(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, nhiều đề tài, dự án KH&CN đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẫn còn nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ không phát huy hiệu quả

Những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, nhiều đề tài, dự án KH&CN đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Sở KH&CN kiểm tra tiến độ thực hiện dự án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gạch không nung Terrazzo.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN sau khi nghiệm thu không phát huy hiệu quả khi ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Trong giai đoạn 2006 – 2015, trên địa bàn tỉnh có 298 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện dưới nhiều hình thức như, đề tài khoa học, dự án KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm được nghiệm thu. Những nhiệm vụ KH&CN này thuộc 6 chương trình trọng điểm, gồm: Phát triển tiềm lực KH&CN; ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ cao; đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y dược phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; chương trình khoa học xã hội nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đánh giá của Sở KH&CN sau khi nghiệm thu và áp dụng vào thực tiễn, trong số 298 nhiệm vụ, hiện chỉ có 170 nhiệm vụ phát huy hiệu quả, chiếm tỷ lệ 57%. Trong đó, lĩnh vực ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ cao chỉ có 72/127 nhiệm vụ phát huy hiệu quả; lĩnh vực ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y dược phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng có 26/46 nhiệm vụ phát huy hiệu quả; lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có 34/57 nhiệm vụ phát huy hiệu quả... Về những đề tài, dự án không phát huy hiệu quả có Dự án “Sản xuất thử nghiệm chất phụ gia để pha chế xăng sinh học”; Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhân nhanh một số giống mía chất lượng cao phục vụ phát triển sản xuất vùng nguyên liệu mía đường tỉnh Thanh Hóa”...

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh triển khai thực hiện 122 nhiệm vụ KH&CN. Do thời gian các nhiệm vụ KH&CN được quy định thực hiện tối thiểu là 15 tháng, tối đa là 36 tháng nên hiện nay mới nghiệm thu 18 nhiệm vụ. Trong số 18 nhiệm vụ đã được nghiệm thu, có 7 nhiệm vụ đang trong quá trình thanh quyết toán, 11 nhiệm vụ đã tổ chức bàn giao cho các đơn vị đặt hàng, đơn cử, như: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt mảnh ghép nhân tạo điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa” đã ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt mảnh ghép nhân tạo điều trị thoát vị bẹn an toàn, hiệu quả, ít đau, ít tái phát, khả năng phục hồi sớm, giảm các chi phí cho người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên làm cơ sở chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện. Đề tài: “Xây dựng mô hình nuôi trồng và chế biến tảo xoắn Spirulina tại Thanh Hóa” đã nuôi trồng và chế biến thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina, hiện đang được tiêu thụ rộng rãi ở Thanh Hóa, Hà Nội và một số tỉnh thành khác... Đánh giá về hiệu quả các đề tài, dự án trong thời gian này, theo Sở KH&CN, từ năm 2016 đến năm 2018 số nhiệm vụ nghiệm thu quá ít, chỉ đạt 18/122 nhiệm vụ và chủ yếu mới nghiệm thu bàn giao từ cuối năm 2017 đến nay nên chưa thể đánh giá được hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, “tuổi thọ” của không ít đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực rất ngắn, thậm chí “chết yểu” vì chưa gắn với yêu cầu thực tế, đặc biệt là từ năm 2015 trở về trước. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do việc phổ biến những kết quả của đề tài sau khi nghiệm thu chưa được rộng rãi; vẫn còn tình trạng khi nguồn hỗ trợ ban đầu không còn nữa, người dân bỏ mô hình và trở lại với cách thức sản xuất cũ; hạ tầng KH&CN còn thiếu. Mặt khác, đa số các đề tài, dự án mới dừng lại ở cơ chế tác động KH&CN vào sản xuất mang tính “mắt xích”. Có nghĩa là tác động riêng rẽ vào một khâu, một “mắt xích” trong chuỗi sản xuất chứ chưa đồng bộ. Ví dụ, hỗ trợ người dân sử dụng KH&CN trong khâu con giống và quy trình sản xuất nhưng chưa chú trọng nhiều đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho người dân không tha thiết ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu, kéo theo việc khó có thể tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung, nâng chất lượng cho các đề tài. Sự lãng phí này không chỉ gây hao tốn kinh phí của Nhà nước, mà còn tạo nên sự hoài nghi cho người dân khi ứng dụng các đề tài, dự án vì hiệu quả kinh tế mang lại không nhiều. Đó là chưa nói đến việc, nhiều đề tài khoa học chất lượng không cao, hàm lượng KH&CN thấp, chưa có tính đột phá, chưa nắm bắt được nhu cầu bức thiết của đời sống.

KH&CN là động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định, KH&CN là một trong bốn khâu đột phá với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, hằng năm, tỉnh vẫn dành một nguồn ngân sách nhất định cho hoạt động KH&CN, riêng năm 2018 là 104 tỷ đồng. Thế nhưng, hiệu quả mang lại từ việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án chưa được như mong muốn. Điều này đòi hỏi ngành chức năng phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xét duyệt các đề tài, dự án, mạnh dạn loại bỏ những đề tài, dự án, công trình nghiên cứu khoa học thiếu khả thi và không phát huy được hiệu quả. Bởi với nguồn vốn đầu tư có hạn, cần lựa chọn và ưu tiên đầu tư cho các đề tài, dự án mang tính bức thiết và giải quyết kịp thời những khó khăn do thực tiễn đặt ra. Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Lựa chọn những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực quản lý, điều hành triển khai các nhiệm vụ bảo đảm đúng tiến độ, nội dung khoa học của đề tài, dự án, tránh tình trạng các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu đưa vào áp dụng thực tế không mang lại hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc và giảm niềm tin của người dân.

Vấn đề này sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở KH&CN tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII.


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]