(Baothanhhoa.vn) - Ứng dụng công nghệ cao (CNC) được khẳng định là con đường tất yếu để có bước “nhảy vọt” trong sản xuất. Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi, ban phú với “rừng vàng, biển bạc”; cùng với đó là những thuận lợi về cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội... đang hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trung tâm CNC của cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa với tiềm năng phát triển công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) được khẳng định là con đường tất yếu để có bước “nhảy vọt” trong sản xuất. Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi, ban phú với “rừng vàng, biển bạc”; cùng với đó là những thuận lợi về cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội... đang hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trung tâm CNC của cả nước.

Trồng cà rốt công nghệ cao tại Công ty CP Nông sản, thực phẩm Việt Hưng (TP Thanh Hóa).

Tỉnh Thanh Hóa có khoảng 847.000 ha đất sản xuất nông, lâm, thủy sản và bờ biển dài 102 km. Không chỉ có lợi thế về diện tích, đất nông nghiệp của tỉnh còn bao phủ nhiều khu vực địa hình, điều kiện thời tiết khác nhau, thích hợp để phát triển đa dạng các loại hình nông nghiệp. Với vị trí địa lý chiến lược và hệ thống giao thông thuận tiện, tỉnh Thanh Hóa có khả năng vươn lên trở thành tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp phát triển toàn diện; có khả năng ứng dụng CNC để sản xuất các sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Để cụ thể hóa về phát triển nông nghiệp CNC, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là hướng đi, là xu thế tất yếu của phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quá trình CNH, HĐH. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch khu nông nghiệp CNC Lam Sơn - Sao Vàng và là một trong những khu nông nghiệp CNC của cả nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn.

Hiện nay, Thanh Hóa đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC. Điển hình như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại huyện Thọ Xuân; dự án trang trại bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk với quy mô 16.000 con; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và dự án bò thịt chất lượng cao quy mô 10.000 con được nhập từ Úc tại huyện Bá Thước... Về các nhà đầu tư quốc tế, Công ty TNHH Dầu thực vật Miền Bắc, liên doanh Việt Nam - Singapore đã vận hành thương mại Nhà máy Sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Tập đoàn Master Goods của Hungary cam kết hợp tác xây dựng nhà máy chế biến gia súc, gia cầm gắn với chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn...

Tháng 11-2017, Công ty CJ Seafood (Hàn Quốc) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản với tỉnh Thanh Hóa. Công ty CJ Seafood là công ty chi nhánh của CJ - Tập đoàn chế biến thực phẩm tiêu biểu của Hàn Quốc. Tập đoàn CJ hiện đang chiếm lĩnh thị trường lớn nhất và hàng đầu tại nội địa Hàn Quốc với các sản phẩm chủ yếu là chả cá, thanh cua, lá rong biển khô... Sản phẩm của công ty cũng được xuất khẩu đi một số thị trường, như: Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc. Theo đó, sau khi khảo sát tiềm năng nuôi cá nước ngọt tại một số tỉnh, CJ Seafood đã quyết định lựa chọn Thanh Hóa để đầu tư nuôi cá nước ngọt và dự định xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm với quy mô ban đầu 2,5 ha, tổng mức đầu tư 4 triệu USD. Hiện nay, công ty đang tiến hành nuôi thử cá tại 4 ao ở xã Đông Hoàng (Đông Sơn) và nuôi cá lồng trên sông Chu tại xã Xuân Bái (Thọ Xuân). Theo thông tin mới nhất, dự định tháng 6-2018, sau khi đánh giá sản phẩm nuôi thử, công ty sẽ tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công suất giai đoạn 1 là 3.000 tấn thương phẩm/năm. Mới đây nhất, từ ngày 20 đến 23-3, đoàn công tác của Công ty Kachay Global Development đã làm việc, có chuyến tìm hiểu thực tế và ký biên bản ghi nhớ hợp tác để đầu tư dự án Nhà máy Chế biến thực phẩm tại Khu nông nghiệp CNC Lam Sơn - Sao Vàng. UBND tỉnh đã đồng ý đề xuất của công ty về việc mở rộng quy mô dự án ra vùng phụ cận với 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Trong đó, 200 ha vùng lõi sẽ để xây dựng nhà máy chế biến, khu nghiên cứu, đào tạo nhân lực CNC... Vùng phụ cận chủ yếu dành cho sản xuất. Theo thuyết minh, dự án sẽ có trang trại bò, khu trồng các loại thực phẩm ứng dụng CNC, các nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế... Sau quá trình đi khảo sát, tìm hiểu thực địa, Công ty Kachay Global Development đã lựa chọn Công ty CP Mía đường Lam Sơn là đối tác hợp tác cho dự án này.

Từ những tiềm năng hiện hữu trong phát triển nông nghiệp CNC, Thanh Hóa xác định một số tầm nhìn chiến lược trong việc tiếp tục huy động nguồn lực, định hướng phát triển nông nghiệp CNC. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Thanh Hóa đang có chiến lược giảm diện tích trồng lúa và đưa vào các giống lúa mới, chất lượng cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường, từ đó tạo ra năng suất cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Với cây ngô, tỉnh Thanh Hóa xác định tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trồng, chế biến thành phẩm tại các khu chế biến thức ăn chăn nuôi CNC. Thanh Hóa cũng đang tiến hành mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả an toàn (dứa, vải, nhãn, trái cây có múi,...) và rau, với diện tích 80.000–90.000 ha; trong đó, một nửa diện tích trồng rau và cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc Global GAP cho thị trường trong nước và xuất khẩu...

Trên cơ sở quy hoạch các vùng nguyên liệu, Thanh Hóa đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các vùng lúa chất lượng cao gắn với chế biến gạo; các khu trang trại trồng cây ăn quả ứng dụng CNC; vùng sản xuất rau củ quả chất lượng cao phục vụ xuất khẩu... Trên địa bàn tỉnh đã có các doanh nghiệp địa phương tiên phong trong lĩnh vực này và đã thành công; đồng thời, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của các tổng công ty giống cây trồng trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Trong lĩnh vực công nghiệp, trên địa bàn tỉnh, khu công nghiệp sử dụng CNC Lam Sơn - Sao Vàng đã được quy hoạch, mang theo hy vọng trở thành điểm nhấn trong bức tranh công nghiệp khu vực phía Tây của tỉnh. Với diện tích 537 ha, thuộc địa bàn các xã Xuân Thắng, Xuân Phú (Thọ Xuân) và Thọ Sơn (Triệu Sơn), nơi đây có vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng là trung tâm giao lưu giữa miền núi trung du phía Tây với vùng đồng bằng và ven biển tỉnh Thanh Hóa. Đây được xác định là 1 trong 4 cụm động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tại đây, Cảng Hàng không Thọ Xuân đang trên lộ trình trở thành Cảng hàng không quốc tế; có đường Hồ Chí Minh nối khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) với Lam Sơn - Sao Vàng; có Quốc lộ 47 nối TP Thanh Hóa với Lam Sơn - Sao Vàng dài 40 km. Tương lai, 2 tuyến đường này sẽ nâng lên cao tốc, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội, TP Thanh Hóa với KCN Lam Sơn - Sao Vàng; thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa KCN Lam Sơn - Sao Vàng với các khu vực kinh tế năng động trong và ngoài tỉnh.

Với mục tiêu hướng tới của khu công nghiệp sử dụng CNC Lam Sơn - Sao Vàng là xây dựng một khu công nghiệp sạch, sử dụng CNC, hướng tới hình thành khu CNC, các ngành nghề được hoạch định, gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế... Trước mắt, nơi đây sẽ ưu tiên cho việc phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nguyên chiếc và linh kiện điện tử, viễn thông như điện thoại, máy tính, máy ảnh kỹ thuật số... và các sản phẩm CNC khác, gắn với đào tạo nguồn nhân lực CNC, hướng tới phát triển thành khu CNC trong tương lai.

Hiện Thanh Hóa đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng. Nhà đầu tư dự án này là Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp; trong đó, ưu tiên các dự án có ngành nghề sản xuất từ sử dụng CNC, thân thiện với môi trường. Tổng mức đầu tư dự án là 3.255,564 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của các nhà đầu tư 520,564 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ quý I- 2018.

Song song với quá trình xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, Thanh Hóa sẽ thực hiện các nỗ lực xúc tiến để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNC tham quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]