Lan tỏa câu chuyện chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể không làm và không thể đứng ngoài cuộc. Với tinh thần đó, thời gian qua cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã vào cuộc huy động người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, mang lại bước đột phá. Người dân ở các vùng quê trong tỉnh đã đổi mới tư duy, sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống.
Ông Lê Văn Phượng, Trưởng thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) nói về tiện ích trong việc mua, bán hàng hóa không dùng tiền mặt.
Đưa hàng hóa lên “chợ mạng”
“Tuần này chị vừa chốt được vài chục đơn các loại sản phẩm mây tre đan trên facebook, thế là đủ thu nhập cho cả một tháng so với bán hàng truyền thống. Từ ngày chị lập facebook, bán sản phẩm do mình làm ra trên các hội nhóm, có đơn hàng là chị đóng gói, ship đi các tỉnh, có những sản phẩm giá bán được gấp đôi so với nhập cho chủ thu gom. Mọi giao dịch tiền hàng chị đều sử dụng điện thoại thông minh để chuyển khoản. Việc bán hàng trên “chợ mạng” đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị với số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng", chị Lê Thị Hường ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) nói.
Thấy chúng tôi trò chuyện về việc đưa hàng hóa lên “chợ mạng”, chị Nguyễn Thị Hằng ở cùng xã cũng góp chuyện: “Ở quê bây giờ mọi người cũng chuyển hướng sang mua hàng online rồi, vì ban ngày họ đi làm công nhân, tối về mới có thời gian lướt zalo, facebook để mua hàng. Vì vậy, ngoài việc mở cửa hàng bán các mặt hàng tiêu dùng ở nhà, chị còn chụp ảnh hàng hóa đưa lên zalo, facebook. Đặc biệt là mỗi khi có chương trình khuyến mãi của các hãng, chị đưa lên facebook, lượng người đặt mua hàng nhiều, doanh thu tốt hơn so với trước. Giờ chính quyền địa phương cũng không cần tuyên truyền, vận động nhiều nữa, mà tự mỗi người dân muốn giữ chân khách hàng thì phải đổi mới mô hình, dịch vụ bằng việc áp dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh, như mua, bán hàng trên “chợ mạng”, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, quét mã QR code, niêm yết giá rõ ràng, ship hàng đến tận nơi khi khách yêu cầu"...
Nghe chuyện đưa hàng hóa lên “chợ mạng” của chị Hường và Hằng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi trước đây mỗi lần về quê thấy các bà, các chị miệt mài với việc đan lát, sau đó chất hàng lên xe đi nhập cho các chủ thu gom ở xã, nhưng giờ đây công nghệ số đã giúp các chị quảng bá, bán sản phẩm mây tre đan truyền thống do tự tay mình làm đi khắp mọi miền Tổ quốc. Thậm chí cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Quốc Đại Craft đóng trên địa bàn xã Hoằng Thịnh còn bán sản phẩm mây tre đan trên các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến... để tăng sản lượng tiêu thụ, tiếp cận được với thị trường rộng lớn.
Việc tiếp cận công nghệ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống đã thay đổi cuộc sống không chỉ người dân tại xã Hoằng Thịnh, mà còn thay đổi cuộc sống người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND xã Định Long (Yên Định) Nguyễn Đăng Ngọc cho biết: “Là một trong những địa phương xây dựng “thôn thông minh” đầu tiên của huyện nên xã đã thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số áp dụng vào cuộc sống; nhất là hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng nền tảng số, công nghệ số để quảng bá sản phẩm... Đến nay, trên địa bàn xã có sản phẩm bánh lá răng bừa Nam Hương của gia đình ông Trịnh Văn Nam ở thôn Tân Ngữ 2 là sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao đã ứng dụng công nghệ số vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử PostMart.vn. Sản phẩm bánh lá răng bừa Nam Hương đã được thực hiện truy xuất nguồn gốc và được cấp mã QR, có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng tin tưởng, đặt hàng, nên doanh số và giá trị của sản phẩm ngày càng tăng".
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 6/10/2020 về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền số, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia, đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.
Đến nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 7.744.376 lượt văn bản (từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2023); tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98%; hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý 1.700 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%; đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, phát triển công dân số... đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Toàn tỉnh đã có 679/679 cơ sở y tế triển khai việc khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để thay thế thẻ BHYT; đồng bộ thông tin của 3.161.227 thẻ BHYT vào thẻ CCCD gắn chíp. Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 6.821 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công...
Đặc biệt, để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ chuyển đổi số cho trên 840 doanh nghiệp thành lập mới; các hộ kinh doanh cá thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử, sử dụng các nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, zalo) để quảng bá, bán hàng. Đã dán hơn 105.000 tem truy xuất nguồn gốc; có hơn 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Hỗ trợ 44.174 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; đưa 87.271 sản phẩm nông sản lên sàn, trong đó có 187 sản phẩm OCOP; tạo lập 114.396 tài khoản người mua; có tổng số 32.877 giao dịch qua sàn voso.vn và portmart.vn; tổng giá trị giao dịch qua 2 sàn là 13.570 triệu đồng...
Bên cạnh đó, tỉnh đã thúc đẩy phát triển xã hội số và hình thành công dân số bằng nhiều giải pháp như tuyên truyền, tổ chức các đợt cao điểm vận động, hướng dẫn, cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân làm thẻ CCCD gắn chíp; cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản như khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, BHXH; sử dụng dịch vụ công, dịch vụ giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... Hoàn thiện các dịch vụ số trên nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh qua nhiều kênh giao tiếp App công dân số Thanh Hoa-S, Mobifone Smart Travel, VSSiD, VNeID; Kênh thông tin: phanhoi.thanhhoa.gov.vn; hệ thống Zalo OA... giúp người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ để mang lại sự hài lòng cho người dân thông qua chuyển đổi số.
Có thể thấy với những tiện ích trong chuyển đổi số mang lại không chỉ thuận tiện cho công tác điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống, đúng như quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-12-27 22:56:00
Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện, xuống 2 tháng/lần
-
2024-12-27 19:24:00
Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều gam màu sáng
-
2024-03-30 14:40:00
Người duy nhất còn sản xuất giống tôm - cua ở Nga Sơn
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi: Doanh nghiệp, HTX xây dựng sản phẩm đặc sản khu vực miền núi
Nhiều khó khăn trong nâng hạng sản phẩm OCOP
Kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước
Bản tin tài chính 29/3/2024: Giá vàng tăng điên cuồng lập kỷ lục mới
Hà Trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
Thọ Xuân phát triển doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người lao động
Như Xuân quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Thanh Hóa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024
Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng