(Baothanhhoa.vn) - Năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa KH&CN thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh theo tinh thần nghị quyết đã đề ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khoa học và công nghệ - khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa KH&CN thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh theo tinh thần nghị quyết đã đề ra.

Khoa học và công nghệ - khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cùng lãnh đạo các sở, ngành trong lễ ra mắt sản phẩm dưa lưới Taki theo tiêu chuẩn và công nghệ Nhật Bản tại Công ty CP XD&TM Phong Cách Mới.

Thực hiện Kế hoạch hành động số 169/KH-UBND ngày 9-11-2016 của UBND tỉnh về thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2017, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh ban hành 2 văn bản quan trọng: Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển KT-XH tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” và Quyết định số 4892/QĐ-UBND ngày 18-12-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020” (Chương trình 4892). Trong năm 2018, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 văn bản, gồm: Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 19-12-2018 Quy định về Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa và Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 14-12-2018 Quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, như: Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 1-3-2018 ban hành quy định các biện pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND; Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 14-5-2018 về kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2018... Đặc biệt, để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở KH&CN đã có văn bản Hướng dẫn số 246/HD-SKHCN ngày 5-4-2018 về hồ sơ hỗ trợ chính sách. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn UBND các huyện, các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện chính sách. Đến nay, Sở KH&CN đã tiếp nhận 33 đơn của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ thuộc nhóm chính sách khuyến khích về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; đổi mới công nghệ - thiết bị. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 21 đối tượng có hồ sơ đã được thẩm định đủ điều kiện với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 27,4 tỷ đồng.

Cùng với công tác tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch, trong năm, tiềm lực KH&CN của tỉnh không ngừng được nâng lên, nhất là các tổ chức KH&CN công lập và doanh nghiệp KH&CN. Triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” theo Quyết định số 2397/QĐ-UBND ngày 29-6-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có 51 tổ chức KH&CN (31 tổ chức KH&CN công lập, 20 tổ chức KH&CN ngoài công lập). Các tổ chức KH&CN công lập tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí vốn đầu tư phát triển KH&CN từ ngân sách tỉnh hơn 18,6 tỷ đồng cho Dự án “Đầu tư xây dựng hợp khối trung tâm dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và trung tâm thông tin ứng dụng, chuyển giao KH&CN” và Dự án “Đầu tư nâng cao năng lực kiểm định, kiểm nghiệm của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Thanh Hóa”. Đặc biệt, với mục tiêu tăng cường năng lực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngày 30-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 6 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 1 đơn vị thuộc Sở KH&CN Thanh Hóa.

Nhằm thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp KH&CN và tạo điều kiện để phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp này, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh, như: Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông về doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của tỉnh; phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp ĐMST trong tỉnh. Theo đó, năm 2018, toàn tỉnh có thêm 5 doanh nghiệp được cấp giấy Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN của tỉnh lên 23, đứng thứ 3 toàn quốc (chỉ sau 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Sở KH&CN đã phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan tổ chức lựa chọn 5 dự án khởi nghiệp ĐMST tham gia đào tạo tại Techfest vùng Bắc Trung bộ năm 2018. Trong đó, có 3 dự án đã lọt vào vòng chung kết Techfest. Kết quả có 1 dự án đạt giải ba, 1 dự án tiếp cận được nhà đầu tư (Vietnam Silicon Valley Accelerator - tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam).

Trong năm 2018, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh, với 26 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (tổng kinh phí trên 312 tỷ đồng) và 146 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (tổng kinh phí thực hiện trên 299 tỷ đồng). Các nhiệm vụ cấp quốc gia tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, tiến bộ KH&CN có tính liên ngành, liên vùng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất. Các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tập trung nghiên cứu chọn lọc, lai tạo cây, con; xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; các nghiên cứu về y, dược đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất thuốc từ các nguồn dược liệu sẵn có của địa phương; nghiên cứu, triển khai kỹ thuật mới, hiện đại vào khám và điều trị bệnh... Bên cạnh đó, nhiều đề tài khoa học trong lĩnh vực xã hội và nhân văn cũng đã tập trung nghiên cứu thực trạng, tổng kết thực tiễn, làm luận cứ khoa học cho việc xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất ban hành các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Cùng với những kết quả trên, công tác quản lý Nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được tăng cường. Trong năm, ngành đã tổ chức thẩm định 35 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; phát hành 600 cuốn sổ tay sở hữu công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp, đã có 312 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, 73 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cấp; cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 57 cơ sở; phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố an toàn bức xạ cấp cơ sở cho 39 đơn vị. Tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2017, Thanh Hóa đã có 1 doanh nghiệp đạt giải Vàng và 2 doanh nghiệp đạt giải Bạc. Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN cấp huyện cũng từng bước được đẩy mạnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, phát triển các trang trại, phát triển các làng nghề; triển khai các mô hình trồng khảo nghiệm các giống mới; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học... Năm 2018, lần đầu tiên xây dựng và đưa vào thực thi Chính sách khuyến khích về phát triển KH&CN của tỉnh. Đây cũng là năm ngành khoa học tỉnh nhà nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Bộ KH&CN tạo điều kiện, phê duyệt cho Thanh Hóa số lượng dự án KH&CN nhiều nhất từ trước đến nay, với nguồn kinh phí hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng.

Phát huy kết quả đã đạt được, bước sang năm mới 2019, với phương châm “sáng tạo, bứt phá và tăng tốc”, toàn ngành KH&CN tiếp tục bám sát kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về KH&CN phục vụ phát triển KT-XH, tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN của Trung ương cũng như của tỉnh đã ban hành, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh; quy định về Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa; quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình KH&CN trọng điểm của tỉnh, Chương trình 4892; tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực phát triển tiềm lực KH&CN, phát triển thị trường KH&CN, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để KH&CN thực sự là khâu “đột phá” trong phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Nguyễn Ngọc Túy

Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]