(Baothanhhoa.vn) - Hàm Rồng là nơi đối đầu giữa một bên là chính nghĩa sáng ngời của ý chí bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, một bên là bạo tàn của cuộc chiến tranh phá hoại.

Hàm Rồng lừng lẫy chiến công

Hàm Rồng là nơi đối đầu giữa một bên là chính nghĩa sáng ngời của ý chí bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, một bên là bạo tàn của cuộc chiến tranh phá hoại.

Hàm Rồng lừng lẫy chiến công

Cầu Hàm Rồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Cuộc chiến đấu “Một mất, một còn” khởi đầu trong hai ngày 3, 4/4/1965 là cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, nhưng chiến thắng vô cùng hiển hách trên bầu trời Hàm Rồng.

1. Sau khi phân tích các thông tin tình báo và mọi động thái của không quân Mỹ trong những ngày trước đó, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã giao nhiệm vụ cho các biên đội trực ban: Dùng tốp 2 chiếc MiG - 17 bay làm nhiệm vụ nghi binh - yểm hộ trên độ cao 6000 m, biên đội đánh chính gồm 4 chiếc MiG - 17 sẽ đánh tốp cường kích bắn phá khu vực cầu Hàm Rồng và Bỉm Sơn. Mệnh lệnh chiến đấu đã được phổ biến cho các phi đội từ tối 2/4. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 3/4/1965 các biên đội trực chiến đã sẵn sàng. Phương án chiến đấu là sử dụng lực lượng 6 chiếc MiG - 17A do phi công Phạm Ngọc Lan - số 1; Phạm Anh Tuệ - số 2; Phi công Hồ Văn Quỳ - số 3 và Trần Minh Phương - số 4. Biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch và yểm hộ cho biên đội tấn công gồm: 2 MiG - 17A, Trần Hanh - số 1; Phạm Giấy - số 2.

7 giờ ngày 3/4, Hải quân Mỹ cho máy bay vào trinh sát thời tiết và các mục tiêu trọng điểm.

Lúc 9 giờ 45 phút, cả hai biên đội trực chiến được lệnh vào cấp I và mở máy; sau 2 phút, biên đội 2 chiếc nghi binh cất cánh bay hướng 190 độ vào vùng trời Ninh Bình ở độ cao 6.000m. Một phút sau, biên đội tấn công cất cánh. Sau khi rời đất, biên đội xuyên mây, bay theo hướng 210 độ. Đến 10 giờ 9 phút, số 4 báo hiệu phát hiện mục tiêu 6 chiếc F - 8U bên phải đang đối đầu, một chiếc khác đang công kích các trận địa phòng không quanh các khu vực cầu. Ngay khi phát hiện mục tiêu - số 1 lập tức ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng tốc tiếp cận đội hình F - 8U!”, biên đội tách thành hai tốp. Sau khi cắt bán kính bám theo mục tiêu, số 1 MiG - 17 ra lệnh số 2 vào công kích; số 2 lập tức vòng gấp về phía F - 8U, số 1 bám theo yểm hộ. Đúng lúc đó, chiếc F - 8U “Con ma” cũng phát hiện có MiG - 17 nên vòng gấp vào để không chiến. Bấy giờ, chiếc F - 8U số 2 đã bị mất đội hình; một chiếc F - 8U số 2 lẫn trong đám mây thì Phạm Ngọc Lan đã bám theo sau, số 1 đưa F - 8U vào vòng ngắm; đúng cự ly Phạm Ngọc Lan lập tức “siết cò”, F - 8U trúng đạn, cháy bùng, lao xuống đất. Lúc đó là 10 giờ 14 phút ngày 3/04/1965! Đó là giờ phút lịch sử khi MiG - 17 của không quân Việt Nam lần đầu tiên bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

Cũng ngay thời điểm đó - số 2 Phạm Văn Túc đã phát hiện chiếc F - 8U số 2 từ phía sau, nên trên độ cao nhào xuống xả một loạt đạn, máy bay bốc cháy, lao xuống đất. Số 3 và số 4 cũng phát hiện mục tiêu, xin công kích; MiG - 17 bám đuổi quyết liệt và bắn hai loạt đạn dòn giã, nhưng do cự li còn xa, nên đối phương bay thoát ra biển... Sở chỉ huy “lệnh thoát ly”. Số 3, số 4, số 2 về sân bay Nội Bài an toàn. Riêng số 1 do hết dầu, đã quyết định hạ cánh bắt buộc xuống dải cát ven sông Đuống, phi công an toàn.

Hàm Rồng lừng lẫy chiến công

Trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ảnh: Tư liệu.

Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân trên bầu trời Miền Bắc trong hai ngày 3 và 4/4/1965 có ý nghĩa đặc biệt to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc có chiến công, thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta, của lực lượng và thế trận phòng không Nhân dân trên miền Bắc. Ngày 3,4/1965 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân Nhân dân Việt Nam!

Ngày 5/4/1965, Báo Nhân Dân đăng xã luận: “Hoan hô chiến thắng lừng lẫy! Hoan hô Thanh Hóa anh hùng!”. Xã luận nhận định: Đây là những trận chiến đấu phối hợp rất đẹp giữa các lực lượng vũ trang sáng tạo một gương mẫu về chiến tranh cách mạng của Nhân dân. Đây là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta.

2. Bầy “quạ sắt” Mỹ đã làm “Vẩn đục bầu trời” làng quê yên bình, gieo chết chóc đau thương, tàn phá... Nhưng chúng đã phải trả giá vì “đất quê anh hùng” - Hàm Rồng, Nam Ngạn đã phối hợp tuyệt đẹp với các “chim sắt” trên trời “chôn vùi xác bao giặc Mỹ”. Trong 2 ngày 3,4/4/1965 đã làm nên “chiến thắng giòn giã nhất, đánh rất quyết liệt, phối hợp rất chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang, giữa bộ đội với Nhân dân địa phương” bắn rơi 47 máy bay địch, bắt sống 2 giặc lái Mỹ.

Quân và dân Thanh Hóa đã sử dụng tốt những vũ khí có trong tay, đưa súng lên những đỉnh núi cao để tạo đường đạn căng và chính xác nhất. Bom đạn địch vừa vùi lấp lại dậy đánh trả, bị thương vẫn không rời trận địa, trước lúc hy sinh vẫn đạp cò, lấy thân mình kê pháo, người còn, pháo còn để đánh địch. Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển một mình vác cả 2 hòm đạn pháo, hơn gấp rưỡi trọng lượng cơ thể để kịp tiếp đạn cho pháo thủ.... Tổ cứu thương Lò Cao gồm 6 cô gái băng mình qua lửa đạn địch đến với từng khẩu đội để cứu thương, tiếp đạn, lau đạn. Các cụ già Nam Ngạn, trong đó có cả nhà sư bình tĩnh nổi lửa nấu cơm ngon, canh ngọt tiếp tế cho bộ đội. Các ngành Y tế, Giao thông vận tải huy động các nhân viên chuyển thương binh, súng đạn phục vụ hậu cần. Ngành Bưu điện huy động ba đội sửa chữa đường dây phục vụ cho cả quân bưu và dân bưu... Cả một khu vực xung quanh cầu không kể là thôn, xã, xí nghiệp, phố phường đều hướng về mục tiêu chiến đấu, phục vụ chiến đấu, mặc cho bom đạn giặc Mỹ trút xuống ngày đêm...

Trong hoàn cảnh bị địch đánh phá dữ dội, uy hiếp mọi hướng, các lực lượng vũ trang của chúng ta luôn luôn được Nhân dân trong khu vực Hàm Rồng làm hậu thuẫn vững chắc.

Nhân dân sát cánh cùng bộ đội đánh giặc, bộ đội đánh giặc trong sự đùm bọc cổ vũ của Nhân dân, sức mạnh đoàn kết cổ vũ được nhân lên tạo thành một sức mạnh tổng hợp phi thường đánh bại ngay từ đầu cuộc đánh phá cầu Hàm Rồng của Mỹ!

Quân và dân mặt trận Hàm Rồng đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”... Cội nguồn của mọi thành công và là hình ảnh đẹp nhất của “chiến tranh Nhân dân vô địch”!

Báo Nhân Dân (5/4/1965) đăng bài “Chiến công bên dòng sông Mã” ca ngợi: “Đó là một bản trường ca hùng tráng của sự phối hợp tuyệt đẹp giữa các lực lượng của chúng ta” cùng “nhắm thẳng vào quân thù” mà bắn; các loạt đạn dồn dập vút lên không đan thành lưới lửa dày đặc bao vây lấy kẻ địch, xé tan mấy chục máy bay Mỹ. Cùng với tiếng súng giòn giã trên trận địa, những thành tích sản xuất của đồng bào Thanh Hóa là sự trả lời đanh thép cho bọn xâm lược Mỹ: “Nhân dân Việt Nam quyết đánh và quyết thắng”.

Ngày 15/10/1965 Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư Lệnh quân khu 3 gửi điện khen Thanh Hóa, tỉnh Quảng Nam kết nghĩa gửi thư và điện chào mừng quân và dân Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ.

Ngày 14/1/1973, Tiểu đoàn 66, Sư đoàn 365 tên lửa bắn rơi 1 chiếc F4 của giặc Mỹ. Trận đánh kết thúc cuộc chiến tranh hết sức khốc liệt, dã man mà đế quốc Mỹ gây ra gần 8 năm trên đất Hàm Rồng.

Sáng 16/1/1973, lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ của Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên đỉnh núi Ngọc, chào mừng chiến công hiển hách của quân dân Hàm Rồng anh hùng bắn rơi 117 máy bay phản lực hiện đại, trong đó có 2 “pháo đài bay” B52 và một máy bay không người lái.

Hàm Rồng lừng lẫy chiến công

Cầu Hàm Rồng hôm nay.

Hàm Rồng đã đi vào lịch sử giữ nước của dân tộc với những chiến công lẫy lừng và toàn diện. Chiến thắng Hàm Rồng cách đây tròn 60 năm tiêu biểu cho khí phách và tinh thần bất khuất của quân và dân ta, là một hình mẫu của “chiến tranh Nhân dân” vô địch của Việt Nam, là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa và cũng là của những con người “Bất khuất, kiên cường” trên “vùng đất địa linh nhân kiệt” - Hàm Rồng!

Năm 2025 chúng ta tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất dất nước; cũng là năm tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Thật tự hào biết bao!

Võ Quốc Hiển

------

Tài liệu tham khảo

1. Hàm Rồng trong cuộc đụng đầu lịch sử - Ban tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng - NXB Thanh Hóa - 2010.

2. Trận đầu chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam - Bích Phượng (Tổng hợp). Tiếng nói của Bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam.

3. Viết tiếp chiến công oanh liệt - Hiền Phượng - Hà Nội mới 02/03/2025.

4. Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Báo Hà Nội mới ngày 25/11/2024.


Võ Quốc Hiển

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]