(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà đang ngày càng trở nên phổ biến, phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động GD&ĐT.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà đang ngày càng trở nên phổ biến, phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động GD&ĐT.

Ban Giám hiệu Trường THCS Chu Văn An (Nga Sơn) giám sát hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh nhà trường qua hệ thống camera đặt tại các phòng học.

Ở Trường THCS Chu Văn An (Nga Sơn), các phòng học đều có màn hình tivi kết nối máy tính và internet, 100% giáo viên có máy tính xách tay để lên lớp. Trong các giờ dạy học, học sinh vừa được nghe giáo viên giảng dạy, đồng thời được nhìn hình ảnh thực tế từ màn hình tivi để so sánh, giúp hoạt động dạy học hiệu quả hơn. Thầy giáo Trần Văn Dậu, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với việc sử dụng các thiết bị CNTT trong giảng dạy, nhà trường còn ứng dụng nhiều phần mềm trong quản lý giáo viên và học sinh. Đặc biệt, để trực tiếp giám sát các tổ chuyên môn, chủ động kiểm duyệt giáo án, bài giảng trên lớp, năm học 2017-2018, nhà trường đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera quan sát tại 17 phòng học và các phòng chuyên môn. Qua đó, công tác quản lý đạt hiệu quả cao và chính xác, chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng nâng lên. Kết thúc học kỳ I năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh học lực giỏi ở các khối lớp đạt từ 40 đến 70%, trên 96% học sinh đạt hạnh kiểm tốt. Không chỉ Trường THCS Chu Văn An, hiện nay, hoạt động ứng dụng CNTT đã được 629 trường THCS, 698 trường tiểu học, 665 trường mầm mon, hơn 100 trường THPT, 19 trường phổ thông cơ sở... trong toàn tỉnh đẩy mạnh và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong các cấp học, có hơn 2.000 trường kết nối mạng cáp quang, gần 1.000 phòng máy vi tính, hơn 17.800 máy vi tính phục vụ dạy học, gần 8.000 máy tính phục vụ công tác quản lý...

Có thể thấy, CNTT là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy học, tạo tư duy giảng dạy, học tập mới, đó là tư duy mở và mềm dẻo. Trong công tác quản lý giáo dục, CNTT cung cấp công cụ xử lý thông tin nhanh chóng, hiệu quả và việc hoạch định chính sách, chiến lược giáo dục thuận lợi, chính xác hơn. Giảng dạy bằng CNTT có thể vận dụng được trong hầu hết các bậc học và môn học, như: Tiếng Anh, Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý... Với CNTT giáo viên có thể giới thiệu kiến thức mới bằng những tình huống sinh động với tranh ảnh minh họa phong phú, cùng với sự hỗ trợ công nghệ Multimedia, công nghệ mô phỏng ảo... tạo thành một giáo án hiệu quả giúp học sinh say mê học tập, phát huy tính chủ động tìm hiểu và khắc sâu kiến thức bài học. Đến nay, hầu hết giáo viên các trường học trong tỉnh đều biết sử dụng máy tính, internet để soạn giáo án, tìm hiểu nguồn tư liệu hỗ trợ giảng dạy. Các phần mềm quản lý Emis, Pmis, Smas trong quản lý học sinh, giáo viên, quản lý tài chính đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Phần lớn giáo viên đã biết cách sử dụng Power Point để làm giáo án điện tử, trao đổi nghiệp vụ qua email hoặc tham gia các diễn đàn giáo dục nội bộ hoặc của Bộ GD&ĐT. Tại các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, thị xã, thành phố cũng như cấp tỉnh đều có những giờ giảng ứng dụng CNTT đạt hiệu quả. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng duy trì hệ thống thông tin qua website và email để triển khai văn bản chỉ đạo, điều hành, phản ánh các hoạt động của ngành và các cơ sở giáo dục; tiếp thu ý kiến góp ý của xã hội, nhân dân để kịp thời điều chỉnh các quyết định trong quản lý Nhà nước và điều hành các hoạt động GD&ĐT, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc ứng dụng CNTT trong dạy học trong các nhà trường vẫn còn những hạn chế, như: Một số giáo viên vẫn chưa phân biệt giữa phương pháp giảng dạy và công cụ giảng dạy, họ cho rằng sử dụng CNTT trong giảng dạy là đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Một số giáo viên khi thiết kế bài giảng bằng Power Point đã sử dụng những hình ảnh, font chữ, màu chữ lòe loẹt, hoặc những hiệu ứng ẩn hiện nhảy múa không hợp lý gây phản cảm và làm cho học sinh chú ý nhiều vào hiệu ứng mà sao lãng nội dung. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập đã được đầu tư, tăng cường, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn đổi mới như hiện nay...

Ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học là một xu thế tất yếu của thời đại. Với mục tiêu làm mới các tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, ngành giáo dục tỉnh nhà xác định, tiếp tục đầu tư hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm quản lý, dạy học; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng giáo dục...


Bài và ảnh: Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]