(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua Thanh Hóa luôn quan tâm triển khai các biện pháp can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả, nhất là việc triển khai điều trị bằng thuốc ARV để người mắc HIV cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV

Thời gian qua Thanh Hóa luôn quan tâm triển khai các biện pháp can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả, nhất là việc triển khai điều trị bằng thuốc ARV để người mắc HIV cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIVBác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc khám, tư vấn cho bệnh nhân điều trị thuốc ARV.

Tại Hoằng Hóa, được sự hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu, huyện được thiết lập phòng OPC (Phòng khám và điều trị ngoại trú cho những người nhiễm HIV/AIDS). Ban đầu, số lượng người tìm đến để được tư vấn, khám và điều trị chưa nhiều nhưng với trách nhiệm của đơn vị thụ hưởng dự án, bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phân công cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt làm công tác tư vấn, xét nghiệm...

Tại phòng OPC đảm bảo độ an toàn và tin cậy cho những người đến xin tư vấn, xét nghiệm. Tất cả người bệnh đến đây khám, xét nghiệm và điều trị bằng thuốc ARV đều được miễn phí hoàn toàn. Hiện, phòng OPC đang quản lý và điều trị ARV cho 52 bệnh nhân ngoại trú. Cùng với việc thu hút những người tự nguyện đến tư vấn, xét nghiệm, khám và điều trị tại phòng OPC, đơn vị còn tập trung tuyên truyền, vận động đối tượng là phụ nữ có thai đến xét nghiệm HIV trong thời gian mang thai.

Ngọc Lặc là huyện có số lượng người nhiễm HIV/AIDS khá cao. Trước đây, những người mắc bệnh đều phải đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được tư vấn, cấp thuốc ARV miễn phí, nên việc hàng tháng phải đi lại với những người nhiễm cũng khá vất vả, tốn kém. Từ khi phòng OPC đặt tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho người nhiễm được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Có mặt tại phòng OPC Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc, tiếp xúc với những người đang điều trị ARV đến nhận thuốc định kỳ, có người sử dụng thuốc ARV được hơn 10 năm, có người mới tiếp cận với ARV. Tuy nhiên, họ đều thấy sức khỏe được cải thiện nhiều, những nụ cười hiện rõ trên gương mặt của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Anh Ng ở thị trấn Ngọc Lặc chia sẻ, 2 vợ chồng đi làm ăn xa, khi phát hiện mắc bệnh, cả hai vợ chồng đều suy sụp tinh thần, sức khỏe giảm sút. Khi được tiếp cận điều trị ARV, được các bác sĩ tư vấn tận tình nên cả 2 vợ chồng đã có niềm tin và tuân thủ phác đồ điều trị nên sức khỏe đã cải thiện và vẫn lao động bình thường. ARV còn mang đến niềm vui đặc biệt to lớn cho 2 vợ chồng khi được sự giải thích và hướng dẫn của các bác sĩ điều trị, họ đã quyết định sinh con. Và niềm vui không tả xiết khi em bé được sinh ra có kết quả hoàn toàn âm tính với HIV.

Bác sĩ CK1 Lê Duy Thanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc cho biết: Thuốc ARV bắt đầu được triển khai sử dụng tại khoa từ năm 2016, điều trị cho 311 bệnh nhân. Sau khi điều chuyển bệnh nhân về các địa phương, đến nay Phòng OPC đang quản lý điều trị ARV cho 224 bệnh nhân. Hiện nay, cơ chế, chính sách trong công tác khám, tư vấn và điều trị đã thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những bệnh nhân HIV. Bệnh nhân HIV khi điều trị ARV sẽ giúp giảm sự phá hủy tế bào do vi rút HIV, giảm nguy cơ mắc và tử vong do các nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan tới AIDS, nâng cao chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS... Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả đó thì người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị; tái khám đúng hẹn.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11/1995, tính đến ngày 31/8/2023 số người nhiễm HIV/AIDS lũy tích là 9.090 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.618, hơn 2.600 người nhiễm HIV đã tử vong. 100% huyện, thị xã, thành phố; 96% (538/559) xã/phường báo cáo phát hiện người nhiễm HIV. Bản đồ dịch tễ học HIV/AIDS ở Thanh Hóa cho thấy dịch HIV/AIDS vẫn trong giai đoạn tập trung, tập trung ở nhóm nguy cơ cao là nhóm NCMT và MSM; tập trung ở nhóm tuổi 20 - 39, nhóm nam giới và lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Toàn tỉnh đang triển khai điều trị ARV tại 34 cơ sở (bao gồm 26 huyện, 4 trại giam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trại tạm giam, Trung tâm cai nghiện số 1 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) với 4.111 bệnh nhân. Nguồn thuốc ARV sử dụng từ nguồn Dự án Quỹ Toàn cầu và nguồn BHYT cho bệnh nhân người lớn có thẻ BHYT.

Nhờ triển khai điều trị thuốc ARV mà hơn 20 năm qua nhiều bệnh nhân đã được điều trị hiệu quả, tỷ lệ tử vong và bỏ điều trị thuốc dưới 5%. Thực tế cho thấy, tất cả mọi người mắc HIV nếu tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV thì có thể sinh hoạt, học tập và làm việc như một người bình thường. Sau 6 tháng, tải lượng, nồng độ virus HIV trong máu giảm, gần như là một người bình thường. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc và phối hợp thuốc phù hợp.

Để điều trị ARV có hiệu quả, cần phải dùng thuốc đúng theo quy định, không bỏ sót liều. Đến nay, bệnh AIDS do vi rút HIV gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chữa khỏi hoàn toàn. Khi người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV, có thể giảm nồng độ vi rút trong cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chống lại các bệnh do hội chứng suy giảm mắc phải ở người. Đồng thời cũng giúp cho người nhiễm HIV giảm đi khả năng lây nhiễm HIV cho người khác nếu nồng độ vi rút trong cơ thể thường xuyên được kiểm soát ở mức thấp. Việc điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV càng sớm thì hiệu quả ức chế vi rút càng cao, và người bệnh sống khỏe mạnh như người bình thường.

Bài và ảnh: Hà Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]