(Baothanhhoa.vn) - Hàng trăm ha rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát quản lý đã bị người dân bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát), xâm cư, xâm canh từ nhiều năm nay. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù ban quản lý và địa phương đã nhiều lần kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Hàng trăm ha rừng phòng hộ ở huyện Mường Lát bị người dân xâm cư, xâm canh

Hàng trăm ha rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát quản lý đã bị người dân bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát), xâm cư, xâm canh từ nhiều năm nay. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù ban quản lý và địa phương đã nhiều lần kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Hàng trăm ha rừng phòng hộ ở huyện Mường Lát bị người dân xâm cư, xâm canhCác công trình nhà ở người dân bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát) xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, cho biết: Hiện bản Suối Lóng có 91 hộ, với 578 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào sinh sống trong khu vực đất rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát quản lý. Trong đó, có 20 hộ sinh sống trong khu vực có sạt lở cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Do không có đất ở và đất sản xuất để mưu sinh, nên các hộ dân đã xâm lấn đất rừng phòng hộ để xây dựng nhà ở và canh tác. Vì vậy, địa phương rất mong UBND tỉnh sớm có biện pháp thu hồi một phần diện tích đất rừng sản xuất của ban quản lý theo quy định để bàn giao cho các hộ dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, bố trí xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.

Theo tìm hiểu, được biết, năm 1993 các hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ tỉnh Sơn La về núi Hin Phăng, thuộc tiểu khu 21, xã Tam Chung sinh sống. Đến năm 1999, các hộ dân ở đây được di dời về tiểu khu 47 sinh sống và thành lập bản Suối Lóng. Năm 2005, các hộ dân được UBND tỉnh giao đất sản xuất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16-11-1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp tại tiểu khu 34. Tuy nhiên, tại tiểu khu 34 này đã có một số hộ dân bản Cha Lan, xã Mường Lý sinh sống, canh tác sản xuất lâu đời cho nên Nhân dân bản Suối Lóng không canh tác được ở khu vực này. Vì vậy, các hộ dân đã xâm canh diện tích quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát, với diện tích xâm canh là 92 ha tại tiểu khu 47. Đến năm 2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1085/QĐ-UBND ngày 14-4-2009 thu hồi 8 ha đất rừng sản xuất tại tiểu khu 47 thuộc diện tích quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát để cấp đất ở cho 53 hộ dân bản Suối Lóng. Sau khi người dân bản Suối Lóng ổn định đời sống được một thời gian, do địa hình có độ dốc lớn, mưa lũ nhiều gây sạt lở nên các hộ dân đã tự ý di dời ra khu vực xung quanh xây dựng nhà ở không đúng diện tích đất được giao. Do không giải quyết được đất sản xuất cho các hộ dân bản Suối Lóng, nên các hộ dân liên tục xâm canh diện tích đất rừng phòng hộ. Theo kết quả rà soát của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát, hiện nay các hộ dân đã xâm lấn 390,08 ha đất rừng phòng hộ. Mặc dù các vụ vi phạm, xâm canh vào diện tích đất rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát quản lý đã được phát hiện và báo cáo với các ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương nhưng hiện vẫn chưa được xử lý triệt để. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát, cho biết: Để giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân ở đây và xử lý dứt điểm việc xâm cư, xâm canh vào đất rừng phòng hộ của đơn vị đang quản lý, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát đề xuất bàn giao lại cho huyện Mường Lát với diện tích 403,49 ha đất rừng sản xuất (trong đó, 106,35 ha là rừng trồng, 168,54 ha đất nương rẫy, 128,6 ha rừng sản xuất) tại tiểu khu 47 nằm xung quanh bản Suối Lóng để cho địa phương cấp đất sản xuất cho các hộ dân canh tác và không xâm canh vào đất rừng phòng hộ. Khi các hộ dân bản Suối Lóng có đất sản xuất đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm túc, triệt để, dứt điểm các vụ phá rừng phòng hộ làm nương rẫy và lấn chiếm đất rừng xây dựng nhà ở trái phép. Sớm quy hoạch khu dân cư cho người dân bản Suối Lóng để ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền, các ngành có liên quan của tỉnh sớm có biện pháp xử lý dứt điểm để người dân bản Suối Lóng ổn định đời sống. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm để người dân nơi đây không tái diễn tình trạng xâm cư, xâm canh đất rừng phòng hộ.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]