(Baothanhhoa.vn) - Chiều 16 – 5, Thường trực UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS); cơ chế khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thường trực UBND tỉnh cho ý kiến về việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn

Chiều 16 – 5, Thường trực UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS); cơ chế khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh; Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, UBND huyện Tĩnh Gia và Văn phòng UBND tỉnh.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS.

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn (Liên danh Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa và nhóm chuyên gia quốc tế Nhật Bản) trình bày việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS, nhằm mục tiêu xây dựng KKTNS thành “Thành phố cảng biển xanh” đồng bộ, hiện đại, với tiêu chí đô thị loại 1 sinh thái, bền vững theo mô hình thành phố thông minh; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh có tầm nhìn - bản sắc và cạnh tranh trong khu vực, sớm đưa KKTNS trở thành trọng điểm kinh tế ven biển năng động, với chức năng đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, bao gồm: Toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia; 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống); 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh). Dự thảo đưa ra các định hướng về quy hoạch chung xây dựng; sử dụng đất; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, tôn trọng các yếu tố thực trạng, kế thừa tối đa kết quả nghiên cứu hợp lý của đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 KKTNS đã được phê duyệt năm 2007. Đồng thời, tận dụng điều kiện tự nhiên, phân khu chức năng hợp lý, phát triển hài hòa các chức năng cảng biển, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch và các khu chức năng bảo đảm phát triển bền vững.

Ban Quản lý KKTNS và các KCN tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các khu kinh tế biển quốc tế và Việt Nam, đơn vị tư vấn đề xuất tầm nhìn quy hoạch phát triển KKTNS thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước và có tầm vóc quốc tế với 3 tầm nhìn, 6 định hướng cơ bản và 22 giải pháp cụ thể nhằm phát triển một khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa và khu vực Bắc Miền Trung. Là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế, thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn. Có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của KKTNS, dự kiến đến năm 2035 là 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24.700 USD/năm, quy mô dân số 500.000 người.

Đại diện UBND huyện Tĩnh Gia phát biểu tại hội nghị.

Sau ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu để bổ sung vào điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS. Đồng chí nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng KKTNS thành khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, mang tầm quốc tế; xây dựng KKTNS trở thành thành phố hiện đại, công nghiệp xanh, đa ngành, đa lĩnh vực, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, như: Việc nghiên cứu đồ án quy hoạch theo 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2015, từ năm 2025 đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Đối với KCN thủy sản, đơn vị tư vấn cần xem xét lại quy hoạch theo hướng bố trí KCN nhẹ. Nghiên cứu mở rộng khu đô thị phía Nam và quy hoạch giao thông đối ngoại cho phù hợp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị tư vấn, Ban Quản lý KKTNS và các KCN, làm việc với các ngành có liên quan của tỉnh để cập nhật các ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, rà soát quy hoạch để bảo đảm phù hợp với các quy hoạch của ngành, các lĩnh vực ngành quản lý và hoàn chỉnh để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đại diện Sở Xây dựng phát biểu tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình bày dự thảo cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh. Dự thảo đề xuất thực hiện 4 chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ trước đầu tư và sau đầu tư. Dự thảo đề xuất chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác cho khu vực các xã đồng bằng và khu vực miền núi; không đề xuất kêu gọi đầu tư vào các xã đặc biệt khó khăn và hải đảo (là khu vực trong diện đầu tư thuộc Chương trình 135, giai đoạn 2017 - 2020). Dự thảo đưa ra 2 phương án thu hút đầu tư, với định mức đầu tư cụ thể.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nêu rõ, dự thảo đề án vẫn chưa bảo đảm theo chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh. Do đó, đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát lại giá thành sản xuất nước ở các xã đồng bằng, miền núi để làm cơ sở cho việc quy định mức hỗ trợ; khảo sát tình hình kinh doanh, quy mô công nghệ, chất lượng nước của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Tham mưu để UBND tỉnh báo cáo HĐND ban hành chính sách hỗ trợ theo công suất tiêu thụ nước thực tế hàng năm. Đối tượng tham gia đầu tư xây dựng là doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp, HTX, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Mức hỗ trợ tính bằng đồng/m3 đối với hai khu vực là các xã miền núi và các xã miền xuôi, thị trấn miền núi. Nghiên cứu để hỗ trợ thêm về đào tạo nhân lực quản lý, vận hành cho các dự án cấp nước sạch nông thôn. Còn lại các doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch nông thôn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu thêm các quy định về quản lý Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.


Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]