Hồ Chí Minh, người tin ở con người
Dành phần lớn thời gian, tâm huyết, những rung cảm thơ để viết về Hồ Chí Minh, Hải Như là một trong những thi sĩ viết nhiều thơ nhất về Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vĩ nhân của lịch sử nhân loại. Thơ của ông dễ nhớ, truyền cảm có tác dụng lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp Nhân dân, làm cho hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thêm gần gũi, ấm áp.
Chắt chiu những cảm hứng trong lành
Nhà thơ Hải Như đã từng xuất bản các tập thơ, kịch viết về vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc: Trái đất mai này còn lại tình yêu (1985); Bài thơ trên Bến Nhà Rồng (1990); Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (kịch, 2000); Thơ viết về Người (2004) và đầu năm 2025, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia sự thật đã tổng hợp và in tập “Hồ Chí Minh, người tin ở con người”.
Từ bài thơ đầu tiên “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” viết ngày 8/9/1969 đến những bài thơ cuối cùng trong cuộc đời mình, nhà thơ Hải Như đã chắt chiu những cảm hứng trong lành nhất, trìu mến nhất và sâu sắc nhất để sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Hải Như đã từng tâm sự: “Tôi viết về Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa Cụ Hồ là lãnh tụ và công đức”. Và cảm nhận của ông cũng chính là cảm nhận của cả trăm triệu người dân đất Việt chỉ có điều không mấy người viết thành thơ.
“Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi...”, bài thơ ra đời chỉ sau vài ngày vị cha già kính yêu của dân tộc về với thế giới người hiền. Đọc bài thơ, cảm xúc thật nhẹ nhàng nhưng trào lên niềm xót xa:
Chúng ta hãy bước nhẹ chân,
nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng
cúi đầu...
Trọn cuộc đời, Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh
giấc ngủ!
Và 50 ngày sau khi Bác qua đời, nhà thơ Hải Như đã viết bài “Bác vẫn vào miền Nam đấy chứ”, nhiều câu thơ đọc muốn rơi nước mắt:
Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ
Phút ra đi là phút Bác Hồ đau
Suốt hai bốn năm qua, hỏi có
đêm nào
Bác thao thức miền Nam không
hiện đến?
Suốt cuộc đời Bác, Bác luôn hướng về miền Nam, dành sự quan tâm đặc biệt đối với những cán bộ, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ: “Tôi thương miền Nam nhiều, tôi nhớ miền Nam nhiều lắm”.
100 ngày vắng Bác, nhà thơ Hải Như viết “Một con người kết tụ mọi tinh hoa”. “Chim nhớ Bác Hồ thẫn thờ” và “Vườn cây còn ấm mãi hơi Người”, những hình ảnh thân thuộc ấy khiến nỗi nhớ Bác đầy hơn nhưng rồi “Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu):
Ta đi giữa vườn Người, lòng thư thái
Đầu ngẩng cao nghe dưới gót
sỏi cười
Ồ vui sao! Ta thấy lớn bên Người.
Ở bên Người ai mà chẳng không vui, không thấy mình trưởng thành?. Nhưng càng tìm hiểu về cuộc đời của Bác, sự nghiệp của Bác thì ta càng thấy “Viết
về Người” đúng như tuyên ngôn của
nhà thơ:
Viết về Người
Tôi không viết về một nhân vật
siêu phàm
Với những câu thơ chải chuốt.
Vì vậy, ông đã khẳng khái:
"Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ
về Bác
Chữ thần kỳ, Bác riêng tặng
Nhân dân".
Rõ ràng, sự vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không nằm ở sự ngợi ca, tạo dựng một tượng đài mà nằm trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế, trong sự dâng hiến của Người cho dân tộc...
Dù ra đi, nhưng hình ảnh của Người, tình cảm của Nhân dân với Người vẫn còn vẹn nguyên:
Xin đừng nghĩ là Bác Hồ đã mất
Tuổi trẻ Bác Hồ ta mới gặp đây
Tuổi trẻ Hồ Chí Minh trên trái đất này
Sẽ mãi mãi là bài ca đẹp nhất.
Bài ca ấy còn ngân vang đến
ngày hôm nay với cái tên đẹp nhất:
Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Hải Như (1923-2017) dù chưa từng được gặp Bác lúc sinh thời, song ông đã dành rất nhiều thời gian để viết về Bác. Hơn 100 bài thơ về Bác, đó là con số rất ấn tượng, nhưng còn ấn tượng hơn là ông đã viết về Bác với một lối viết gần gũi, giản dị, nhiều cảm xúc. Những bài thơ không có cấu trúc hiện đại, không dùng nhiều từ lấp lánh đã tạo nên sự gần gũi, như Bác Hồ vẫn ở đâu đây, bên cạnh ta, và nhẹ nhàng hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không?
Một lãnh đạo thiên tài gần dân, sát dân, vì dân
Chính nhà thơ Hải Như từng tâm sự: Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, không xưng tụng lãnh tụ mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi, người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình, đó là chức năng của văn học. Làm thơ về đề tài Hồ Chí Minh, tôi mong muốn được gửi gắm, ký thác những điều suy nghĩ theo năm tháng, cuộc đời.
Viết về Hồ Chủ tịch hầu hết các nhà thơ đều viết với tâm thế kính trọng vô bờ bến. Với Hải Như, "đề tài Hồ Chí Minh là điểm tựa, cái cớ để tôi thực thi chức năng của thơ ca, thức tỉnh con người. Tôi không sao chép Bác mà thông qua hình tượng Bác Hồ, tôi viết về chúng ta".
Ông khẳng định qua thơ của ông viết về Bác, người đọc không chỉ nhận ra Người mà còn liên hệ nhận thấy cả mình để tự vấn lương tâm.
Những câu thơ: “Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp bạn mình”. Hay: “Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/ Mà vì lẽ cao hơn/ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/ Khi Trái đất này còn những trẻ em chưa có đủ giày đi/ Người không sao sống khác”; “Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta”... Người đọc cảm nhận được sự bình dị, đời thường của vị Chủ tịch. Đồng thời, người đọc còn nhận thấy sự khác thường, lối đi riêng của Bác, bởi “Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn” (Một lối đi riêng). Hay rất đơn giản: “Khác với chúng ta/ Bác Hồ đắp chăn đơn - không muốn mình ấm quá... Người trằn trọc canh dài/ Vì tiếng trẻ rao đêm” (Cần có những phút buồn).
Lối đi riêng ấy, chẳng mấy ai có được. Vì thế mà Bác trở thành con người đáng kính, được cả dân tộc Việt Nam gọi với một cái tên thân thương: Bác Hồ.
Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Thơ của Hải Như đã dựng lên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách giản dị nhất, Việt Nam nhất, vừa gần gũi lại vừa lớn lao. Hải Như đã “huyền thoại hóa” một con người bình dị và “bình dị hóa” một vĩ nhân”.
Giữa cái bình dị và huyền thoại là khoảng cách quá lớn. Nhưng nhân cách của Bác Hồ, một con người suốt đời “chỉ biết quên mình, cho tất cả”, một con người luôn dành tình thương yêu bao la cho Nhân dân Việt Nam và cho toàn nhân loại. Điều ấy chỉ có được từ những điều bình dị, và cũng chỉ có những huyền thoại mới có thể làm nên điều bình dị ấy.
"Hồ Chí Minh - Người tin ở con người” chỉ với 39 bài thơ nhưng đủ để chúng ta hiểu thêm về Bác Hồ, hiểu thêm tấm lòng và cảm xúc của nhà thơ Hải Như. Những bài thơ này vừa là tiếng lòng của ông với “nhân vật huyền thoại” đồng thời chúng ta khi chầm chậm đọc từng bài thơ đều có thể soi chiếu để nhận thấy bản thân mình còn cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Học Bác là học những gì chân thật nhất, gần gũi nhất, đời nhất. Như nhà thơ Hải Như đã thể hiện: “Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ về Bác/ Chữ thần kỳ, Bác riêng tặng Nhân dân".
Dù với tư cách người con viết về vị “cha già” của dân tộc hay một nhà thơ viết về một vĩ nhân, Hải Như đều làm rất trọn vẹn bởi ông đã khắc họa được đầy đủ chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là vị “cha già” với tình yêu con người sâu sắc, dâng hiến không mệt mỏi cho con người, luôn mong muốn che chở mọi kiếp phận, với một cuộc sống bình dị lạ thường nên đã trở thành một vĩ nhân trong lòng dân tộc và nhân loại. Đồng thời vĩ nhân ấy bằng tình cảm và trách nhiệm của mình đã được cả dân tộc gọi là cha già với xiết bao yêu thương và gần gũi.
Mỗi bài thơ không đơn giản là lời tâm tình, là câu chuyện kể, mỗi bài thơ đã tạo nên sức lan tỏa đến người đọc. Đã 56 năm, Bác Hồ mãi mãi ra đi, nhưng đọc “Hồ Chí Minh – Người tin ở con người”, chúng ta vẫn thấy, vẫn tin có một con người đã, đang và sẽ sống cùng dân tộc Việt Nam, Người đã đi cùng chúng ta trên con đường về phía ánh sáng của độc lập, tự do và hạnh phúc.
Bài và ảnh: Huyền Chi
{name} - {time}
-
2025-05-20 15:29:00
Thủy Chú “xinh tốt đáng ưa”
-
2025-05-20 15:27:00
Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững
-
2025-05-20 15:06:00
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 3): Những bông hoa trong vườn Bác
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 2): Nhớ mãi ngày gặp Bác!
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 1): Từ động viên, ghi nhận đến những lời căn dặn
Khơi dậy sức mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời đại mới
Xứ Thanh kết đài hoa dâng Bác...
Cùng Người vươn tới mãi
Khát vọng cùng quê hương đẹp hơn mỗi ngày
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công