(Baothanhhoa.vn) - Ngày 7-12-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá - những thuận lợi và khó khăn

Khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá - những thuận lợi và khó khăn

Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo ở xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa).

Ngày 7-12-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, nghị quyết đang từng bước đi vào cuộc sống, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy ứng dụng KH&CN, làm cho KH&CN trở thành động lực cho sự phát triển.

Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ, như: Hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong đánh bắt hải sản xa bờ... Để sớm đưa chính sách vào thực tiễn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 1-3-2018 về các biện pháp thực hiện Nghị quyết 81 của HĐND tỉnh. Sở KH&CN cũng đã có Hướng dẫn số 246/HD-SKHCN ngày 5-4-2018 về tài liệu trong hồ sơ hỗ trợ chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện chính sách; khảo sát, lập cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm năng thụ hưởng chính sách...

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, ngay trong năm đầu triển khai thực hiện chính sách, Sở KH&CN đã tiếp nhận 33 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ thuộc nhóm chính sách khuyến khích về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; đổi mới công nghệ - thiết bị. Trên cơ sở các hồ sơ đề nghị cũng như thông qua hội đồng thẩm định điều kiện hồ sơ, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 21 hồ sơ với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 27,4 tỷ đồng. Trong năm 2019, Sở KH&CN tiếp nhận thêm 57 hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ cho 32 hồ sơ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc 3 nhóm chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ trên 40,7 tỷ đồng, gồm: 10 hồ sơ về đổi mới công nghệ - thiết bị; 2 hồ sơ về tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và 20 hồ sơ về ứng dụng công nghệ cao trong đánh bắt hải sản xa bờ. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Nghiên cứu, trồng sản xuất thử một số giống cây nuôi cấy mô phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Thanh Hóa” cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn thực hiện chính sách là hơn 2 tỷ đồng...

Tuy nhiên, qua đánh giá của Sở KH&CN, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Ví như, số lượng nhóm chính sách có hồ sơ đề nghị thụ hưởng còn ít. Sau 2 năm thực hiện mới chỉ có 6/11 nhóm chính sách được đề nghị hỗ trợ. Một số tiêu chuẩn đưa ra để được hỗ trợ cao so với tình hình thực tế nên khó triển khai thực hiện. Đơn cử như, điều kiện để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn thì diện tích trồng tập trung từ 100 ha trở lên. Thực tế, rất ít tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung được diện tích 100 ha giống lúa đưa vào sản xuất là giống có chất lượng cao. Hay như điều kiện để hỗ trợ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho phòng thí nghiệm của doanh nghiệp phải sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để chi trả kinh phí mua sắm trang thiết bị mới, nhưng một số doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện, hoặc chưa đạt ISO/IEC 17025, hoặc đã đầu tư nhưng không sử dụng từ nguồn vốn quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp. Về hỗ trợ nhận chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh chỉ được hỗ trợ nhận chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo với máy chạy thận AK98, trong khi hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều máy hiện đại, tiên tiến tương đương hoặc hơn máy AK98 nhưng không được hỗ trợ...

Thực tế cho thấy, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN theo Nghị quyết 81 của HĐND tỉnh ra đời và đi vào thực tiễn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Song, để chính sách phát huy hiệu quả, góp phần đưa KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là những đối tượng có tiềm năng để các đối tượng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, đổi mới công nghệ - thiết bị phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, lập và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định, đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt, ngành chức năng, nhất là Sở KH&CN, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan cần tích cực tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập để thực hiện hiệu quả mục tiêu chính sách đã đề ra.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]