(Baothanhhoa.vn) - Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Thanh Hóa có 508 sản phẩm OCOP. Trong đó, 57 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, chiếm 11,22% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh. Với việc được xếp hạng 4 sao, các sản phẩm đều có chất lượng bảo đảm, khả năng tiếp cận thị trường tốt và tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 5 sao. Do đó, nhiều địa phương, chủ thể đã và đang tích cực đầu tư để phát triển mạnh các sản phẩm 4 sao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP xứ Thanh.

Kỳ vọng phát triển sản phẩm OCOP 4 sao

Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Thanh Hóa có 508 sản phẩm OCOP. Trong đó, 57 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, chiếm 11,22% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh. Với việc được xếp hạng 4 sao, các sản phẩm đều có chất lượng bảo đảm, khả năng tiếp cận thị trường tốt và tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 5 sao. Do đó, nhiều địa phương, chủ thể đã và đang tích cực đầu tư để phát triển mạnh các sản phẩm 4 sao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP xứ Thanh.

Kỳ vọng phát triển sản phẩm OCOP 4 saoPhó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và lãnh đạo các sở, ngành đánh giá tình hình sản xuất của sản phẩm miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long (Nông Cống).

Được xác định là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao trong Chương trình OCOP. Song, từ năm 2023 đến nay, với những tiêu chuẩn khắt khe được quy định trong Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì việc phát triển sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh khá hạn chế. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có thêm bất kỳ sản phẩm OCOP mới nào được xếp hạng 4 sao, chỉ có những sản phẩm 4 sao của giai đoạn trước được đánh giá, công nhận lại và 1 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Điều này đặt ra vấn đề là làm thế nào để vận hành, phát huy được hiệu quả của những sản phẩm OCOP 4 sao đã được công nhận.

Miến gạo Thăng Long của huyện Nông Cống là sản phẩm OCOP mới được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao trong tháng 5/2024 vừa qua. Để đạt tiêu chí nâng hạng sản phẩm OCOP, HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc để nâng cao sản lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, HTX đã đấu mối với các đơn vị liên quan xin cấp quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ, quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất để đáp ứng tiêu chí của sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX, cho biết: "Theo quy định, để đạt OCOP 4 sao, sản phẩm phải nổi trội, đặc sắc và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, HTX đã nỗ lực nâng cao năng lực, điều kiện sản xuất và nhất là khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường. Đến nay, HTX đã mở rộng 400ha vùng nguyên liệu để đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm miến gạo Thăng Long như có thêm “tấm vé” thông hành uy tín không chỉ ở thị trường trong nước mà còn với thị trường xuất khẩu. Thực tế là mới đây, HTX đã ký kết hợp đồng ghi nhớ với đơn vị trung gian, chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc”.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM, trong số 57 sản phẩm OCOP 4 sao đã được công nhận, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 3 sản phẩm 4 sao gồm: rổ cói Nga Sơn, bình cói Nga Sơn, đĩa cói Nga Sơn của Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, xã Nga An (Nga Sơn) được xuất khẩu ổn định đi thị trường nước ngoài, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Ngoài ra, những sản phẩm 4 sao còn lại đã bảo đảm chất lượng theo quy định, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ, phát huy được giá trị, sức mạnh của sản phẩm OCOP 4 sao thực sự là bài toán khó. Ông Nguyễn Bá Châu, chủ thể sản xuất sản phẩm Trống đồng Quý Châu - sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021, là một trong những sản phẩm được kỳ vọng nâng hạng lên sản phẩm 5 sao của tỉnh, cho biết: Sản phẩm OCOP 4 sao được chấm, đánh giá từ 70 đến 89 điểm, đây là khung giới hạn khá rộng và là khoảng cách lớn trong các tiêu chí. Bởi vậy, dù được đánh giá là sản phẩm 4 sao, song không phải chủ thể nào cũng có đủ tiềm lực kinh tế, năng lực, trình độ sản xuất cũng như khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu để có thể nâng chất lượng tiêu chí, tiệm cận với hạng OCOP 5 sao.

Theo đánh giá của các sở, ngành thành viên trong Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, sản phẩm Trống đồng Quý Châu là sản phẩm truyền thống của làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Với điểm nổi trội nhất phải là yếu tố văn hóa chứa đựng trong sản phẩm, ngoài ra, chất lượng và nhiều tiêu chí khác cũng được đánh giá bảo đảm yêu cầu tham gia xét, nâng hạng lên sản phẩm 5 sao quốc gia. Hiện, xã Thiệu Trung đang đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã xuất khẩu được sản phẩm đi Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, với kỳ vọng đây sẽ là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao được nâng hạng của tỉnh trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, để nâng hạng lên 5 sao OCOP là điều rất khó. Song hầu hết các chủ thể khi xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, đều mong muốn có thêm trợ lực để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế. Với những hỗ trợ tích cực của tỉnh và sự nỗ lực, linh hoạt của các chủ thể sản xuất, những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh đã và đang được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần đổi mới tư duy sản xuất, tạo chuyển dịch trong xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn và từng bước khẳng định được vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa trên thị trường trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]