(Baothanhhoa.vn) - Tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý, vận hành, kinh doanh nước sạch là việc mà các nhà máy cung cấp nước sạch đã và đang nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.

Ứng dụng công nghệ để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước

Tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý, vận hành, kinh doanh nước sạch là việc mà các nhà máy cung cấp nước sạch đã và đang nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.

Ứng dụng công nghệ để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nướcCán bộ, công nhân chi nhánh cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Hoằng Hóa thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra phần mềm quản lý khách hàng.

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hiện đang quản lý 12 công trình nước sạch đặt tại các huyện Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hậu Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Nông Cống, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... (2 công trình cấp nước sạch cho 3 xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm và Yên Lâm và công trình cấp nước sạch cho xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc chưa đưa vào sử dụng). Các công trình đang vận hành hoạt động hiệu quả, cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho Nhân dân thuộc phạm vi cấp nước của công trình. Trong đó, công trình cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Hoằng Hóa do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành được đưa vào sử dụng từ năm 2017, có công suất thiết kế 6.000m3/ngày, đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân 8 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa. Dây chuyền công nghệ lấy nước thô từ kênh Nam qua công trình thu vào hồ dự trữ, hồ sơ lắng và chuyển qua trạm bơm nước thô, thiết bị trộn tĩnh, bể lắng lamella, bể lọc trọng lực rồi bơm về bể chứa nước sạch để trung chuyển qua các trạm bơm cấp II vào mạng lưới cấp nước. Hiện nay, công suất thực tế của công trình đạt khoảng 3.000m3/ngày, đêm, phục vụ cấp nước cho 9.245 hộ dân trong vùng dự án.

Ông Tào Văn Thắng, phó trưởng phụ trách chi nhánh cấp nước 8 xã huyện Hoằng Hóa, cho biết: Để ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, cung cấp nước sạch tới khách hàng, trung tâm đã sử dụng hệ thống tự động hóa biến tần để vận hành các máy bơm, hệ thống điều khiển SCADA để theo dõi áp lực, lưu lượng nước trên toàn mạng đường ống. Trong quản lý khách hàng, đơn vị có phần mềm quản lý phục vụ khách hàng trong công tác nhập số liệu, in hóa đơn, các thông tin dữ liệu được cập nhật trên website riêng của trung tâm. Trên hóa đơn tiền nước hàng tháng gửi đến khách hàng có in mã vạch, tài khoản và địa chỉ đường link, khách hàng có thể dễ dàng đăng nhập kiểm tra về dữ liệu sử dụng nước hàng tháng... Các ứng dụng này mặc dù chưa nhiều, song bước đầu đã giúp tiết kiệm một phần điện năng, tiết kiệm nhân công trong quá trình vận hành, giám sát được chất lượng nước đầu vào, đầu ra theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc ứng dụng các công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành, cung ứng nước sạch tại các nhà máy của trung tâm hiện nay chưa nhiều, chủ yếu là mới tập trung tại một số nhà máy mới được đầu tư gần đây như: nhà máy cấp nước cho 8 xã huyện Hoằng Hóa, nhà máy cấp nước cho 9 xã huyện Nga Sơn và nhà máy cấp nước cho 7 xã huyện Hậu Lộc. Trong đó, một số công nghệ đã được áp dụng, như: sử dụng thiết bị biến tần, điều khiển trung tâm; hệ thống điều khiển SCADA để theo dõi áp lực, lưu lượng nước trên toàn mạng đường ống; xây dựng website của trung tâm và hệ thống cung cấp hóa đơn điện tử; hệ thống dữ liệu quản lý khách hàng. Những ứng dụng này bước đầu đã tăng cường hiệu quả và tiết kiệm điện năng, giảm chi phí nhân công, giúp dễ dàng theo dõi tình hình sử dụng nước của khách hàng trên toàn hệ thống để có phương án vận hành, điều tiết nước phù hợp. Khách hàng sử dụng nước có thể dễ dàng theo dõi lượng nước, giá thành sử dụng nước hàng tháng cũng như trích xuất hóa đơn sử dụng nước qua việc truy cập vào website. Hệ thống dữ liệu quản lý khách hàng nhằm nâng cao khả năng quản lý, chăm sóc khách hàng, giảm thiểu thất thoát, thất thu nước sạch do công tác quản lý gây ra.

Trung tâm đang đề ra một số giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành và cung ứng dịch vụ nước sạch trong thời gian tới, như tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống điều khiển mạng lưới cấp nước SCADA. Đầu tư ứng dụng hệ thống số hóa dữ liệu mạng lưới cấp nước GIS, cho phép luôn cập nhật, chia sẻ nhanh chóng và hiệu quả, tối ưu hóa công tác quản lý, giảm thiểu thời gian thi công, nâng cao năng suất lao động, góp phần giảm thất thoát nước. Ứng dụng điện thoại thông minh trong đọc số đồng hồ nước cũng như các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt vào việc thanh toán tiền sử dụng nước để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trường Thành quản lý, sử dụng và khai thác đã hoạt động được 4 năm và hiện đang phục vụ hơn 5.500 khách hàng hộ gia đình, cá nhân thuộc 10 xã khu vực phía Bắc của huyện Hoằng Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng với công suất thiết kế 6.500m3/ngày, đêm. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, công suất sử dụng hiện nay đạt hơn 2.000m3/ngày, đêm. Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc điều hành nhà máy, cho biết: Không chỉ ứng dụng trong khai thác, vận hành, nhà máy đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, hướng tới phục vụ khách hàng tốt hơn. Đơn vị đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý khách hàng, triển khai ứng dụng “NƯỚC SẠCH” được cài đặt trên điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc tra cứu thông tin sản lượng nước sử dụng hàng tháng, hóa đơn tiền nước, tiếp nhận thông báo.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 537 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 36 công trình cấp nước tự động và 501 công trình cấp nước tự chảy. Các công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã, liên xã được đầu tư kinh phí xây dựng, lắp đặt và bố trí nhân lực quản lý, vận hành nên hoạt động khá hiệu quả. Kết quả Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2021 cũng cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh là 96,6%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 22%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 74,6%.

Nhu cầu nước sạch đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, phát triển kinh tế và hệ sinh thái luôn là vấn đề được quan tâm. Mặc dù sở hữu 108 lưu vực sông, với gần 3.500 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 - 840 tỷ m3 nhưng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, so với thế giới, lượng nước của Việt Nam chỉ ở mức dưới trung bình bởi chỉ có gần 40% nước nội địa, còn lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước từ nước ngoài đổ vào. Trong khi nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng thấp, nguồn nước ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, các hiện tượng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Tất cả những yếu tố trên đòi hỏi những giải pháp thiết thực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước. Để làm được điều này, bên cạnh chính ý thức của từng người dân, cần có thêm những cơ chế khuyến khích các đơn vị cấp nước sạch chủ động, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]