Huyện Bá Thước: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

(Baothanhhoa.vn) - So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Bá Thước không phải là huyện có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Song những năm qua, huyện đã nỗ lực phát huy, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Bá Thước thoát nghèo bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Bá Thước: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Nhiều tổ chức, cá nhân đã lựa chọn bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: P.V

So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Bá Thước không phải là huyện có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Song những năm qua, huyện đã nỗ lực phát huy, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Bá Thước thoát nghèo bền vững.

Từ tiềm năng, lợi thế

Bá Thước là huyện miền núi, được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa. Đây còn là vùng đầu nguồn của các hệ thống sông suối, có ý nghĩa quan trọng về phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái đối với cả tỉnh. Huyện Bá Thước có sự đa dạng về địa hình, gồm đồi núi và trung du. Hệ thống sông, suối chảy qua nhiều miền địa hình phức tạp, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện. Một vùng lãnh thổ có địa hình đồi núi thấp, đất đai màu mỡ phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây đặc sản và du lịch. Một phần diện tích đất có khả năng phát triển cây lấy gỗ, trong đó cây luồng đang là thế mạnh của huyện.

Vị trí của huyện cũng tương đối thuận lợi trong giao lưu với các huyện khác trong tỉnh, trong nước, nước bạn Lào, nhờ hệ thống giao thông. Quốc lộ 217 chạy qua dài 43km nối huyện với tỉnh Hủa Phăn của Lào, Quốc lộ 15A qua địa phận Bá Thước dài 18km, là hai trục giao thông quan trọng nối liền với các huyện miền núi Thanh Hóa với huyện đồng bằng, các trung tâm phát triển lớn của tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước, là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong không gian phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, Bá Thước đóng vai trò là một điểm nhấn về sinh thái và văn hóa cộng đồng của người Thái, người Mường của vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Điển hình như: Di tích khảo cổ Mái Đá Điều (xã Hạ Trung), lễ hội Mường Khô, lễ hội đua thuyền; nhà sàn người Mường, Thái; chợ phố Đòn; nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc Kinh, Mường, Thái; những đặc sản, sản vật đặc thù của địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với diện tích 17.662 ha. Nơi đây còn gần với các điểm du lịch nổi tiếng như làng Lác (Mai Châu), suối Cá (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ... Có thể nói Bá Thước đã “vô tình” nằm trong một khu vực tương đối đậm đặc tiềm năng du lịch. Trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông còn có vẻ đẹp kỳ vĩ mà hiền hòa của dòng thác Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), hang cá thần Mường Ký (xã Văn Nho); hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ), thác Dần Long (xã Lương Ngoại); hệ thống hang động (hang Dong, xã Điền Hạ, hang Anh Rồ, xã Hạ Trung, hang làng Tráng I, II, III, xã Lâm Xa, hang làng Cốc, xã Thiết Ống, hang làng Chuông, xã Văn Nho...) tất cả đều là những điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách trong và ngoài nước ưa hình thức du lịch khám phá cộng đồng...

Có lẽ vì vậy, trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 đã xác định Bá Thước là tuyến điểm du lịch quan trọng của tỉnh trong liên kết phát triển tuyến du lịch đường bộ. Cụ thể: Tuyến TP Thanh Hóa - Nga Sơn; tuyến TP Thanh Hóa - Vĩnh Lộc - Cẩm Thủy - Bá Thước.

Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bá Thước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đã xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, gắn với các lợi thế sẵn có của địa phương và các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế; tạo việc làm và nâng cao mức sống, trình độ dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định ba khâu đột phá, trong đó có hai nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với phát triển du lịch là: Tập trung vào phát triển vùng kinh tế - xã hội đặc thù khu vực Quốc Thành, trọng tâm là trồng dược liệu và phát triển du lịch sinh thái; quản lý và sử dụng có hiệu quả vùng lòng hồ Thủy điện Bá Thước II vào phát triển kinh tế du lịch và nuôi trồng khai thác thủy sản.

Đến đẩy mạnh thu hút đầu tư

Chính từ những tiềm năng, lợi thế trên, những năm qua, huyện Bá Thước đã và đang đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư.

Theo đồng chí Lê Quang Huy, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Bá Thước: Xác định công tác thu hút đầu tư có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng với những thuận lợi sẵn có, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo đúng định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, các thủ tục về đất đai, môi trường... Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng. Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ.

UBND huyện thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chủ doanh nghiệp, phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quản lý Nhà nước về xúc tiến thương mại, đề xuất các giải pháp kích thích, quảng bá, giao thương sản phẩm, hỗ trợ thị trường, mở rộng xuất khẩu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh của huyện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp; thực hiện công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong cụm công nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư và tiếp cận đất đai. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, tư vấn pháp lý. Cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền, địa phương trong huyện cho các nhà đầu tư...

Từ những giải pháp trên, đến nay huyện đã xây dựng được 2 cụm công nghiệp: Thiết Ống và Điền Trung, với tổng diện tích 84,5 ha; toàn huyện có 123 doanh nghiệp, gần 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch, chăn nuôi..., tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động, như: Dự án ứng dụng công nghệ cao sản xuất tre ép công nghiệp của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, quy mô 22,5 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 450 tỷ đồng; cơ sở sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ và chế biến tre luồng xuất khẩu của Công ty TNHH Đầu tư và Xúc tiến thương mại Việt Thái, tổng mức đầu tư dự kiến 24,5 tỷ đồng; Nhà máy gạch Tuynel với công suất 20 triệu viên/năm, với tổng mức đầu tư 54 tỷ đồng; Nhà máy Thủy điện Bá Thước I và Nhà máy Thủy điện Bá Thước II với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi bò Úc với công suất 3.000 con/năm với tổng mức đầu tư 790,3 tỷ đồng; trang trại nuôi bò thịt chất lượng cao theo hướng công nghiệp sạch với công suất 1.000 con/năm với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; khu nghỉ dưỡng Pù Luông Village của Công ty TNHH Đầu tư Nghi Sơn Việt Nam với tổng mức đầu tư 77,6 tỷ đồng...

Mặc dù đã nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhưng hiện tại số doanh nghiệp, công ty đầu tư vào địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án trên địa bàn; tích cực vận động những hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn có doanh thu lớn, ổn định thành lập doanh nghiệp. Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư với tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền địa phương với một môi trường đầu tư thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh... Phấn đấu 100% các dự án sau khi được quyết định chủ trương đầu tư đều được ký cam kết giữa UBND huyện với nhà đầu tư về giải phóng mặt bằng và bàn giao đất đúng tiến độ (trừ trường hợp lý do khách quan, bất khả kháng); 100% kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư phù hợp với quy định đều được giải quyết kịp thời. Hoàn thành đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trọng điểm, có ít nhất 1 cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Đến năm 2020, có ít nhất 165 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 16,5 doanh nghiệp/vạn dân, trong đó có một số doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, có uy tín và sức cạnh tranh cao ở trong tỉnh và khu vực miền núi; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 10%.

Với nỗ lực, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào huyện, đặc biệt với các lĩnh vực mà địa phương có lợi thế, trong tương lai không xa, tin tưởng Bá Thước sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

14°C - 25°C
Ít mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]