(Baothanhhoa.vn) - Nhiều di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một, đã mai một trong cộng đồng. Vấn đề đặt ra là bảo tồn bằng cách nào, và công việc bảo tồn được bắt đầu từ đâu?

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài cuối): Tạo sức sống bền vững trong cộng đồng

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một, đã mai một trong cộng đồng. Vấn đề đặt ra là bảo tồn bằng cách nào, và công việc bảo tồn được bắt đầu từ đâu?

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài cuối): Tạo sức sống bền vững trong cộng đồngTrò Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân), được biểu diễn tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Cấp bách bảo vệ những di sản có nguy cơ mai một

Vài năm trở lại đây, đã có hàng trăm lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ, chữ viết, ca dao, tục ngữ, truyện thơ đặc trưng cho các dân tộc được khôi phục và ngày càng phát huy giá trị trong đời sống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các DSVHPVT vẫn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.

Nói đến xứ Thanh, không thể không kể đến sông Mã - dòng sông mẹ linh thiêng. Tự bao đời, dòng Mã giang không chỉ cung cấp nguồn nước mát, hình thành nên những dải phù sa màu mỡ, kiến tạo xóm làng, mà còn góp phần sinh ra một “đặc sản” văn hóa - Hò sông Mã. Hò sông Mã ra đời, và từng là điệu hò không thể thiếu trong quá trình con người chinh phục thác ghềnh, cải biến dòng sông thành con đường chuyển vận ngược xuôi. Từng là một sản phẩm nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc, hò sông Mã từng được xem là “thương hiệu” của văn hóa xứ Thanh, là thứ “tài sản” của riêng vùng đất này. Nhưng, hiện nay hò sông Mã đang đứng trước nhiều trở ngại, cần được quan tâm bảo tồn, phục hồi. Trong khi, lực lượng nghệ nhân biết truyền dạy một cách bài bản và có kỹ thuật về hò sông Mã cũng không còn nhiều, mà công tác truyền dạy chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Do đó, hiện nay để có được bộ tư liệu gốc chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, giá trị và quá trình hình thành, tồn tại của hò sông Mã là rất khó. Để đưa hò sông Mã dần trở lại đời sống, huyện Hà Trung cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức nhiều lớp dạy, hò sông Mã; tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ven sông Mã, thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hò sông Mã, Dân ca và Nhạc cổ. Tuy nhiên hoạt động của CLB cũng chỉ cầm chừng do thiếu kinh phí, mỗi năm cũng chỉ đi biểu diễn ở các sự kiện trong tỉnh được vài lần.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã khai trương tuyến du lịch Ngược xuôi sông Mã tại bến thuyền Hàm Rồng để đưa điệu hò sông Mã gắn với những con đò, trở về với môi trường diễn xướng mang giá trị đích thực của nó. Song việc tổ chức khai thác, chủ yếu phục vụ du lịch gắn với di sản vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đẩy mạnh khai thác hết giá trị đích thực của di sản văn hóa cũng như có thể đẩy lên thành sản phẩm du lịch tạo thành đặc sản, điểm nhấn của du lịch Thanh Hóa.

Ngay cả với dân ca dân vũ Đông Anh ở xã Đông Khê (Đông Sơn), dù đã được khôi phục khá đầy đủ với hệ thống 12 trò diễn phong phú, đặc sắc và được xem là một hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu bậc nhất của xứ Thanh. Song trên thực tế, việc phổ biến và thực hành thường xuyên trong Nhân dân thì chỉ có một số trò dễ biểu diễn và gần gũi trong cộng đồng như trò múa đèn, trống mõ, tiên cuội, trò thiếp... Còn lại đa số các trò chỉ sử dụng khi làng có lễ hội, đình đám bởi nó mang tính kịch, rất khó tập luyện, biểu diễn và khán giả cũng rất khó để cảm thụ.

Cũng hiếm có vùng đất nào như Thọ Xuân mà chỉ nhắc đến địa danh ấy thôi cũng đủ cho người ta liên tưởng đến “kho” di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú và giàu giá trị. Đặc biệt là trò Xuân Phả (xã Xuân Trường), được ví như “viên ngọc” trong kho tàng DSVHPVT của xứ Thanh. Đến nay, sau nhiều năm được công nhận là DSVHPVT quốc gia, trò Xuân Phả ngày càng có không gian biểu diễn rộng lớn và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Hàng năm, huyện đã “mạnh tay” đầu tư kinh phí 200 triệu để cấp cho các hoạt động của trò Xuân Phả như mua sắm trang phục, đạo cụ, hoạt động biểu diễn... Đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở các lớp truyền dạy cho học sinh các trường, cấp học trên địa bàn...

Trong cuốn sách “Các dân tộc Thanh Hóa”, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Lâu nay hình như chúng ta chỉ quan tâm bảo tồn “phần ngọn”, đó là mới quan tâm đến việc sưu tầm và các thao tác khai thác, lưu giữ những vốn văn hóa còn nghe, nhìn, thấy được? Do đó, để làm tốt công tác bảo tồn trước hết chúng ta phải cùng đồng bào các dân tộc hiểu được những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình, để rồi những giá trị văn hóa đó được “sinh tồn” trong cộng đồng. Bởi vì chính cộng đồng mới sản sinh ra những giá trị văn hóa đó, và đó là môi trường thuận lợi nhất để những giá trị văn hóa ấy tồn tại và phát triển. Nếu làm được việc này, cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn được “phần gốc” của các di sản văn hóa.

Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 82/ KL-TU ngày 30-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về sự tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2025. Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt đề án và kế hoạch triển khai đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa”. Đây là chủ trương, là căn cứ quan trọng để các địa phương, đơn vị làm tốt công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...

Tạo môi trường, thêm đất diễn

Là người đã dành trọn cuộc đời cho trò Xuân Phả, NNƯT Đỗ Duy Thủy, xã Xuân Trường (Thọ Xuân), chia sẻ: Nghệ sĩ chẳng thể nào hoạt động nếu như không có “sân chơi” cho họ thể hiện, trao truyền kỹ năng nghề nghiệp. Ngành văn hóa các địa phương phải tạo “đất diễn”, phải tổ chức mở lớp, hội thi, hội diễn về nghệ thuật cổ truyền để các NNƯT luôn được hoạt động, đóng góp tài năng, công sức cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Nguyễn Cao Thiên, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoằng Hóa cho biết: Hiện huyện đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích xếp hạng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2023-2025”. Trong đó, đề ra một số giải pháp chủ yếu để bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT như: Tăng cường công tác sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ trong Nhân dân, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động như liên hoan ca - múa - nhạc dân gian, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan các CLB nghệ thuật, duy trì các trò chơi, trò diễn dân gian...

Vùng dân tộc thiểu số, trước kia người dân thường trông chờ chính sách hỗ trợ, ngân sách của nhà nước mới làm công tác bảo tồn. Những năm gần đây, phong trào bảo tồn di sản văn hóa đã dần trở thành hoạt động mang tính thường xuyên, chủ động, tích cực ở các bản, làng. Nhiều CLB, đội văn nghệ được thành lập và hoạt động hiệu quả. Hàng năm các CLB, các nghệ nhân, người dân đã gặp gỡ, giao lưu, thực hành và truyền dạy. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của các làn điệu dân ca truyền thống đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành cũng cho rằng: DSVHPVT như viên ngọc lấp lánh, đại diện cho bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi vậy, để các DSVHPVT không bị rơi vào quên lãng, hoặc đối diện với nguy cơ mai một, cần nhiều hơn nữa nguồn lực đầu tư từ nhà nước và xã hội. Có chính sách phù hợp và cơ chế hỗ trợ thỏa đáng đối với các nghệ nhân thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian truyền thống xứ Thanh. Và hơn hết, là phải tạo thêm môi trường, đất diễn cho các nghệ nhân, những người am hiểu giá trị văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Tin liên quan:
  • Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài cuối): Tạo sức sống bền vững trong cộng đồng
    Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài 2): Những thách thức cho ...

    Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) ở Thanh Hóa hết sức phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Thế nhưng “kho tàng” di sản này lại đang từng ngày đối mặt với nguy cơ hoặc đã mai một. Đây là thực trạng cần được quan tâm hiện nay.

  • Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài cuối): Tạo sức sống bền vững trong cộng đồng
    Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài 1): Kho tàng di sản quý ...

    Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định là một trong những “cái nôi di sản” của Việt Nam, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp hài hòa với sông - núi - ruộng đồng - xóm làng tựa hồ như bức tranh thủy mặc mà tạo hóa đã kỳ công sắp đặt. Hơn thế, mảnh đất này còn chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quý báu, được ví như những viên ngọc tỏa sáng lấp lánh điểm tô thêm sự đa dạng cho mảnh đất này.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]