(Baothanhhoa.vn) - Làng trong tâm thức người Việt không đơn thuần là một đơn vị cư trú, hình thức tổ chức xã hội ở khu vực nông thôn. Hơn hết, đây là quê hương, bản quán, nơi chôn nhau cắt rốn, lưu giữ tất cả ký ức tuổi thơ bên gia đình, bè bạn. Bởi vậy dẫu dâu bể nơi nào, cuộc sống phương trưởng ra sao vẫn chẳng thể nào quên cây đa, bến nước, sân đình; lòng vẫn đau đáu nhớ về làng - nguồn cội. Xứ Thanh - vùng đất lắng đọng trầm tích, tinh hoa văn hóa nghìn năm. Một phần trong cái chiều sâu thăm thẳm, cái bề rộng mênh mông của lịch sử - văn hóa trên xứ sở này được minh chứng sinh động qua sức sống của những ngôi làng cổ.

Ký ức xứ Thanh qua các ngôi làng cổ

Làng trong tâm thức người Việt không đơn thuần là một đơn vị cư trú, hình thức tổ chức xã hội ở khu vực nông thôn. Hơn hết, đây là quê hương, bản quán, nơi chôn nhau cắt rốn, lưu giữ tất cả ký ức tuổi thơ bên gia đình, bè bạn. Bởi vậy dẫu dâu bể nơi nào, cuộc sống phương trưởng ra sao vẫn chẳng thể nào quên cây đa, bến nước, sân đình; lòng vẫn đau đáu nhớ về làng - nguồn cội. Xứ Thanh - vùng đất lắng đọng trầm tích, tinh hoa văn hóa nghìn năm. Một phần trong cái chiều sâu thăm thẳm, cái bề rộng mênh mông của lịch sử - văn hóa trên xứ sở này được minh chứng sinh động qua sức sống của những ngôi làng cổ.

Ký ức xứ Thanh qua các ngôi làng cổBình yên khung cảnh làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa).

Tự thuở bình minh loài người, “từ các hang đá, mái đá nhìn ra dòng sông Mã, ngã ba sông Mã, rồi sông Chu, dựa vào núi rừng ngày càng thoai thoải về xuôi, cuộc sống của con người Việt cổ xứ Thanh giống như một dòng nước loang dần xuống thấp, dừng lại trước biển cả, đọng lại thành bản, thành mường, thành xóm, thành làng” (Khảo sát văn hóa làng xứ Thanh, Hoàng Anh Nhân - Lê Huy Trâm, NXB Khoa học xã hội, 1993). Bởi vậy, khi bước lên hành trình tìm về ký ức xứ Thanh thì các ngôi làng cổ sẽ cho ta những hình dung sáng rõ.

Theo các nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, Lê Huy Trâm, giai đoạn Đa Bút (Vĩnh Lộc) là điểm khởi đầu của văn hóa nông nghiệp định hình ở xứ Thanh và chính nó là “thủy tổ” của văn hóa làng xứ Thanh ngày nay. Dọc theo triền sông Mã suốt từ trung du đến ven biển Thanh Hóa phát hiện 4 di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút, đó là: núi Hến (rú Hến) Đa Bút, xã Vĩnh Tân (sau sáp nhập với xã Vĩnh Minh thành xã Minh Tân), rú Hến bản Thủy, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), cồn Cổ Ngựa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung), gò Trũng, xã Phú Lộc (Hậu Lộc). Những di chỉ này đều gắn với những ngôi làng cổ tiêu biểu ở các địa phương như: làng Bản Thủy (Vĩnh Thịnh), làng Tiên Hòa (Hà Lĩnh)...

Các nhóm cư dân nông nghiệp cứ theo diễn biến của trường kỳ lịch sử, tiếp tục phát triển, sáng tạo nên nền văn hóa - văn minh Đông Sơn rực rỡ. Theo sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn mà chiếm lĩnh đồng bằng Thanh Hóa, trước hết là những vùng trực tiếp do sông Mã bồi đắp nên và sau đó là những cánh đồng do sông Chu, sông Yên, sông Lãng. Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) - ngôi làng nhỏ ở xứ Thanh - nơi đầu tiên phát hiện ra những dấu tích của nền văn hóa này đã trở thành tên gọi của cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2.000 - 3.000 năm. Làng cổ Đông Sơn được bình chọn là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam.

Qua các nền văn hóa cổ, bước sang các vương triều phong kiến - “ngõ hầu” làm sáng tỏ những nét độc đáo trong văn hóa làng xứ Thanh: “Những sự kiện lịch sử xảy ra trên đất Thanh Hóa đã được khẳng định và đánh giá, những nhân vật Thanh Hóa đã hòa vào lịch sử dân tộc, thái độ của các vương triều đối với xứ Thanh, hậu quả của những chế độ, chính sách của các triều đại được thực thi trên mảnh đất quê Thanh..., chắc chắn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa làng Thanh Hóa theo 2 chiều làng - nước và nước làng”.

Về làng Dương Xá (làng Giàng, phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) nơi ngã ba sông để hiểu hơn cái danh giá ngàn năm của vùng đất này, “vùng đất cổ nằm ở vị trí đắc địa, nơi hội tụ linh thiêng trời - đất - con người; nơi dòng lịch sử đi qua và lắng tụ lại như một thiên định dành riêng cho mảnh đất nhỏ bé nhưng quan trọng”. Nơi đây từng có thời kỳ giữ vai trò là trung tâm của đô thị cổ với tên gọi thành Tư Phố; thủ phủ của trấn Thanh Hoa từ thời hậu Lê cho đến thời Tây Sơn với vai trò quan trọng của trấn thành Dương Xá. Hình dung về thuở Dương Đình Nghệ tập trung 3 nghìn nghĩa tử về đất Dương Xá luyện tập võ nghệ, cảm nhận hào khí vẫn còn dội về từ quá khứ. Ở lò võ Dương (Dương Xá) đã hình thành một trung tâm kháng chiến khá mạnh, đứng đầu là hào trưởng Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc. Ông công khai nuôi dưỡng 3 nghìn “con nuôi” (nghĩa tử trong nhà) ngày đêm tập luyện, chuẩn bị tiến ra Giao Châu tiêu diệt quân xâm lược. Dinh cơ họ Dương trở thành nơi “tụ nghĩa” của hào kiệt khắp nơi trong nước ta. Ngô Quyền từ Phong Châu, Đinh Công Trứ từ Trương Châu... đều đưa gia thuộc vào làng Giàng tụ nghĩa. Dương Đình Nghệ cử Đinh Công Tráng trấn trị Hoan Châu, giữ Ngô Quyền làm gia trướng dưới trướng doanh, gả con gái cho, sai chỉ huy đội quân chủ lực.

Cùng với sự vận động và phát triển, từ những “kẻ”, “xá”, “trang ấp - lộc điền”..., nhiều ngôi làng xứ Thanh đã định danh trong lịch sử dân tộc những dấu ấn đậm nét. Làng Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân) là một vùng đất cổ, thuở mới khai sinh có tên là Kẻ Sập (Khả Lập), đến thời Đinh đổi là làng Trung Lập và giữ tên này tới tận ngày nay. Đây là một làng Việt cổ khá điển hình ở đồng bằng châu thổ Bắc Trung bộ, có di chỉ khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, mảnh đất này là nơi sinh ra Hoàng đế Lê Đại Hành - nhà quân sự tài ba lỗi lạc, người đặt nền móng xây dựng quốc gia Đại Việt hưng thịnh.

Đền thờ Lê Hoàn và lễ hội đền thờ Lê Hoàn cùng thắp lên ngọn lửa di sản. Một di tích quốc gia đặc biệt và một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đồng hiện trong ánh hào quang tỏa rạng từ cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc, minh quân sáng lập triều tiền Lê, người con ưu tú của làng, xã. Những chiếc bánh răng bừa dẻo thơm vẫn gợi nhắc chuyện xưa tích cũ vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày mở ra mỹ tục đẹp - lễ tịch điền. Ngày diễn ra lễ hội đền thờ Lê Hoàn, cả làng vẫn rộn ràng giã cốm, nung bánh chưng làm lễ vật dâng vua... Ngôi miếu thờ - “nền sinh thánh” và huyền tích dân gian gắn với khoảnh khắc chào đời của vua Lê Đại Hành vẫn được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Lăng mộ ông Hoàng Khảo (cha vua), lăng mộ bà Đỗ Thị (mẹ vua) vẫn còn đó. Ngay cả trong những thời điểm lịch sử khó khăn, nhạy cảm nhất, làng vẫn nỗ lực, cố gắng gìn giữ ngôi đền thiêng cùng nhiều hiện vật cổ như: đĩa ngọc, đũa bạc thử độc, chén bạc, chóe, đạo sắc phong...

Sinh ra và lớn lên trên “vùng đất sinh vua”, đó là niềm tự hào không phải ai cũng có được. Trên đường đời muôn ngã rẽ, các thế hệ cháu con làng Trung Lập vẫn khắc ghi trong tim nguồn cội quê hương mình. Giữa vòng xoay của nhịp sống hiện đại sẵn sàng cuốn phăng, xô đổ, xâm lấn nhiều giá trị văn hóa truyền thống, làng Trung Lập vẫn giữ được nhiều nét cổ. Làng tựa vào “nguồn sức mạnh nội sinh” ấy mà không ngừng phát triển; con cháu của làng mang theo niềm tự hào về lịch sử, truyền thống cha ông mà tự tin bước về phía tương lai. Ông Tống Cảnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, cho biết: “Làng Trung Lập nói riêng, xã Xuân Lập nói chung có bề dày lịch sử - văn hóa, có niềm tự hào của “vùng đất sinh vua”. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, nhiều năm qua, xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn, theo từng đầu mục công việc, có phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả. Từ đó khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững”.

Dưới mái hiên của ngôi đền cổ, ông Đỗ Đình Hồng, trưởng làng Trung Lập và các cụ trong làng niềm nở rót chén trà thơm mời khách, hào hứng kể chuyện làng, chuyện xã trong niềm tự hào, biết ơn. Các cụ bảo: Làng Trung Lập là vùng “đất quý hương” nên danh giá lắm, từ thời hậu Lê đã được miễn phu phen, tạp dịch, lại được cấp cho 67 mẫu công điền dùng vào việc lễ nghi thờ phụng vua, tu sửa đền thờ. Các thế hệ cháu con làng Trung Lập, đời này nối tiếp đời sau vẫn răn dạy, bảo ban nhau “sống làm sao cho xứng đáng với danh tiếng của làng”, chung sức đồng lòng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng mà cha ông trao truyền. Ông Hồng chia sẻ: “Đã là người làng Trung Lập ai cũng mang trong lòng niềm tự hào và nêu cao tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương. Từ những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, thống nhất hai miền Nam - Bắc, một số cụ trong làng đến Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), thăm mộ vua Lê Đại Hành, thấy mộ vua vẫn còn là ngôi mộ đất đã vô cùng thương xót, xúc động mà trở về làng họp bàn nhau, đóng góp tiền của, mua sắm vật liệu, kéo xe bò ra tận nơi để làm đẹp, kiên cố thêm cho ngôi mộ”.

“Có thể ví lịch sử làng Thanh Hóa như cây si trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Trải qua hàng ngàn vạn đời, tỏa cành tỏa nhánh thành các làng xã xanh tươi trong miền nhiệt đới Việt Nam - Đông Nam Á. Bão táp, mưa sa có lúc ập xuống tơi bời, song cây si vẫn sừng sững cành nhánh, vẫn vững bền, làng xã vẫn tồn tại và phát triển”. Trong bối cảnh đời sống hôm nay, lịch sử làng tiếp tục bước sang những trang mới; ký ức xứ Thanh tiếp tục được lưu giữ trong diện mạo mới, sức sống mới của làng.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]