(Baothanhhoa.vn) - Đợt mưa bão vừa qua đã gây tổn thất rất nặng nề cho người dân ở một số địa phương, nhất là tại các huyện miền núi: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thạch Thành, Cẩm Thủy... Việc khôi phục sản xuất còn gặp khó khăn, nhất là một số hộ gia đình đang có dư nợ ngân hàng băn khoăn lo lắng và mong muốn được các ngân hàng cơ cấu lại nợ, hỗ trợ nguồn vốn vay mới cũng như ưu đãi lãi suất để đầu tư sản xuất, sớm ổn định đời sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giảm lãi vay hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ

Đợt mưa bão vừa qua đã gây tổn thất rất nặng nề cho người dân ở một số địa phương, nhất là tại các huyện miền núi: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thạch Thành, Cẩm Thủy... Việc khôi phục sản xuất còn gặp khó khăn, nhất là một số hộ gia đình đang có dư nợ ngân hàng băn khoăn lo lắng và mong muốn được các ngân hàng cơ cấu lại nợ, hỗ trợ nguồn vốn vay mới cũng như ưu đãi lãi suất để đầu tư sản xuất, sớm ổn định đời sống.

Ông Lê Xuân Lâm, xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) rất mong được tiếp tục vay vốn từ ngân hàng để đầu tư khôi phục sản xuất.

Thuộc hộ cận nghèo, nên gia đình chị Nguyễn Thị Phúc ở xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) được vay 60 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Lộc (NHCSXH Vĩnh Lộc) về đầu tư trồng rau màu, chăn nuôi lợn và xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch. Những tưởng hơn 3 sào rau màu và gần 10 con lợn thịt sắp đến thời kỳ xuất chuồng, gia đình chị sẽ có được một khoản tiền kha khá, trả bớt nợ và trang trải cuộc sống gia đình. Ngờ đâu, bao nhiêu dự tính đã phút chốc trôi theo dòng nước lũ. “Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt ai ngờ đã mất hết. Rồi đây không biết lấy tiền đâu để trả lãi hằng tháng cho ngân hàng, chứ đừng nói đến trả tiền gốc. Chỉ mong ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ và cho vay thêm để giải quyết khó khăn, đầu tư sản xuất”, chị Phúc phân trần.

Tại vùng “rốn lũ” xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) cả một vùng chuyên trồng bí đao hơn 7 ha của gia đình ông Lê Xuân Lâm hoang tàn, không thể khôi phục. 7 ha bí đao đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng ước đạt hàng chục tấn bị bão lũ tàn phá, cuốn trôi. Diện tích bí này đã được gia đình ông Lâm ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Sau lũ, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như cả cánh đồng hơn 7 ha đất đều bị bùn, cát bồi lấp dày đến 50cm... đã khiến cho việc khôi phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Hiện gia đình ông Lâm đang có dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Cẩm Thủy (Agribank Cẩm Thủy) 900 triệu đồng. Đã đến kỳ trả lãi ngân hàng, thế nhưng gia đình ông Lâm, không biết sẽ xoay xở như thế nào?

Trong khi đó, hộ gia đình anh Phạm Ngọc Dung, xã Cẩm Lương cũng đang vay 250 triệu đồng của Agribank Cẩm Thủy để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà... nhưng lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi toàn bộ trang trại với 12 con lợn nái, gần 40 con lợn thịt và hơn 200 con gà. Anh Dung chia sẻ: Không biết bao giờ gia đình tôi mới vượt qua được, năm 2016, giá lợn xuống thấp, cầm cự mãi, đầu năm 2017 tôi vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi cũng bị lũ lụt cuốn trôi hết; tháng 3-2018 Agribank Cẩm Thủy đã tạo điều kiện cho vợ chồng tôi vay thêm 250 triệu đồng để xây dựng trang trại, khôi phục chăn nuôi. Thế nhưng, lũ chồng lũ trong những ngày vừa qua lại một lần nữa cuốn hết tài sản của gia đình tôi. Tôi mong ngân hàng sớm tạo điều kiện để giãn nợ, vay mới để đầu tư vốn khôi phục sản xuất.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng của Agribank Thanh Hóa, đợt lũ lụt vừa qua đã khiến cho hơn 7.200 khách hàng vay vốn bị thiệt hại với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Yên Định, Quan Hóa và Mường Lát... Trước tình hình trên, Giám đốc Agribank Thanh Hóa đã yêu cầu tất cả các chi nhánh và phòng giao dịch phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát, đánh giá thiệt hại đối với các khoản vay của khách hàng; xem xét miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Cùng với đó là cơ cấu lại thời gian trả nợ, xử lý nợ đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng như xem xét cho các hộ vay vốn bị thiệt hại nặng nề do bão lũ được tiếp cận nguồn vốn vay mới để tái sản xuất.

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: Ngay sau khi xảy ra lũ lụt NHCSXH Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng giao dịch ở các huyện tiến hành rà soát các đối tượng có dư nợ bị thiệt hại. Theo đó, tùy theo mức độ, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý nợ rủi ro, đồng thời tái đầu tư nguồn vốn để người dân khôi phục sản xuất.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên cơ sở số liệu thiệt hại đã được xác định. Về khoanh nợ, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo NHNN Thanh Hóa để khoanh nợ theo quy định. Đồng thời, căn cứ vào khả năng phục hồi sản xuất của khách hàng tiếp tục cho vay thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh theo quy định.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]