(Baothanhhoa.vn) - Thời đại công nghệ số, việc trẻ em tiếp cận với các thiết bị thông minh và tham gia vào thế giới mạng là điều dễ hiểu. Về mặt tích cực, đây sẽ là cơ hội để trẻ được tiếp cận thông tin và xóa nhòa khoảng cách. Tuy nhiên, thế giới mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường nếu trẻ thiếu “sức đề kháng”. Làm thế nào để tận dụng lợi thế, hạn chế rủi ro trên không gian mạng đang là vấn đề “nóng” được các gia đình và xã hội quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo “sức đề kháng” cho trẻ trên không gian mạng

Thời đại công nghệ số, việc trẻ em tiếp cận với các thiết bị thông minh và tham gia vào thế giới mạng là điều dễ hiểu. Về mặt tích cực, đây sẽ là cơ hội để trẻ được tiếp cận thông tin và xóa nhòa khoảng cách. Tuy nhiên, thế giới mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường nếu trẻ thiếu “sức đề kháng”. Làm thế nào để tận dụng lợi thế, hạn chế rủi ro trên không gian mạng đang là vấn đề “nóng” được các gia đình và xã hội quan tâm.

Tạo “sức đề kháng” cho trẻ trên không gian mạngViệc để trẻ tham gia thế giới mạng một cách thụ động khi còn thiếu “sức đề kháng” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

“Ăn hết cơm rồi bố mẹ cho nghịch điện thoại”, “Con cố gắng học rồi bố mẹ mua máy tính bảng cho chơi game”, “Cầm điện thoại chơi rồi trông nhà cho bố mẹ nhé”,... - những câu thỏa hiệp chung chung như vậy dường như đã trở thành phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay. Chúng nhiều đến nổi khi chúng tôi hỏi 10 phụ huynh thì có tới 8 người gật đầu mình từng đưa ra những lời “dụ dỗ” này để trẻ nghe lời. Điều này không hẳn xấu, nhưng lạm dụng công nghệ số với trẻ chẳng khác nào đang chơi một “con dao hai lưỡi”. Thực tế đã chứng minh với hàng loạt câu chuyện buồn nhiều hơn vui...

Là con trai út trong một gia đình có 3 chị, em, Nguyễn Hoàng Hiếu, 16 tuổi, thôn Cẩm Vinh, xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa) được cưng chiều hết mực. Em muốn cái gì, mẹ và hai chị gái đều sẵn sàng đáp ứng, dẫu đó là những đòi hỏi vượt sức. Nhỏ thì ăn uống, đồ chơi, quần áo, lớn dần, Hiếu còn ngang ngược muốn nhiều vật dụng đắt tiền, xa xỉ: máy tính bảng, điện thoại,... Và cũng kể từ đây, bao hệ lụy, rắc rối cũng bắt đầu kéo đến. Hiếu lao như con thiêu thân vào những trận game vô bổ, hay đắm chìm trong các cuộc “chát” thâu đêm, suốt sáng. Thân hình cậu gầy rộc, kết quả học tập sa sút trông thấy đến mức không thể cứu vãn. Cuối cùng cậu tuyên bố bỏ học, để lại bao hối hận nơi gia đình yêu dấu của mình.

Lê Huy Thanh, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) bước chân vào thế giới ảo không phải vì được cưng chiều sinh hư mà để “xả” hết những tổn thương tâm hồn. Sống với bà ngoại từ nhỏ sau khi mẹ đi bước nữa, Thanh tìm thấy niềm vui từ những trò chơi trên mạng. Ở đó, Thanh là một “người hùng” giỏi giang với rất nhiều “chiến hữu”, được tung hô, khen ngợi. Điều mà Thanh không có ở đời sống thật. Mới đầu là để cho khuây khỏa, rồi sa dần, nghiện dần, Thanh chơi thâu đêm, suốt sáng. Để có tiền chơi, Thanh xin bà. Sau thì Thanh theo bạn game bỏ học, đi trộm cắp. Cuộc đời Thanh trượt dài từ đó...

Điều lo sợ nhất khi trẻ em tham gia vào thế giới mạng là ở các em chưa đủ nhận thức để hình thành một “sức đề kháng” đủ mạnh mà chọn lọc được cái tốt, thải trừ cái xấu. Điều này ngay đến cả độ tuổi trưởng thành cũng chưa hẳn đã có được. Hệ quả là các em sẽ trở thành nạn nhân của mạng xã hội khi kết nối. Như việc quen biết nhau, rồi rủ nhau bỏ nhà sống tập thể; rủ nhau làm những điều trái pháp luật: đánh nhau hội đồng, tạo xì-căng-đan để câu like, lừa đảo... Kinh hãi hơn khi trên mạng xã hội xuất hiện những người, nhóm người với những thú vui “kỳ quái”, “bệnh hoạn” như khoe hàng, chửi bậy, hành hạ con vật, chia sẻ cách tự tử... Các em tiếp nhận những sự việc đó một cách thản nhiên, đồng thời chia sẻ thông tin với tốc độ “chóng mặt”, như một trò tiêu khiển.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập internet hằng ngày, cứ 3 người truy cập internet thì có một trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng internet, với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội. Số liệu từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, số lượng cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 tăng đều hằng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã nhận hơn 230 nghìn cuộc gọi đến nhờ tư vấn, hỗ trợ và can thiệp các vụ việc về trẻ em. Trong khi đó, theo một kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên internet. Từ đó cho thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng internet đã ngày càng nguy hiểm, phức tạp.

Thạc sĩ Bùi Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng CEB, cho biết: Khi trẻ quá sa đà vào thế giới ảo sẽ dẫn đến sự suy giảm về thể chất và trí tuệ do dành thời gian quá nhiều trên mạng, mất ngủ, căng thẳng. Điều này còn dẫn đến suy giảm khả năng học tập của trẻ. Trẻ tiếp cận nội dung không lành mạnh như sex, bạo lực có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, do trẻ đang trong giai đoạn khám phá và học hỏi. Những gì trẻ được tiếp cận, trẻ có xu hướng bắt chước, điều này có thể dẫn tới quan hệ tình dục sớm, không an toàn hoặc ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. Việc trẻ quá nghiện internet có thể dẫn đến cô lập xã hội, trẻ không tương tác với thế giới bên ngoài, điều này có thể làm hạn chế khả năng giao tiếp, kỹ năng xã hội hoặc nhiều trường hợp có thể dẫn đến trầm cảm. Trẻ tham gia mạng xã hội và kết bạn với nhiều đối tượng khác nhau, nhất là trong giai đoạn tuổi teen đang có những rung cảm đầu đời. Điều này có thể khiến trẻ bị kẻ xấu lợi dụng hoặc xâm hại cơ thể. Trẻ có thể bị gây hại khi chia sẻ các thông tin cá nhân, các hình ảnh, video nhạy cảm lên mạng xã hội.

Không thể phủ nhận những tích cực mà thế giới mạng mang lại cho trẻ thông qua nhiều kết nối, chương trình bổ ích, ý nghĩa. Đó là khả năng tiếp cận thông tin khổng lồ trên mạng internet để phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi, giải trí. Mạng internet đã xóa nhòa khoảng cách không gian, thời gian, đem đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ. Những phần mềm ứng dụng trong giáo dục trực tuyến trên mạng giúp trẻ em ở vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận và học tập. Với ưu thế hình ảnh, âm thanh sinh động... của các chương trình hấp dẫn và kích thích trẻ học. Hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các cuộc thi giải toán, thi an toàn giao thông... trên mạng internet thu hút nhiều học sinh tham gia, trong đó không ít học sinh ở các trường vùng nông thôn.

Vậy làm thế nào để tận dụng lợi thế và hạn chế rủi ro khi cho trẻ tham gia vào thế giới mạng. Thạc sĩ Khánh cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn: “Cha mẹ cần kiểm soát việc tham gia internet của con: thời gian sử dụng, kênh sử dụng, nội dung... Bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt. Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến. Cha mẹ có thể cùng con khám phá các kênh mạng xã hội mang tính giáo dục, giải trí lành mạnh. Chia sẻ với con về những nguy hại có thể gặp phải khi tham gia thế giới mạng, hướng dẫn con cách sử dụng internet an toàn. Hướng dẫn con cách bảo mật những thông tin cá nhân. Cởi mở, chia sẻ với con để con luôn cảm thấy an toàn, tin tưởng. Hướng dẫn con phản hồi với cha mẹ khi cảm thấy không thoải mái hoặc bị tấn công bởi mạng xã hội”.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]