(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Như Thanh có sự phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng hàng hóa, với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Có được kết quả đó là nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được huyện quan tâm đẩy mạnh.

Huyện Như Thanh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Như Thanh có sự phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng hàng hóa, với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Có được kết quả đó là nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được huyện quan tâm đẩy mạnh.

Huyện Như Thanh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp Mô hình trồng cây nghệ vàng và đinh lăng ứng dụng khoa học công nghệ tại xã Yên Thọ (Như Thanh).

Ông Vũ Đình Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Xác định KHCN là vấn đề then chốt trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, huyện chú trọng khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó đã xây dựng “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC huyện Như Thanh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đến nay, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình, dự án ứng dụng KHCN mang lại kết quả cao. Cụ thể, trong trồng trọt là dự án trồng thử nghiệm cây nghệ và đinh lăng (xã Yên Thọ); mô hình trồng cây bưởi (xã Yên Lạc); mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu ứng dụng CNC nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào tại HTX Trúc Phượng (xã Yên Thọ). Trong chăn nuôi, trang trại bò sữa Phú Nhuận đã áp dụng vắt sữa bò bằng máy 100%, sử dụng chuồng trại khép kín, quạt thông gió chống nóng; hệ thống nước uống tự động, sử dụng chip theo dõi sức khỏe; trang trại chăn nuôi lợn ngoại Ao Trời (xã Xuân Khang) và một số trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa của các hộ gia đình tại các xã Yên Lạc, Mậu Lâm, Phú Nhuận... cũng đã ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và thức uống tự động. Trong lâm nghiệp, từ năm 2016-2020, toàn huyện có 70 ha rừng trồng cây keo sử dụng giống nuôi cấy mô tế bào (xã Xuân Phúc 15 ha, xã Thanh Tân 45 ha, xã Xuân Thái 10 ha); có 3 vườn ươm keo giống sử dụng công nghệ tưới phun mưa có hệ thống điều khiển bán tự động tại các xã Cán Khê, Thanh Tân.

Tìm đến mô hình trồng cây nghệ vàng và cây đinh lăng của HTX dịch vụ nông – lâm nghiệp Tuấn Long Thanh Hóa ở xã Yên Thọ, qua trao đổi với ông Đặng Quốc Đạt, giám đốc HTX, chúng tôi được biết: Thực hiện “Dự án ứng dụng KHCN trong sản xuất dược liệu an toàn nghệ vàng và cây đinh lăng” của Bộ KH&CN thuộc chương trình phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025, từ năm 2020, HTX đã đưa vào trồng thử nghiệm cây nghệ vàng và cây đinh lăng, với diện tích 4,7 ha. Đồng thời xây dựng cơ sở vật chất khá quy mô, khép kín, bao gồm hệ thống tưới phun tự động, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm... tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, có tác dụng nhận những thông số từ bộ cảm biến được lập trình sẵn. Thông qua việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt giúp lượng nước và chất dinh dưỡng từ phân bón cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Sau 1 năm đưa vào trồng, cây nghệ và đinh lăng tăng trưởng khá tốt, hứa hẹn sẽ trở thành cây mang lại giá trị kinh tế cao và thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện phát triển. Hiện HTX đang tiến hành xây dựng vườn ươm trong nhà lưới; hoàn chỉnh cơ sở sơ chế, nhà xưởng chế biến và hoàn thiện quy trình thu hoạch, sấy khô và bảo quản nguyên liệu dược liệu.

Để nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, những năm gần đây xã Yên Lạc đã vận động Nhân dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, mía, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Từ đó dần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu phải kể đến đó là mô hình trồng cây bưởi của anh Đặng Văn Bình, thôn Đồng Trung. Năm 2015, anh đã thuê lại hơn 18 ha đất của các hộ dân trên địa bàn xã để xây dựng mô hình trồng cây ăn quả tập trung, với các loại bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi đỏ Phúc Kiến... Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sử dụng hệ thống tưới phun mưa tự động, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên đến nay diện tích bưởi của anh Bình phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao. Do đó, anh đã mở rộng thêm 7 ha trồng bưởi.

Hiệu quả từ các mô hình trên cho thấy, việc ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Như Thanh được xem là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng và giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên việc chuyển giao tiến bộ KHCN trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế; nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chậm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Do đó, thời gian tới, huyện Như Thanh sẽ đẩy mạnh ứng dụng KHCN, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]