Ký ức Hàm Rồng chiến thắng
Tháng Tư lịch sử, người dân xứ Thanh lại hân hoan chào đón kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng. 59 năm, thời gian đủ lấy đi nhiều thứ của một con người, thế nhưng không thể làm phai nhòa những khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng trong tâm trí của lớp người đã từng xả thân dưới mưa bom bão đạn, cho cầu Hàm Rồng đứng vững bảo vệ huyết mạch giao thông quốc gia.
Bức ảnh bà Dương Thị Viện vác đạn phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng được bà gìn giữ cẩn thận.
Sử sách nói nhiều về Hàm Rồng, Nam Ngạn - hai địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử, cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát nhất trong cuộc chiến. Thế nhưng, tôi muốn được nghe ai đó từng đi qua những năm tháng xưa kể lại, để có thể cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh và lòng căm thù, quả cảm của một thế hệ anh hùng.
Đem ước muốn ấy tìm gặp cụ Dương Thị Viện ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), là một nữ dân quân làng Đông Sơn (Hàm Rồng) năm xưa giờ đã 78 tuổi. Dù đôi lúc cụ có quên đi một vài ký ức, nhưng cái cảm xúc về một thời phục vụ trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Cụ kể: Ngày ấy, toàn bộ dân quân làng Đông Sơn được giao nhiệm vụ tải đạn, tải thương cho trận địa pháo cao xạ đồi C4. Làng có nhiều núi thì cũng có nhiều hang, đêm đến dân quân ngủ tập trung tại một cái hang rộng để khi có báo động là tất cả lên đường làm nhiệm vụ. Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965 giặc Mỹ bắn phá rất ác liệt, bầu trời trong thoáng chốc đã đen kịt bởi khói lửa của đạn bom. Bước vào cuộc chiến, bộ đội ta cũng chống trả không thua kém. Để các xạ thủ không phải rời vị trí chiến đấu, đạn hết thì vào kho vác từng hòm lên trận địa. Ngoài vác đạn, những nữ dân quân làng Đông Sơn còn làm nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sĩ bị thương về phía sau mặt trận. 2 ngày giặc Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng, quân, dân ta bị thương và hy sinh nhiều. Nói đến đây cụ rơi nước mắt, giọng nghèn nghẹn vì biết bao người con thân yêu đã phải nằm lại bên bến sông lịch sử này.
“Làm nhiệm vụ tải thương, chúng tôi đã khóc rất nhiều. Có chiến sĩ trẻ chỉ kịp nhắn với tôi một câu ngắn ngủi: “Em ơi, hãy nói với người yêu anh đừng chờ anh nữa” rồi hy sinh. Nghe mà đau xót lắm. Thế nhưng, những lần thắng lợi, những lần chứng kiến máy bay của giặc bị bắn cháy, hay bắt được giặc lái thì tất cả chúng tôi đều vui sướng”, cụ Viện kể tiếp.
Hình ảnh bà Dương Thị Viện vác đạn phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Theo cụ, lúc ngoài trận địa, khi lên núi tải đạn, tải thương, cụ đã cùng đồng đội bao phen vào sinh ra tử, để rồi có những ký ức đã sống cùng cụ như tri kỷ. Những ngày đầu tháng tư lịch sử, chỉ có tôi và cụ ngồi trong ngôi nhà ấm cúng, nghe cụ kể bằng nhiệt huyết trái tim, bỗng những trang sử đã từng đọc lại hiện lên như thể mình đang được sống, được chứng kiến cái thời khắc oanh liệt đó.
Trong trận quyết chiến lịch sử ấy, quân, dân Hàm Rồng - Nam Ngạn đã đập tan kế hoạch đánh phá cầu Hàm Rồng của giặc Mỹ. Để hiểu rõ hơn về cuộc so trí, đọ tài, thi gan, đọ danh dự giữa siêu cường ngạo mạn với một dân tộc nhỏ bé mà gan góc, không chịu khuất phục, chúng tôi tới gặp ông Lê Văn Đàn ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa - người lính đã kề vai sát cánh cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Ông Lê Văn Đàn, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Cụ Đàn sinh năm 1944, năm nay tròn 80 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ký ức về chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn vẫn in từng dấu vết. Tôi mở lời về cuộc chiến ngày 3 và 4/4, được cụ kể cho nghe bằng tất cả những dòng cảm xúc của một người lính từng sống và chiến đấu hết mình bên trận địa. Cụ cho biết: “Năm 1964, tôi nhập ngũ vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, Sư đoàn 304. Đến đầu năm 1965 đơn vị tôi được lệnh hành quân về tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, cầu Tào và cầu Đò Lèn, trong đó cầu Hàm Rồng giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Vì thế, giặc Mỹ quyết phá bằng mọi giá thì ta quyết bảo vệ tới cùng”.
Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ của cụ Đàn có 3 đại đội pháo 37 ly và 1 đại đội pháo 14,5 ly. Ngày ấy, cụ Đàn là chiến sĩ phụ trách máy đo xa (đo cự ly của máy bay địch cách trận địa bao xa để xác định mục tiêu, tầm ngắm). Dù không trực tiếp đạp cò bắn nhưng nhiệm vụ của cụ rất quan trọng, bởi nếu đo sai cự ly thì pháo của ta sẽ không thể bắn trúng máy bay địch. Yêu cầu của chiến sĩ phụ trách máy đo xa là phải hết sức bình tĩnh, dũng cảm và hô thật to để đại đội trưởng và những khẩu pháo xung quanh đều nghe được cùng lúc.
Cụ Đàn kể: “Tại trận địa, pháo thủ số 6 sẽ truyền đạn cho pháo thủ số 5, pháo thủ số 5 nạp đạn, pháo thủ số 4 lấy hướng, pháp thủ số 3 lấy tầm, pháo thủ số 1 và 2 quay theo tầm, theo hướng đã xác định và đạp cò bắn. Trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, bộ đội ta sử dụng cùng lúc cả 3 loại pháo, trong đó pháo 57 ly bắn ở tầm xa, pháo 37 ly bắn ở tầm trung và pháo 14,5 ly bắn ở tầm thấp nên máy bay Mỹ bị trúng đạn rất nhiều. Cầu Hàm Rồng nằm trên một địa hình hết sức phức tạp, hai bên là núi Rồng và núi Ngọc đứng án ngữ khiến máy bay địch rất khó ném bom. Đánh cầu Hàm Rồng không được, chúng quay sang đánh các trận địa hòng ngăn chặn sự đáp trả bằng hỏa lực phòng không của quân đội ta”.
Vì dâng hiến tất thảy cho sự sống còn của cây cầu lịch sử, nên cụ Đàn nhớ khá rõ từng tình huống. Khi tôi hỏi về ấn tượng sâu sắc nhất trong 2 ngày chiến đấu bảo vệ cầu, cụ trầm tư: “Ngày 3 và 4/4 ác liệt ấy, có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ lắm. Nhưng tôi nhớ mãi hành động vô cùng dũng cảm của pháo thủ số 2, tuổi đời mới 19, đôi mươi. Trong lúc làm nhiệm vụ, anh bị thương xuyên qua bụng, dù rất đau đớn nhưng vẫn dành hơi thở cuối cùng để đạp cò bắn. Đến khi anh ngã xuống, người tiếp theo nhảy vào đạp cò bắn tiếp. Sự hy sinh anh dũng của pháo thủ số 2 đã cổ vũ mạnh mẽ cho đồng đội thi đua giết giặc lập công”.
Những câu chuyện, những cảm xúc lúc cao trào hứng khởi, lúc trầm lắng nghẹn ngào, nhưng vẫn còn vẹn nguyên hào khí chiến thắng từ các nhân chứng sống đã đưa bước chân tôi quay trở lại thăm Hàm Rồng lịch sử. Trên cây cầu Hàm Rồng vững chãi, trên ngọn đồi “Quyết Thắng” uy nghi, sừng sững, chiến công ngày nào như còn vang vọng đâu đây. Từ Hàm Rồng, hướng mắt về bốn phía quê hương, không còn dấu vết đạn bom. Từng con đường, từng góc phố đều khoác lên mình những sắc màu tươi mới của cuộc sống ấm no, giàu đẹp.
Bài và ảnh: Tố Phương
{name} - {time}
-
2025-01-16 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 16/1
-
2025-01-16 19:03:00
Đại tá Vũ Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống Nhân dân tại thị xã Nghi Sơn
-
2024-04-03 08:00:00
Kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2024): Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 3/4/2024
Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 3/4
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024
[Bản tin 18h] Đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang trong tháng 4/2024
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân thi công nút giao kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam
Lễ hội đền Rồng - đền Nước năm 2024
Tưởng niệm liệt sĩ hy sinh tại hang Co Phương
Nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy