(Baothanhhoa.vn) - Trải qua một hành trình dài phát triển, TP Thanh Hóa đã, đang ngày càng khởi sắc, khoác lên mình một diện mạo mới, khí thế mới, sức sống mới. Sức vươn của thành phố bên bờ sông Mã được khắc họa rõ nét nhất trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tạo tiền đề vững chắc để thành phố hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dáng vóc thành phố hai bên bờ sông Mã - Bài 2: Sức vươn thành phố

Trải qua một hành trình dài phát triển, TP Thanh Hóa đã, đang ngày càng khởi sắc, khoác lên mình một diện mạo mới, khí thế mới, sức sống mới. Sức vươn của thành phố bên bờ sông Mã được khắc họa rõ nét nhất trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tạo tiền đề vững chắc để thành phố hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Dáng vóc thành phố hai bên bờ sông Mã - Bài 2: Sức vươn thành phố

TP Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Nam

Diện mạo mới, sức sống mới

Là đô thị hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, có tiềm năng trở thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch năng động của cả vùng phía Nam Bắc bộ, Bắc Trung bộ và nước bạn Lào, Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa xác định phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh - thông minh là một xu hướng tất yếu. Để tạo vóc dáng mới cho đô thị, nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã tranh thủ ý kiến của nhiều chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài về quy hoạch đô thị. Điển hình như chuyên gia Mỹ đối với quy hoạch chung thành phố, chuyên gia Anh đối với khu đô thị mới trung tâm thành phố, chuyên gia Hàn Quốc đối với quy hoạch khu đô thị Đông Nam thành phố... Nhiều dự án trọng điểm được đồng loạt hình thành, tạo điểm nhấn cho thành phố đã minh chứng cho định hướng phát triển của thành phố trong tương lai. Tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất thành phố với 4 mặt tiền giáp 4 con phố lớn là Trần Phú, Nguyễn Du, Triệu Quốc Đạt, Lê Hoàn, Vincom Plaza Thanh Hóa là khu vực trung tâm sầm uất và hiện đại nhất của TP Thanh Hóa hiện nay với những tuyến phố buôn bán sôi động, thế giới ẩm thực phong phú, khu vui chơi dành cho trẻ em, khu khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế... Vinhomes Star City Thanh Hóa với khu phức hợp đa dạng bao gồm chung cư cao tầng, biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại... nằm ngay vị trí trung tâm sát Khu Trung tâm Hành chính mới TP Thanh Hóa hứa hẹn trở thành điểm đến “đáng sống” và là nơi hội tụ cộng đồng cư dân đẳng cấp xứ Thanh. Khu đô thị Đông Hải kề bên Đại lộ Nam sông Mã được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại cùng không gian sống xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hệ thống các siêu thị như BigC, Co.opmart, Vinmart và hệ thống các trung tâm thương mại như Sài Gòn Nguyễn Kim, HC Thanh Hóa... tạo nên hoạt động thương mại sôi động, nhộn nhịp. Sự đổi thay của TP Thanh Hóa còn được thể hiện rõ khi nhiều tuyến đường lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, như: các đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Hoàng, Hùng Vương; đường Võ Nguyên Giáp, Voi - Sầm Sơn, vành đai Đông – Tây,... tạo nên hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh.

Những công trình hạ tầng, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại hiện đại không chỉ làm bừng lên một sức sống mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố ngày càng phát triển. 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và Nhân dân thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao và thực hiện thắng lợi tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Nổi bật là kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô giá trị sản xuất ngày càng lớn mạnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 16,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 29%, năm 2020 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể qua từng năm, năm 2020 ước đạt 115 triệu đồng, đạt chỉ tiêu đề ra và cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ với 202 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 3 dự án từ nguồn vốn FDI, nâng tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt hơn 143.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Điều đáng phấn khởi là TP Thanh Hóa đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trước 1 năm so với kế hoạch; 30/34 xã, phường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, 4 phường, xã còn lại sẽ được thẩm định trong tháng 6-2020. Đặc biệt, dù không nằm trong chỉ tiêu tỉnh giao nhưng thành phố có 10/34 xã, phường không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2020 giảm còn 0,13%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phát triển bền vững cần sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển. Vì thế, thành phố luôn chú trọng đến các lĩnh vực văn hóa và an sinh xã hội. Trong đó, giáo dục có sự phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đến năm 2020 thành phố có 134/149 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 90%); công tác xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh mẽ, nhất là loại hình giáo dục ngoài công lập, góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập và đa dạng hóa loại hình giáo dục của thành phố. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân được chú trọng. Các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận cao của Nhân dân đối với cấp ủy và chính quyền các cấp.

Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện

Với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của cả tỉnh, việc xây dựng một thành phố văn minh, thân thiện, hấp dẫn để đáp ứng ngày càng cao những yêu cầu về ngoại giao, mời gọi vốn đầu tư phát triển, thu hút khách du lịch... đang là một yêu cầu thiết yếu. Vì vậy, xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện được thành phố chọn là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020. Việc xây dựng con người thành phố là những công dân thân thiện, văn minh, lịch sự được bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở công sở, doanh nghiệp và đặc biệt là Nhân dân ở địa bàn dân cư. Vẻ thân thiện của người thành phố được thể hiện từ lối giao tiếp cởi mở, ứng xử hòa nhã, thái độ phục vụ Nhân dân tận tình, chu đáo; là nụ cười của người dân thành phố với khách du lịch; là giữa người với người không có khoảng cách... Hình ảnh công dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt, cử chỉ thân thiện ngày càng được nhân rộng. Từ việc tự nguyện thay tấm đan bị hỏng, bị mất; cắm cây, thắp điện sáng báo hiệu các ổ gà, vũng nước, hố sâu trên đường; dọn dẹp các vật dụng trên tuyến đường để người dân lưu thông thuận tiện đến việc cùng nhau nấu bánh chưng, ăn cơm đoàn kết cuối năm hoặc các ngày lễ, tết... đã trở thành việc làm thường thấy ở các khu dân cư. Qua đó, lan tỏa những giá trị nhân văn, những hình ảnh tốt đẹp về người dân đô thị thân thiện, cởi mở và nhiệt tình. Đi cùng với thân thiện là sự văn minh. Nhiều năm qua, thành phố đã tập trung cao cho công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp và tiện ích về mọi mặt.

Dáng vóc thành phố hai bên bờ sông Mã - Bài 2: Sức vươn thành phố

Diện mạo thôn Phố Môi, xã Quảng Tâm.

Là trung tâm “đầu tàu” của cả tỉnh, việc xây dựng một thành phố văn minh, thân thiện sẽ mang lại cho TP Thanh Hóa nhiều lợi ích, nhất là khu du lịch đang được thành phố xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Không những thế, sự thân thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố mời gọi được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhiều dự án lớn làm thay đổi vóc dáng của đô thị trong tương lai... Lợi ích không còn bó hẹp nữa mà sẽ được mở rộng hơn nhiều. Vì vậy, việc xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố hay các cấp, các ngành mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân.

Khẳng định vị thế đô thị trung tâm

216 năm hình thành và phát triển, TP Thanh Hóa đã và đang khẳng định được vị thế của một đô thị trung tâm. Ngoài những thành tựu đã đạt được, trong tương lai, TP Thanh Hóa sẽ trở thành một thành phố “đáng sống” khi nhiều dự án tầm cỡ đang tiếp tục được quy hoạch và đầu tư. Nổi bật như Dự án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Long. Dự án có tổng diện tích 292 ha với ý tưởng xây dựng khu đô thị trở thành trung tâm đô thị mới, dịch vụ - tài chính và thương mại của dải đô thị phía Bắc sông Mã; hình thành thành phố hai bên bờ sông với núi Hàm Rồng và sông Mã là điểm nhấn cảnh quan trọng tâm. Kết cấu hạ tầng và không gian kiến trúc khu đô thị mới được xây dựng theo hướng thông minh, sinh thái, hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 và phát triển hài hòa, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội các vùng dân cư hiện hữu xung quanh. Không chỉ thế, Đồ án quy hoạch chung xây dựng hai bên bờ sông Mã đến năm 2030, đoạn từ huyện Vĩnh Lộc đến TP Sầm Sơn được xây dựng với 7 khu chức năng đặc thù, trong đó TP Thanh Hóa có 2 khu là Hàm Rồng - Núi Đọ và vùng lõi ven sông. Đây là khu vực có tiềm năng to lớn để có thể khai thác phát triển du lịch gắn với phát triển đô thị, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị di tích hai bên bờ sông Mã.

Đặc biệt, theo Quyết định 129/QĐ-TTg ngày 25-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 với phạm vi quy hoạch gồm địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn. Việc lập quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước CHDCND Lào, với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống và lịch sử - văn hóa Đông Sơn, sông Mã. Xây dựng đô thị Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp của tỉnh, đáp ứng vai trò “đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Đồng thời, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng cuộc sống người dân thành phố.

Với sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, TP Thanh Hóa đã và đang khẳng định vị thế của một đô thị trung tâm. Bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân thành phố tiếp tục chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị xanh - thông minh, hiện đại.

Bài cuối: Bước phát triển mang tầm vóc mới.

Bài và ảnh: Thu Vui


Bài Và Ảnh: Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]