Israel đang “sa lầy” vào các cuộc giao tranh biên giới?
Chiến dịch quân sự trên bộ của Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. Điều này đặt ra câu hỏi về tính toán của Israel và liệu chăng nước này đang “sa lầy” vào các cuộc xung đột khu vực?
Cuộc xung đột Israel - Palestine hiện đã vượt xa phạm vi địa lý của nó. Ngày nay, nhà nước Do Thái đang tiến hành hai chiến dịch trên bộ song song: một ở Dải Gaza, một ở miền Nam Lebanon. Nhiều phương tiện truyền thông và chuyên gia gọi chiến dịch quân sự của Israel vào lãnh thổ nước láng giềng phía Bắc là chiến tranh Lebanon lần thứ ba. Hơn một tháng giao tranh đã thể hiện rõ ràng khả năng của các bên trong cuộc xung đột, điều này phản ánh những diễn biến ác liệt và hậu quả tàn khốc của chiến dịch quân sự này.
Trước hết, điều đáng chú ý là chiến dịch quân sự hiện tại của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khác với những gì mà quân đội nước này đạt được nhằm tiêu diệt lực lượng Hezbollah vào cuối tháng 9. Chỉ trong 10 ngày, người Israel đã làm gián đoạn hệ thống liên lạc của Hezbollah, tiêu diệt nhiều thành viên cấp cao của tổ chức này, trong đó có Tổng Thư ký Hassan Nasrallah.
Hiện nay, các cuộc không kích và hoạt đông quân sự của Israel không đạt được bước tiến như mong muốn. Bất chấp tổn thất đáng kể, Hezbollah vẫn giữ được tiềm lực quân sự và tổ chức phòng thủ hiệu quả. Cùng với đó, phong trào vẫn duy trì được khả năng tấn công vào các khu vực phía bắc Israel và nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nhà nước Do Thái. Điều này được thể hiện bằng vụ phóng hơn 100 quả tên lửa vào ngày 6/11 và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà riêng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Do đó, tốc độ mà Israel đạt được trong tháng 9 đã chậm lại đáng kể. Điều này đặt ra câu hỏi về việc IDF đã sa lầy vào các cuộc giao tranh biên giới ngay từ những ngày đầu triển khai chiến dịch quân sự. Ở một số khu vực, các đơn vị quân đội Israel có thể tiến lên vài km nhưng hiếm khi duy trì được chỗ đứng vững chắc. Và thường, các cuộc phản công của Hezbollah buộc quân đội Israel phải từ bỏ các vị trí đã chiếm được.
Cuộc tấn công của Israel ở Lebanon vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, giống như hoạt động quân sự ở Dải Gaza, đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Sau hơn 1 tháng giao tranh, hơn 40.000 tài sản dân cư tại 37 khu định cư ở miền Nam Lebanon đã bị phá hủy, biến khu vực này trở thành “vùng đất cháy”. Một hậu quả thảm khốc khác của cuộc chiến là hàng nghìn người thương vong. Theo Bộ Y tế Lebanon, hơn 3.000 người đã chết sau các cuộc tấn công của Israel. Cuộc giao tranh đã buộc khoảng 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Liên hợp quốc ước tính hơn 800.000 người Lebanon đã phải di dời trong nước và 470.000 người khác đã phải di dời sang nước láng giềng Syria. Ngoài ra, nền kinh tế đất nước còn rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Đất nông nghiệp ở phía Nam, nơi đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách quốc gia Lebanon, đã bị phá hủy. Theo ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại do chiến tranh gây ra đã vượt quá 20 tỷ USD.
Và tất nhiên, đối tượng phải chịu thiệt hại nặng nề nhất là người Hồi giáo dòng Shiite. Các cuộc tấn công chính của IDF nhằm vào các khu vực dân cư của người Hồi giáo dòng Shiite, như Nam Lebanon, Thung lũng Bekaa và Dahiya, nằm ở ngoại ô Beirut. Các thành phố của người Shiite nằm ở những khu vực mà người theo đạo Thiên chúa hoặc người Druze chiếm ưu thế thường là mục tiêu tấn công. Các cuộc tấn công liên tục khiến hầu hết cư dân ở những khu vực này coi người Shiite là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của họ, điều này làm gia tăng căng thẳng giáo phái. Giới phân tích cho rằng, Israel có vẻ như đang tìm cách gây bất ổn cho Lebanon từ bên trong. Chính vì lý do này mà đầu tháng 10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã kêu gọi đại diện của nhiều nhóm tôn giáo khác nhau - Cơ đốc giáo, Druze, Hồi giáo dòng Sunni - đoàn kết và chống lại Hezbollah.
Một điểm chung khác của các hoạt động ở Lebanon và Gaza là Israel thiếu tầm nhìn “ngày sau”, tức là nắm rõ về cách thức hoạt động của kẻ thù sau khi kết thúc chiến sự. Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu chưa trình bày bất kỳ kế hoạch cụ thể nào cho Lebanon thời hậu chiến. Trở lại tháng 10 năm 2023, trong chuyến thăm Tel Aviv, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo giới lãnh đạo Israel không lặp lại những sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003. Trong bài phát biểu của mình, ông Biden trực tiếp chỉ ra rằng bất kỳ thành công quân sự nào cũng có thể dễ dàng biến thành thất bại nếu không thực hiện kế hoạch tác chiến một cách cẩn thận.
Nhưng có vẻ như ông Netanyahu không có ý định dừng lại và tiếp tục làm leo thang tình hình. Chiến thuật của thủ tướng Israel dựa trên tiền đề rằng sự sống còn chính trị của cá nhân ông đòi hỏi phải tiếp tục chiến đấu. Về bản chất, điều này có nghĩa là tiến hành một cuộc chiến tranh bất tận, đặc biệt là phải đảm bảo sự khuất phục của Hezbollah và Hamas. Ngoài ra, theo tính toán của Israel, sau khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các hạn chế bên ngoài sẽ bị suy yếu đáng kể, điều này sẽ chỉ góp phần tiếp tục đường lối của nội các chiến tranh.
Tuy nhiên, có lý do để tin rằng chiến lược được sử dụng thành công ở Dải Gaza khó có thể hiệu quả ở Lebanon. Mặc dù Hamas và Hezbollah được coi là các tổ chức Hồi giáo phi nhà nước nhưng giữa họ có những khác biệt đáng kể. Hezbollah, thường được miêu tả là lực lượng ủy quyền của Iran, trên thực tế đã trở thành một tổ chức đáng gờm theo đúng nghĩa, nhận được sự ủng hộ to lớn của người Hồi giáo dòng Shiite và mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng Lebanon khác. Ngoài ra, những người ủng hộ phong trào có “ngưỡng chịu đau” khá cao. Hezbollah duy trì vị thế của mình cả trước và sau hai cuộc chiến tranh ở Lebanon, cũng như trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Bất chấp những tổn thất đáng kể mà các chiến binh của phong trào phải gánh chịu trong những cuộc xung đột này, sự ủng hộ dành cho tổ chức này vẫn không hề suy giảm.
Một sự khác biệt quan trọng khác là điều kiện bên ngoài. Lebanon không phải là Dải Gaza, mà là một quốc gia chính thức, mặc dù có nền kinh tế yếu kém nhưng vẫn hoạt động. Nó không bị cắt đứt khỏi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các nhà tài trợ bên ngoài có thể sẽ giúp Beirut tồn tại và Tehran vẫn cam kết hỗ trợ Hezbollah. Các cuộc tấn công của Israel vào Iran khó có thể thay đổi tình hình. Ngược lại, các lực lượng trong “Trục kháng chiến” có vai trò quan trọng giúp Tehran củng cố và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, nên dĩ nhiên, Tehran phải giúp đỡ đồng minh của mình.
Rõ ràng, mục tiêu của Israel nhằm tiêu diệt hoặc biến Hezbollah thành một tổ chức mất năng lực là điều khó xảy ra. Chiến dịch quân sự của Israel tại Lebanon, không có kế hoạch dài hạn, chỉ có thể mang lại lợi ích chính trị rất hạn chế cho nội các chiến tranh Israel. Song nhiều khả năng, các cuộc xung đột sẽ tiếp tục thời gian tới, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực.
Đối với Israel, quốc gia này có vẻ như đang rơi vào sai lầm từ bài học lịch sử. Trong hai cuộc chiến tranh ở Lebanon trước đó, nhà nước Do Thái đã thất bại trong việc chinh phục hoàn toàn nước láng giềng phía Bắc và loại bỏ mọi mối đe dọa với an ninh quốc gia. Và trong cuộc chiến hiện tại, thất bại này nhiều khả năng sẽ lặp lại.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-19 13:30:00
Brexit “thổi bay” hơn 30 tỷ USD thương mại của Anh chỉ trong hai năm đầu
-
2024-12-19 11:19:00
Nỗ lực tìm kiếm khởi đầu mới
-
2024-11-16 08:32:00
Xung đột Nga-Ukraine: Những trận chiến khốc liệt mùa thu và triển vọng cuối cùng
Liệu Trump có thể hóa giải được đối đầu giữa Israel và Iran?
Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump như thế nào?
Hội nghị COP29: EU công bố kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane
Tại sao cách tiếp cận của Trump đối với Ukraine lại khác biệt?
Kế hoạch hòa bình ở Ukraine của Donald Trump liệu có thành công?
Tương lai cuộc xung đột Nga - Ukraine dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Liệu bộ trưởng quốc phòng mới có cứu được Israel?
Trump đã trở lại, và lần này thì khác
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ ra sao khi Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ?