(Baothanhhoa.vn) - Chăn nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Chính vì thế, những năm gần đây, huyện Hậu Lộc đã tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại. Đây được xem là hướng đi bền vững, giải quyết bài toán về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hậu Lộc: Phát triển trang trại chăn nuôi gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường

Chăn nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Chính vì thế, những năm gần đây, huyện Hậu Lộc đã tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại. Đây được xem là hướng đi bền vững, giải quyết bài toán về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hậu Lộc: Phát triển trang trại chăn nuôi gắn với đảm bảo vệ sinh môi trườngGà được ông Hoàng Thanh Hà, thôn Giữa, xã Phú Lộc vận chuyển gà về nhập cho Công ty TNHH Japan.

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản của 2 hộ gia đình anh Nguyễn Văn Công và anh Nguyễn Văn Sự, thôn Mai Trung, xã Phú Lộc, ấn tượng là không gian ở đây khá thoáng đãng, trong lành. Trong khuôn viên của trang trại, từng hàng cây được trồng thẳng lối vừa tạo không gian xanh, giúp có bóng mát. Anh Công cho biết: “Năm 2012, hai gia đình chúng tôi được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho nhận thầu gần 2,7 ha đất, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản. Để có tiền đầu tư, ngoài vốn tự có, chúng tôi quyết định vay vốn ngân hàng xây dựng 2 khu trang trại chăn nuôi với quy mô hơn 1.200 con lợn nái sinh sản. Do chăn nuôi quy mô lớn nên chúng tôi thực hiện quy trình khép kín, quan tâm xử lý mùi và chất thải đàn lợn. Vì vậy, ngoài thu gom phân hàng ngày rồi xử lý thành phân vi sinh, chúng tôi còn đầu tư xây dựng bể biogas và đào 7 ao sinh học có diện tích 7.000 m2 và trồng hàng trăm gốc keo, bạch đàn và các loại cây ăn quả vừa tạo bóng mát, cảnh quan môi trường. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực chăn. Hơn 10 năm liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, trang trại được bao tiêu sản phẩm và được tập huấn, trang bị kiến thức nuôi, phòng dịch, phòng bệnh cũng như xử lý chất thải chăn nuôi. Chúng tôi cũng chú trọng thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên con nuôi phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi tháng trang trại xuất bán từ 2.400-2.500 con lợn giống cho công ty. Mỗi con lợn giống xuất đi, công ty trả công từ 270.000-280.000 đồng/con, đem lại thu nhập cho mỗi gia đình 100 triệu đồng/tháng”.

Trang trại nuôi gà của hộ gia đình ông Hoàng Thanh Hà, thôn Giữa, xã Phú Lộc hiện đang nuôi thả 40.000 con gà thịt cũng được ghi nhận là trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Hà cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi được xã tạo điều kiện cho nhận thầu 1,5 ha đất. Trên diện tích này, tôi đã đầu tư xây dựng 3 khu chuồng trại chăn nuôi gà có quy mô 40.000 con gà thịt và Công ty TNHH Japan là đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do chăn nuôi quy mô lớn nên ngoài đầu tư trang bị hệ thống máng ăn, nước uống tự động, máy hút mùi..., tôi còn sử dụng đệm lót sinh học và hàng tháng phun thuốc khử mùi, khử khuẩn. Nhờ đó, môi trường chuồng trại luôn đảm bảo, gà ít bị dịch bệnh, phát triển tốt, hàng năm gia đình xuất bán được 3 lứa gà. Với giá thu mua của công ty là 52.000 đồng/kg, trừ chi phí sau 3,5 tháng nuôi thả, gia đình tôi có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/lứa”.

Còn nhiều chủ trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên đã từng bước khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi.

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển trang trại chăn nuôi gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc - ông Nguyễn Văn Toản, cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có hơn 100 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trang trại này đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải, nước thải như hầm biogas, hệ thống điều hòa thoáng khí... Các chủ trang trại đều áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, vừa giải quyết bài toán về môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả đó, huyện luôn tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, chính quyền các địa phương trong huyện đã tích tụ, tập trung đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư. Các địa phương cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân. Từ đó, các trang trại đã áp dụng, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]