực từ một số nhà hảo tâm. Hiện tại, sau khi rà soát vẫn còn 4 gia đình NCC cần được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở”.

Đến thăm hộ gia đình thương binh hạng 2/4 Hà Học Khuyên ở thôn Kim Đồng năm nay đã 78 tuổi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trước đây ông là lái xe của Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. 36 năm trong quân đội, ông về nghỉ với quân hàm thượng sĩ. Đến nay hai ông bà đang được hưởng số tiền trợ cấp ưu đãi NCC hàng tháng là 2.433.000 đồng. Đất đai rộng, nhưng cả hai ông bà đều yếu, ngoài vài ba thứ cây trồng, chi tiêu của ông bà phụ thuộc hoàn toàn vào tiền trợ cấp. Ngôi nhà lụp xụp chưa có cơ hội được sửa chữa, xây dựng.

Nói thêm về những khó khăn của những người đang được hưởng trợ cấp NCC trên địa bàn xã, bệnh binh Hà Nhật Quang hiện đang là bí thư chi bộ thôn Thanh Chung, cho biết: Đa số thương, bệnh binh trên địa bàn xã Thanh Kỳ sống bằng nghề nông nên khá khó khăn. Chúng tôi thường xuyên nhận được sự động viên, quan tâm về tinh thần từ cấp ủy chính quyền. Nhưng để giảm nghèo hiệu quả, thiết nghĩ ngoài chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, nếu có thêm chính sách đặc thù thì các hộ gia đình NCC mới có thể giảm nghèo và thoát nghèo”.

Lợi thế về mặt địa hình, xã Yên Thọ (Như Thanh) có điều kiện để phát triển kinh tế. Trên địa bàn xã hiện có 26 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp thường xuyên đồng hành với chính quyền trong các hoạt động xã hội. Chia sẻ với chính quyền xã, anh Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng cho biết: Tôi luôn quan niệm, tri ân những NCC là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Cá nhân tôi, bên cạnh những suất quà chung đóng góp cùng xã, tôi còn có những suất quà riêng. Có thể là những sản phẩm của chính HTX sản xuất cùng với một chút tiền. Có đến đâu làm đến đó, cũng không nhất thiết là đúng vào ngày lễ, thấy những hoàn cảnh khó khăn, mình thăm hỏi, động viên cũng là ý nghĩa, có thêm chút quà lại càng ý nghĩa hơn.

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: Năm 2021, xã Yên Thọ đã về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao. Hiện nay chúng tôi đang phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2024. Chúng tôi luôn quan tâm xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực để mức sống của gia đình NCC được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Vì thế xã Yên Thọ không còn hộ nghèo có thành viên là NCC.

Đúng 1 năm sau ngày Đoàn Thanh niên huyện Quảng Xương tổ chức “Bữa cơm tri ân”, chúng tôi đến thôn Trần Cầu, xã Quảng Bình (Quảng Xương) thăm mẹ Lê Thị Cầu. Kể lại với chúng tôi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh Phạm Mạnh Hiệp nói: Hưởng ứng phong trào của Đoàn Thanh niên huyện Quảng Xương, đoàn xã Quảng Bình đã tổ chức cho mẹ Lê Thị Cầu có bữa cơm vui vẻ. Trong khi một nhóm đoàn viên, thanh niên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tạo luống vuông vắn trên mảnh vườn nhỏ trước nhà mẹ thì trong bếp, mỗi người một việc bắt tay chuẩn bị bữa cơm trưa. Mâm cơm tươm tất được dọn ra, thắp nén hương lên bàn thờ 2 người con trai là liệt sĩ, mẹ Cầu xúc động rưng rưng nói: “Con ơi, hôm nay mẹ có các cháu đoàn viên, thanh niên đến nhà làm cơm, tưởng nhớ các con. Mẹ vui lắm, xúc động lắm”.

Dù đã gần 98 tuổi nhưng mẹ còn rất minh mẫn. Mẹ kể lại những câu chuyện khi hai anh còn chưa nhập ngũ. “Đến nay, gia đình mẹ ai cũng có lương. Mẹ cũng có “lương” của Nhà nước. Giờ mẹ chỉ cần thỉnh thoảng có người qua lại chơi là vui lắm”. Bữa cơm tri ân ấy, mẹ Cầu nhớ mãi. Chia tay chúng tôi, mẹ còn dặn dò: Vài hôm nữa, các con, các cháu nhớ đến đây ăn một bữa cơm với bà, với mẹ nhé. Nhà bà có sẵn gà, có rau trong vườn, thích ăn gì thì bà mua thêm. Bà cũng chỉ được vài lần ăn cơm với các cháu, các con nữa thôi.

Tháng 7 nghĩa tình. Và ngày 27-7 hàng năm, không chỉ để tri ân mà còn để nhắc nhở mọi người cần tiếp tục làm nhiều việc ý nghĩa, thiết thực đối với NCC.

KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]