(Baothanhhoa.vn) - Với tiềm năng phát triển lúa gạo, những năm qua, huyện Hà Trung không chỉ mở rộng diện tích, phát triển các vùng sản xuất lúa nếp quy mô lớn mà còn chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển các giống lúa nếp đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm lúa nếp trên thị trường.

Hà Trung mở rộng diện tích lúa nếp

Với tiềm năng phát triển lúa gạo, những năm qua, huyện Hà Trung không chỉ mở rộng diện tích, phát triển các vùng sản xuất lúa nếp quy mô lớn mà còn chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển các giống lúa nếp đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm lúa nếp trên thị trường.

Hà Trung mở rộng diện tích lúa nếp

Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa nếp huyện Hà Trung.

Xã Hà Long không chỉ biết đến là một vùng đất quý hương trù phú, giàu đẹp mà còn là quê hương của hạt gạo nếp tiến vua ngon nức tiếng. Tuy nhiên, vào những năm 80 của thế kỷ trước, do quá trình phòng trừ sâu bệnh không tốt, mất mùa, có năm mất trắng, giống lúa nếp cái hoa vàng dần mai một, mất đi. Với mong muốn việc khôi phục lại giống lúa nếp cái hoa vàng quý trên đồng ruộng Hà Long, sau nhiều chuyến đi để “tìm lại” giống lúa quý, năm 2009, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long bắt đầu cấy thử nghiệm với diện tích 2,5ha. Theo người dân xã Hà Long, sở dĩ lúa nếp cái hoa vàng có mùi thơm đặc trưng, hạt gạo dẻo là do được cấy trên chân đất thịt nhẹ, ít nước, lại có thời gian sinh trưởng dài hơn 150 ngày, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt khung lịch thời vụ, áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay giống lúa nếp cái hoa vàng đã phù hợp với đồng đất xã Hà Long, cho ra hạt gạo tròn, trắng, thơm ngon và được HTX mở rộng diện tích trồng lên tới 200ha.

Ông Lê Minh Công, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, cho biết: "Để nâng cao năng suất, chất lượng gạo và đặc biệt là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, HTX thực hiện khảo sát và cải tạo chất lượng nguồn đất, nguồn nước, khoanh vùng sản xuất tập trung để thuận lợi áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực, hầu hết các thành viên HTX và các hộ dân đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường”.

Ông Nguyễn Hữu Cương, hộ dân sản xuất lúa nếp cái hoa vàng xã Hà Long, cho biết: Toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến phòng, trừ sâu bệnh đều được gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn kỹ thuật của HTX, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất... Vì vậy, sản phẩm của tôi và các hộ dân khác luôn được tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống”. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê và Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng mỗi năm tiêu thụ từ 200 đến 300 tấn sản phẩm. Từ sản phẩm tiến vua, xã Hà Long đã xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao mang tên nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang và được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, ngày càng nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bên cạnh sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Hà Trung đã xây dựng được vùng trồng lúa nếp hạt cau tại xã Hà Lĩnh với diện tích khoảng 150ha. Hiện nay, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc... và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đưa ra thị trường. Được biết, năm 2022, sản phẩm OCOP nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng được xếp hạng là 1 trong 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm mang nhiều đặc trưng riêng như hạt gạo nếp hương thơm dịu, hạt ráo, bóng, dẻo nhưng không nát, thường để đồ xôi, làm bánh...

Hiện nay, toàn huyện Hà Trung phát triển được 900ha sản xuất lúa nếp, trong đó có 370ha lúa nếp đặc sản. Với mục tiêu nhân rộng diện tích sản xuất, ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: "Các địa phương có điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa nếp sẽ tiếp tục thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất lúa nếp tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung thâm canh, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP; chú trọng việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu bền vững. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên website, phương tiện truyền thông, tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phối hợp cùng các doanh nghiệp đưa sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên cả nước".

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]