(Baothanhhoa.vn) - Phát huy tiềm năng đất đai, nhất là đất đồi rừng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả thay thế nhiều cây trồng truyền thống. Đây là bước đi hợp lý, đúng với xu thế phát triển nông nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần thận trọng, phân tích yếu tố thị trường đầu ra, hướng tới chất lượng sản phẩm... để bảo đảm phát triển bền vững.

Để cây ăn quả phát triển bền vững: Đừng vì “lượng” mà quên “chất”

Phát huy tiềm năng đất đai, nhất là đất đồi rừng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả thay thế nhiều cây trồng truyền thống. Đây là bước đi hợp lý, đúng với xu thế phát triển nông nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần thận trọng, phân tích yếu tố thị trường đầu ra, hướng tới chất lượng sản phẩm... để bảo đảm phát triển bền vững.

Để cây ăn quả phát triển bền vững: Đừng vì “lượng” mà quên “chất”Nông dân xã Vân Sơn (Triệu Sơn) chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Xuân Hùng

Tin liên quan:
  • Để cây ăn quả phát triển bền vững: Đừng vì “lượng” mà quên “chất”
    Để cây ăn quả phát triển bền vững: Tiềm năng phát triển cây ăn quả

    Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đưa cây ăn quả vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” diện tích cây ăn quả dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, cần có sự định hướng cũng như tăng cường quản lý Nhà nước về vấn đề này.

Nhiều vùng miền trong tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới, ôn đới; trong đó, có những loại cây ăn quả như cam Vân Du, bưởi Luận Văn, bưởi Diễn, nhãn muộn, na dai, thanh long ruột đỏ, ổi, xoài, dứa... và đã trở thành những loại đặc sản nổi tiếng trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Đến nay, tổng diện tích trồng các loại cây ăn quả của tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 21.600 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng hơn 17.000 ha, sản lượng khoảng 304.828 tấn/năm và có nhiều loại cây, nhiều vườn cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao từ 300 - 600 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng trên chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, còn lại nhiều loại quả vẫn phải nhập trong nước và nước ngoài. Tuy sản lượng các loại quả chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhưng thực tế vẫn có một số loại quả khủng hoảng thừa, khó tiêu thụ, rớt giá..., gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Nhớ lại thời điểm trung tuần tháng 6-2018, tại các cánh đồng dứa gai được người dân xã Hà Long (Hà Trung) bán với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg đối với loại I, loại II có giá 1.500 - 1.800 đồng/kg và loại dứa bi thì chỉ được bán với giá 1.000 đồng/kg. Và đây cũng là mức giá bán chung của các cánh đồng dứa trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán của các hộ dân trồng dứa, chi phí để sản xuất tối thiểu phải mất 3.000 đồng/kg, trong khi giá bình quân chỉ đạt 2.000 đồng/kg, nên người dân bị thua lỗ nặng... Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chủ yếu việc sản xuất tiến hành đồng loạt, với diện tích lớn và thu hoạch cũng đồng loạt, trong khi đó nhiều diện tích không thực hiện liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội tỉnh, nên cung vượt quá cầu, hệ lụy là bị rớt giá thê thảm.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Quy mô sản xuất cây ăn quả tại Thanh Hóa còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có nhiều trang trại chuyên canh trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn; trong cùng một địa phương, một vùng đất hoặc thậm chí một hộ gia đình vẫn trồng nhiều loại cây và còn mang nặng tính tự cung tự cấp... Ngoài ra, chưa xây dựng bản đồ thổ nhưỡng vùng cây ăn tỉnh Thanh Hóa nên khó phân hạng thích nghi của các loại cây ăn quả đối với từng loại đất trên các vùng thổ nhưỡng khác nhau. Vì vậy, chưa có quy hoạch bố trí các vùng cây ăn quả chuyên canh, vẫn chưa xây dựng được một số loại cây ăn quả đặc thù, mang thương hiệu của từng vùng miền. Từ đó dẫn đến việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật chưa được quan tâm, khả năng đầu tư thâm canh thấp ảnh hưởng đến vấn đề bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Công tác quản lý quy hoạch trong phát triển cây ăn quả còn nhiều hạn chế; chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp tuy đã được ban hành bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, nhất là việc thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, gắn với bao tiêu sản phẩm còn rất ít, chưa tương xứng với lợi thế về đất đai trong phát triển cây ăn quả của tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu trái cây trong tỉnh còn nhiều yếu kém, chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến các sản phẩm từ quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu một số cây ăn quả tại Thanh Hóa; từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay một số cây trồng chủ lực như cây mía nguyên liệu, sắn nguyên liệu đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ; do vậy việc chuyển đổi một số diện tích của loại cây này sang trồng cây ăn quả là rất phù hợp. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp quán triệt đến cán bộ, đảng viên, hội viên về định hướng, mục tiêu, các giải pháp phát triển cây ăn quả trên địa bàn. Phân tích và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, đổi mới phương thức sản xuất, mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường cả trước mắt và lâu dài. Phổ biến, hướng dẫn các quy định, các cơ chế, chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh, giới thiệu thông tin thị trường để người dân, doanh nghiệp, HTX hưởng ứng, thực hiện. Xã hội hóa công tác đào tạo tập huấn bằng nhiều hình thức khác nhau về các biện pháp kỹ thuật, thông tin thị trường, giới thiệu các mô hình, cách tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả để ứng dụng rộng rãi...

Nhận thầu 2,5 ha đất gò cao cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp, với thời gian 50 năm, ở thôn Thượng 1, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), gia đình ông Nguyễn Thế Thoại đầu tư trồng các loại cây ăn quả. Sau khi nhận thầu, đầu tư cải tạo đất, xây dựng vườn, đào ao thả cá và lấy nước tưới cho cây ăn quả, ông Thoại khảo sát, nghiên cứu và lựa chọn trồng giống bưởi da xanh 500 cây, bưởi Diễn 500 cây, nhãn Miền Thiết Hưng Yên 100 cây và 1,5 ha trồng cam. Sau khi trồng, gia đình đầu tư chăm sóc bảo đảm kỹ thuật, bón phân hữu cơ nên cây phát triển tốt. Năm 2004, các loại cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch, với chất lượng quả tốt. Ông Thoại cho biết, từ khi các loại cây ăn quả cho thu hoạch đến nay, gia đình chủ yếu bán cho thương lái tại vườn. Do được sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng quả tốt, nên giá bán cao và thương lái mua quen nên ít khi xảy ra việc ép giá. Doanh thu trồng cây ăn quả hàng năm của gia đình ông Thoại đạt khoảng 500 triệu đồng/2,5 ha, lãi khoảng 300 triệu đồng.

Thực tế phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, cho thấy: Nhận thức về tiềm năng và lợi thế, giá trị sản xuất đối với cây ăn quả của các địa phương và người sản xuất đã có sự thay đổi rõ rệt, tác động mạnh mẽ đến việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho từng loại sản phẩm; đồng thời, mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng vào sản xuất cây ăn quả, trình độ canh tác của nông dân ngày càng được nâng cao. Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng công nghệ cao được áp dụng đồng bộ từ khâu chọn tạo giống đến trồng và canh tác, thu hoạch, chế biến và đây là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và của các địa phương ban hành trong giai đoạn vừa qua, sẽ tiếp tục được rà soát, sửa đổi ban hành mới nhằm tạo điều kiện cho tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, quản trị, năng lực kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là những điều kiện tiền đề thuận lợi cho phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ta.

Đồng chí Lê Anh Tùng, Phó trưởng Phòng Phân tích và Thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Từ nghiên cứu thổ nhưỡng, phát triển các loại cây trồng nói chung, cây ăn quả nói riêng và dự báo phát triển một số cây ăn trên địa bàn tỉnh, đó là: Cây dứa, tập trung tại một số huyện Thạch Thành, Yên Định, Ngọc Lặc, Hà Trung, Như Xuân, Cẩm Thủy, Lang Chánh và thị xã Bỉm Sơn. Cây cam, tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân, Yên Định, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... Cây bưởi, tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thạch Thành, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân. Cây ổi, tập trung tại các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Thạch Thành, Hà Trung, Thọ Xuân. Cây nhãn, cây vải, tập trung tại các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước... Cây xoài, trồng tập trung tại các huyện như Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh... Cây na, tập trung tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân.

Trên cơ sở xác định quy hoạch, từng địa phương xây dựng đề án, kế hoạch và lộ trình phát triển cây ăn quả, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt đề án kế hoạch đã phê duyệt, trong đó trọng tâm là tổ chức sản xuất quy mô lớn theo hình thức trang trại tập trung hoặc nhóm hộ liền kề để tạo ra diện tích lớn, lựa chọn được loại giống, đối tượng cây trồng, các biện pháp kỹ thuật; đẩy mạnh việc khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến; quan tâm thực hiện các tiểu dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng vùng trồng cây ăn quả.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Bài cuối: Để phát triển bền vững các vùng cây ăn quả.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]