(Baothanhhoa.vn) - Qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã trở thành một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều dự án đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) triển khai đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hợp tác đầu tư Thanh Hóa - Hàn Quốc: Triển vọng xứng tầm

Qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã trở thành một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều dự án đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) triển khai đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hợp tác đầu tư Thanh Hóa - Hàn Quốc: Triển vọng xứng tầm

Học sinh Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành với mô hình động cơ ô tô do Tổ chức KOICA tài trợ.

“Đất lành” của những dự án FDI

Sau hơn 4 năm triển khai thi công, trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022, tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 với công suất 600 MW tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đã chính thức hòa dòng lưới điện lên đường dây 500kV Bắc - Nam. Với khoảng 3,9 tỷ kWh điện mỗi năm cung cấp cho lưới điện quốc gia, sự kiện này tiếp tục ghi dấu mốc quan trọng trong lộ trình đưa KKTNS trở thành một trong những trung tâm năng lượng của cả nước. Hiện nay, dự án có tổng trị giá gần 2,8 tỷ USD - lớn thứ 2 tại KKTNS mà Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco) góp 50% số vốn này đang tiến hành những bước hoàn thiện cuối cùng để vận hành thương mại tổ máy số 2 vào tháng 7-2022.

Hợp tác đầu tư Thanh Hóa - Hàn Quốc: Triển vọng xứng tầm

Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức hòa lưới điện quốc gia tháng 1-2022.

Đánh giá về hành trình đầu tư dự án, ông Jubok Lee, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, cho biết: “Trong 4 năm thi công 2 tổ máy, có tới hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Không ít thời điểm, hoạt động thi công còn bị ảnh hưởng do điều kiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành, Ban Quản lý KKTNS và các khu công nghiệp đã liên tục có các giải pháp hỗ trợ kịp thời để chúng tôi bảo đảm tiến độ cho dự án. Đặc biệt là những hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa trong việc di dời tàu bè khỏi khu vực luồng cảng để các tàu vận chuyển than của công ty hoạt động thuận lợi, thông suốt. Đồng thời, phối hợp trong việc hoàn thiện các thủ tục để đấu nối thành công truyền tải điện lên đường dây 500 kV Bắc - Nam, hòa vào lưới điện quốc gia. Những hỗ trợ, đồng hành của Thanh Hóa tạo thuận lợi và là động lực để công ty tiếp tục thực hiện các công đoạn cuối cùng, tiến tới vận hành toàn bộ nhà máy công suất 1.200 MW, với kỳ vọng cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và hơn 6 triệu hộ gia đình.

Hiện nay, tính riêng tại KKTNS và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã có 14 dự án đầu tư FDI từ Hàn Quốc. Con số này ở địa bàn toàn tỉnh là 37 dự án, chiếm 26,5% tổng số dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa, với tổng số vốn đầu tư từ các dự án đạt 1,6 tỷ USD. Ngoài Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, hiện các dự án may mặc được đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang phát huy hiệu quả, nhất là giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm và an sinh xã hội tại các địa phương, điển hình như Nhà máy may Winners Vina Nga Sơn tạo việc làm cho 4.200 lao động, Nhà máy may công nghiệp S&H ViNa Hàn Quốc (Thạch Thành) giải quyết việc làm cho 6.000 lao động, Công ty TNHH KH Vina (Khu Công nghiệp Bỉm Sơn), Công ty TNHH Byeok Jin Vina, Công ty TNHH Công nghiệp Wooju Việt Nam (Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga)... và nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng các dây chuyền sản xuất.

Công ty TNHH KH Vina chính thức đi vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn từ năm 2017. Mỗi năm, đơn vị sản xuất khoảng 1,2 triệu sản phẩm may mặc ra thị trường, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động, với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Dương Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Nhân sự công ty, cho biết: Tại một khu công nghiệp được đầu tư bài bản, hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi cả về vận chuyển hàng hóa, điều kiện an ninh. Đặc biệt, người lao động tại đây có kỷ luật lao động khá tốt, thích ứng nhanh với điều kiện sản xuất. Điển hình như trong những năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có nhiều thời điểm công ty đã linh hoạt sản xuất các mặt hàng ngoài sản phẩm sơ mi truyền thống như: đồ mặc ở nhà, bộ đồ chơi thể thao... Lao động của công ty đã tiếp cận nhanh với quy trình và kỹ thuật mới, đồng hành và chia sẻ cùng đơn vị để bắt tay vào sản xuất sản phẩm mới bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của khách hàng.

...đến những dự án ODA, NGO hiệu quả

Ngoài lĩnh vực đầu tư trực tiếp, hiện Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia triển khai nhiều dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện 5 dự án ODA, với tổng vốn 93,5 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị. Hiện nay, có 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, bao gồm: Dự án nâng cấp trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc, với vốn ODA là 0,5 triệu USD thực hiện từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Dự án đầu tư trang thiết bị dạy nghề Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, với vốn ODA là 3,5 triệu USD; Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung, với nguồn vốn ODA 3 triệu USD; Dự án Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa, với tổng nguồn vốn 70 triệu USD.

Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa - đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn ODA tại dự án cung cấp trang thiết bị, thực hiện trong giai đoạn 2011-2012. Với dự án này, nhà trường được đầu tư đồng bộ các thiết bị dạy nghề hiện đại cho 5 ngành nghề kỹ thuật, gồm: điện, điện tử, cắt gọt kim loại, hàn, công nghệ ô tô. Tiếp theo đó, từ tháng 6 đến tháng 9-2016, nhà trường được tổ chức KOICA đấu mối, mời các chuyên gia, giáo sư tham gia đào tạo kỹ năng nghề cho 80 giảng viên.

Đánh giá hiệu quả từ các dự án này, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu học nghề có xu hướng gia tăng, nhất là những ngành nghề sát với nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp như công nghệ tô tô, điện, điện tử. Tuy nhiên, để chương trình đào tạo được hiệu quả, việc trang bị các thiết bị thực nghiệm là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các nguồn đầu tư từ ngân sách và các tổ chức trong nước với số vốn nhỏ thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học sinh. Dự án cung cấp trang thiết bị do KOICA tài trợ, với hệ thống mô hình máy móc sát với thực tế đã phát huy rất tốt hiệu quả, giúp học sinh có cơ hội được học tập, nghiên cứu và nhanh chóng tiếp cận công việc khi ra trường. Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ chuyên gia, giáo sư tham gia công tác đào tạo, giúp nhà trường thực hiện tốt việc nhận chuyển giao công nghệ vận hành máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị, quản lý danh mục, phát huy tối đa hiệu quả của chương trình.

Cùng với nguồn vốn ODA, Thanh Hóa cũng đã nhận nguồn viện trợ phi chính phủ (NGO) từ Hàn Quốc với tổng trị giá 1,841 triệu USD cho 13 chương trình, dự án, tiêu biểu như: Chương trình Phát triển vùng Thường Xuân do Tổ chức Tầm nhìn thế giới Hàn Quốc tài trợ; Dự án Trung tâm Hy vọng Tĩnh Gia và Chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng Yên Định do Tổ chức World together tài trợ; Dự án Hỗ trợ sửa chữa trường học, giao lưu văn hóa với các em học sinh do Tổ chức Nhân dân vì môi trường Bundang (BCSE) thông qua ngân sách Chính quyền TP Seongnam tài trợ; Dự án “ICT - y tế học đường dựa vào công nghệ thông tin” do Tổ chức Project BOM tài trợ...

Triển vọng xứng tầm

Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc hiện đã thiết lập và tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12-2015 đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn thứ hai của Việt Nam. 2 nước cũng đang tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hàn Quốc cũng đang xem xét gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia. Nền móng trong quan hệ tốt đẹp, hữu nghị giữa 2 quốc gia, là một cơ hội thuận lợi để Thanh Hóa đón những dòng vốn hợp tác, đầu tư mới từ Hàn Quốc.

Hợp tác đầu tư Thanh Hóa - Hàn Quốc: Triển vọng xứng tầm

Công nhân Công ty TNHH công nghiệp Wooju Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga) trong ca sản xuất.

Thanh Hóa trong giai đoạn này, với những đường hướng, quyết sách đã được hoạch định từ Nghị quyết 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021-2025, sẽ tập trung thu hút đầu tư nhằm phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; KKTNS; Thạch Thành - Bỉm Sơn; Lam Sơn - Sao Vàng, với 5 trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến/chế tạo, du lịch, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng. Đây cũng chính là những lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi mạnh mẽ các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế của địa phương trong thời gian tới. Điển hình như, với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin toàn cầu, tỉnh Thanh Hóa đang rất quan tâm, tìm hiểu các điều kiện để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực này rất trông chờ đón nhận sự hợp tác, chuyển giao của đất nước Hàn Quốc - một đất nước có thế mạnh, kinh nghiệm về công nghệ thông tin.

Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư Thanh Hóa - Hàn Quốc đang được triển khai mạnh mẽ, nhiều dự án đã và đang hiện diện trên địa bàn tỉnh Thanh, với hiệu quả đã được đánh giá cùng với môi trường kinh doanh cởi mở và thân thiện, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tiếp tục đón những dòng vốn với quy mô lớn, xứng tầm trong thời gian tới.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]