(Baothanhhoa.vn) - Hiện đang là cao điểm của mùa nắng nóng 2023, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Để chủ động bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tập trung tăng cường triển khai nhiều giải pháp BVR, PCCCR hiệu quả.

Giữ rừng mùa nắng nóng

Hiện đang là cao điểm của mùa nắng nóng 2023, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Để chủ động bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tập trung tăng cường triển khai nhiều giải pháp BVR, PCCCR hiệu quả.

Giữ rừng mùa nắng nóngHạt Kiểm lâm Mường Lát tăng cường phối hợp với các lực lượng trong công tác BVR, PCCCR năm 2023.

Huyện Mường Lát có trên 75.330 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng trên 68.706 ha. Theo rà soát, hiện nay toàn huyện có 8.157 ha rừng có nguy cơ cháy cao, trong đó có 1.428 ha được xác định có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm tập trung ở các xã Mường Lý, Trung Lý, Pù Nhi, thị trấn Mường Lát. Tại các khu vực này, vật liệu cháy chủ yếu là cây le, lau lách, thực bì dày đã khô nỏ, cộng với thời tiết khô hanh kéo dài, trong khi đó từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa sản xuất nương rẫy và xử lý thực bì trồng rừng của người dân và cũng là thời điểm nhiều người dân vào rừng đốt ong lấy mật, khai thác lâm sản phụ. Do đó, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn là rất cao.

Ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Lát, cho biết: Trước thực trạng trên, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp BVR, PCCCR; tập trung quản lý chặt chẽ các nguy cơ gây cháy rừng, duy trì chế độ tuần tra, canh gác lửa rừng và trực chỉ huy chữa cháy rừng từ huyện đến cơ sở khi có dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, dụng cụ, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó xác định diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức quản lý chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng trên địa bàn (như đốt ong, xử lý thực bì làm nương rẫy và cháy lan từ Lào sang). Phân công lực lượng kiểm lâm phối hợp với các chủ rừng Nhà nước, các xã trọng điểm kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất nương rẫy của Nhân dân để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng làm rẫy và xử lý thực bì cháy lan vào rừng; huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần tham gia chữa cháy rừng; củng cố, kiện toàn các tổ đội xung kích BVR, PCCCR ở các xã, thị trấn và các tổ đội tại các bản; phối hợp với lực lượng BVR nước bạn Lào trong công tác BVR, PCCCR... Do làm tốt công tác BVR, PCCCR nên nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường Lát không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 77,47%.

Hiện toàn tỉnh có trên 648.370 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 42.336 ha rừng có nguy cơ cháy cao, tập trung chủ yếu ở khu vực I, gồm: 7 huyện miền núi (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân) và khu vực II gồm các huyện, thị xã trung du và đồng bằng ven biển như thị xã Nghi Sơn, các huyện Hà Trung, Đông Sơn, Thạch Thành, Hậu Lộc, Hoằng Hóa... Để chủ động BVR, PCCCR mùa nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp PCCCR. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các xã, phường, thị trấn, các đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, canh gác lửa rừng, quản lý chặt chẽ người ra vào rừng những thời điểm nguy cơ cháy rừng cao; nghiêm cấm mang lửa, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng; quản lý chặt chẽ, xử lý thực bì trồng rừng nhằm ngăn chặn hiệu quả, không để cháy lan vào rừng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã phát rừng và đốt có kiểm soát được 779,4 ha dưới tán rừng thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao; làm mới, tu sửa gần 97 km đường băng cản lửa, tập trung tại các huyện Thạch Thành, Hoằng Hóa, Hà Trung, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Lắp đặt 11 trạm camera IP có độ phân giải cao dùng để chụp ảnh các khu rừng đáp ứng yêu cầu tự động phát hiện sớm các đám cháy rừng.

Cùng với đó, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, cấp tỉnh trên 800 người, cấp huyện 3.732 người, cấp xã, chủ rừng trên 14.000 người, cấp thôn, bản 51.569 người và các phương tiện, máy móc, vật dụng chữa cháy rừng. Tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động của 1.960 tổ đội quần chúng BVR, PCCCR ở các thôn, bản; 240 đội thanh niên xung kích, 263 trung đội dân quân tự vệ tại các xã, phường... Phối hợp với hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể, lực lượng công an, biên phòng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVR, PCCCR; từng bước thực hiện xã hội hóa công tác quản lý, BVR, PCCCR. Tiếp tục phối hợp có hiệu quả với tỉnh Hủa Phăn (Lào) trong công tác BVR, PCCCR, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Do có nhiều giải pháp tích cực trong công tác BVR, PCCCR, nên từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng luôn ổn định và được giữ vững.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]