Hậu Lộc chủ động ứng phó với bão số 3
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tính đến 18 giờ ngày 7/9/2024, trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã có mưa vừa với tổng lượng mưa 101 mm, lượng nước trên các sông tại địa bàn huyện đang ở mức ổn định, chưa có hiện tượng ngập úng.
Các phương tiện tàu thuyền về âu Lạch Trường tránh trú bão an toàn.
Triển khai ứng phó với cơn bão số 3, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT,TKCC&PTDS) đã ban hành công điện số 11/CĐ-PCTT,TKCN&PTDS ngày 2/9/2024 về chủ động ứng phó với bão gần biển Đông; tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 về việc khẩn trương ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024; Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 6/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024 và tổ chức họp toàn thể Ban chỉ huy PCTT,TKCN & PTDS huyện. Chỉ đạo các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Khu vực cảng cá Hòa Lộc, xã Hòa Lộc trong những ngày ảnh hưởng cơn bão số 3.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện Hậu Lộc, tính đến 18 giờ ngày 7/9 trên địa bàn huyện có 656 tàu thuyền, với 3.031 lao động thủy sản, trong đó: có 96 tàu với 112 lao động phục vụ nuôi trồng thủy sản đã neo đậu tại bến thuyền Hậu Lộc an toàn; 560 tàu cá đánh bắt, với 2.919 lao động. Đã có 529 tàu cá với 2.705 lao động về bến nội tỉnh; 31 tàu cá với 215 lao động về bến ngoại tỉnh. Có 177/179 chòi canh nuôi trồng thủy sản với 179 lao động, đã chỉ đạo các hộ di dời vào bờ an toàn. Hiện nay, các tàu đang neo đậu tại âu tránh trú bão Hòa Lộc, cửa Lạch Sung, cửa Lạch Trường, sông Kênh De, cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn phương tiện trong quá trình neo đậu tập trung và phòng chống cháy nổ.
Bà con nông dân xã Lộc Sơn khẩn trương thu hoạch lúa vào ban đêm, ứng phó với cơn bão số 3
Trên địa bàn huyện đã thu hoạch 522 ha lúa vụ Thu Mùa, đạt 12% kế hoạch, cây ngô, cây đậu, cây rau màu các loại đã thu hoạch xong. Diện tích lúa bị đổ, ngã do mưa bão gây ra 284 ha. Diện tích cây trồng vụ Thu Đông đã gieo trồng được 537,92 ha cây trồng các loại, đạt 27% KH. Do ảnh hưởng của mưa, bão, diện tích cây trồng bị đổ, gãy và ngập úng với diện tích 79,3 ha. Riêng xã Lộc Sơn, địa phương có diện tích lúa nhiều trên địa bàn huyện với 240ha lúa vụ thu mùa, nhưng do ảnh hưởng cơn bão số 3, có 50ha diện tích lúa bị đổ. Tính đến ngày 7/9, toàn xã Lộc Sơn đã thu hoạch 65ha lúa.
Tính đến ngày 7/9, toàn huyện Hậu Lộc đã thu hoạch 522 ha lúa
Hiện nay các công trình xây dựng gồm cầu, cống, các tuyến đường giao thông, trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, chưa có thiệt hại và ảnh hưởng do mưa, bão gây ra. Các cửa sông, khu vực ven biển đang ở mức thấp nên huyện Hậu Lộc chưa phải tổ chức sơ tán người dân theo phương án đã ban hành.
Thông tin từ cảng cá Hòa Lộc, tính đến chiều 6/9 đã có 256 phương tiện về âu Lạch Trường tránh trú bão ổn định, an toàn.
Nhằm tiếp tục ứng phó với cơn bão số 3, huyện Hậu Lộc đã và đang chỉ đạo các xã tuyến biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Tổ chức quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các chòi canh nuôi trồng thủy sản. Rà soát các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, cảng cá Hòa Lộc tổ chức đưa tàu thuyền về nơi neo đậu tránh trú an toàn, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trong quá trình neo đậu tránh trú bão.
Các xã, thị trấn chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là cửa sông, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; tổ chức huy động lực lượng, máy móc, phương tiện tổ chức thu hoạch diện tích lúa đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các xã, thị trấn của huyện Hậu Lộc chủ động các phương án phòng, chống thiên tai.
Được biết, ngay từ đầu năm 2024, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai. Đến tháng 5/2024, đã kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy PCTT,TKCC&PTDS từ huyện đến cơ sở; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ngọc Huấn
- 2024-10-09 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 9/10
- 2024-10-09 19:15:00
Hậu Lộc: Tiếp nhận gần 1 tỷ đồng hỗ trợ của doanh nghiệp làm nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở
- 2024-09-07 16:22:00
Thanh Hóa: Mưa bão gây thiệt hại về tài sản và sản xuất nông nghiệp
Chủ động, tích cực phòng, chống bão từ sớm, từ xa
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Thanh Hóa
Điểm nóng trưa 7/9: Di dời khẩn cấp người dân khỏi chung cư nguy hiểm để tránh bão số 3
Tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh
Biên phòng giúp dân phòng chống bão số 3
Phó Thủ tướng Chính phủ: Sẵn sàng ứng phó thời điểm bão mạnh nhất lúc 17 giờ ngày 7/9
Huyện Quan Sơn chủ động ứng phó với bão số 3
Trung đoàn 226 huy động lực lượng giúp dân phòng, chống bão số 3