(Baothanhhoa.vn) - Khi hoa phượng bắt đầu nở rộ những ngày giữa tháng 5, cũng là lúc học sinh cuối cấp bịn rịn chia tay nhau sau khoảng thời gian dài gắn bó trên ghế nhà trường. Bên cạnh những hoạt động tri ân tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô, hay khắc sâu tình bạn trong sáng của những tháng năm chung trường, chung lớp thì đâu đó vẫn còn còn những hình ảnh thái quá, “siêu lầy lội” gây sốc trong mắt nhiều người…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để mùa chia tay học trò không… lạc điệu

Khi hoa phượng bắt đầu nở rộ những ngày giữa tháng 5, cũng là lúc học sinh cuối cấp bịn rịn chia tay nhau sau khoảng thời gian dài gắn bó trên ghế nhà trường. Bên cạnh những hoạt động tri ân tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô, hay khắc sâu tình bạn trong sáng của những tháng năm chung trường, chung lớp thì đâu đó vẫn còn còn những hình ảnh thái quá, “siêu lầy lội” gây sốc trong mắt nhiều người…

Để mùa chia tay học trò không… lạc điệu

Lễ Trưởng thành và Tri ân được tổ chức đầy xúc động tại trường THPT DTNT tỉnh.

“Chưa xa mà đã nhớ, chân chưa đi mà lòng đã rưng rưng”

Thời gian vừa qua, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức “Ngày hội chia tay”, “Lễ trưởng thành và tri ân”, “Khi tôi 18” kết hợp lễ bế giảng năm học, có sự tham dự của các bậc phụ huynh. Trong những ngày này các trường thường tổ chức hoạt động thi đua, biểu diễn văn nghệ, dành những tấm bảng trang trọng nhất lưu những tâm sự... tạo cơ hội cho học sinh bày tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, trân trọng công sinh thành nuôi dưỡng của bố mẹ, ông bà; khắc sâu tình bạn trong sáng của những năm học chung dưới mái trường.

Buổi lễ được tiến hành trong không khí vui tươi, ấm áp; các tiết mục văn nghệ trong chương trình tập trung vào chủ đề cha mẹ, thầy cô, trường lớp và tình bạn. Các em học sinh đã có những lời phát biểu tri ân công lao của cha mẹ, thầy cô rất chân tình, đầy xúc động khiến cho nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh rưng rưng nước mắt. Ngày hội còn là dịp để thầy cô nhắc nhở, động viên học trò chuẩn bị bước vào cuộc thi, ngưỡng cửa mới của cuộc đời.

Để mùa chia tay học trò không… lạc điệu

Trước khi rời xa mái trường, để bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ, học sinh lớp 12 cúi đầu quỳ gối nói lời tri ân đấng sinh thành.

Bạn Hà Ngọc Linh, cựu học sinh trường THPT DTNT Thanh Hóa bồi hồi nhớ lại giây phút được nhà trường cử làm đại diện lên phát biểu trong Lễ chia tay cách đây 2 năm: “Khép lại 3 năm, có bao nhiêu điều khiến chúng em tiếc nuối. Vậy mà không ai bảo ai, đều lặng lẽ tiến về phía trước và tự dặn lòng mình phải mạnh mẽ hơn để vững bước chân vào đời khi phải đối diện với cuộc chia tay của chính mình. Chúng em chưa xa mà đã nhớ, chân chưa đi mà lòng đã rưng rưng”.

Mùa thi - mùa chia tay cũng là mùa trào dâng những dòng lưu bút. Ai cũng muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc tinh nghịch, vô tư của tuổi học trò trước khi bước vào cuộc sống vời vợi nhiều suy tính. Lần giở lại nhiều trang lưu bút trong phòng truyền thống của một số trường THPT sẽ bắt gặp vô vàn dòng lưu bút, nhận ra nhiều kỷ niệm đẹp đẽ, ngọt ngào của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”...

Nhiều quyển sổ lưu bút được nâng niu, dán bao nhiêu ảnh thần tượng, rồi viết profile cá nhân bằng đủ màu bút nhũ. Có lẽ nó được gửi gắm cho từng đứa trong lớp, rồi hồi hộp chờ tới lúc đứa cầm lưu bút trả lại cho mình, lật giở từng trang để xem nó đã viết những gì, nó nghĩ về mình ra sao. Mỗi trang lưu bút là cái vẫy tay trìu mến, là nụ cười của từng đứa bạn đã từng thân thiết. Mỗi dòng chữ là một kỷ niệm, một mảnh ký ức thật đẹp được lưu giữ lại trên mặt giấy, một cái gì đó chứng minh cho những tháng ngày thật trong sáng và đẹp đẽ.

Để mùa chia tay học trò không… lạc điệu

Không chỉ là những dòng lưu bút trong những trang vở, nhiều học sinh cuối cấp chọn cách đánh dấu kỷ niệm trên “chiếc áo thanh xuân"”- biểu tượng một thời tung tăng cắp sách đến trường.

Ngày xa trường - Ngày đánh dấu khép lại tuổi học trò còn là dịp để mọi người chia sẻ những khoảnh khắc “thần tiên” một đi không trở lại bao giờ bên thầy cô, bè bạn trường lớp. Thời gian gần đây, nhiều trường ở thành phố rộ lên trào lưu chụp ảnh kỷ yếu. Các dịch vụ kỷ yếu mọc lên như nấm, với giá cả đa dạng, phong phú. Nhiều lớp đã ra trường rồi, nhưng chợt nhớ ra chưa có kỷ yếu, thế là lại về trường đầu tư hẳn một bộ làm kỷ niệm...

Những “chiêu trò” lạc điệu

Theo dõi trên các trang điện tử, diễn đàn, mạng xã hội, mỗi dịp chia tay trong lễ bế giảng năm học ở các trường THPT thời gian gần đây, có không ít hình ảnh học sinh lưu lại kỷ niệm bằng cách “đụng chạm cơ thể” khiến không ít người cảm thấy giật mình. Những kỷ niệm tuổi học trò vô tình trở thành nỗi xấu hổ mỗi khi nhìn lại. Có lẽ, ai có tuổi cắp sách đến trường cũng nôn nao khi nhìn thấy những dòng lưu bút tinh nghịch trên áo trắng học trò.

Từng làm chủ nhiệm lớp 12 nhiều khóa, cô giáo Hà Thị Khuyên- trường THPT Quan Sơn đã từng gặp nhiều trường hợp hai học sinh cùng lớp có tình cảm với nhau, trường có nhà bán trú nhưng cô không cho phép các em gần gũi quá mức, luôn nhắc nhở để các bạn hiểu việc giữ khoảng cách. Theo cô Khuyên: “Không ai cấm học sinh có tình cảm với nhau, nhưng làm sao để chúng ta có tình cảm, thể hiện tình cảm không bị lạc lõng trước bản sắc văn hóa và trước đám đông là điều học sinh phải học và phải có ý thức. Việc học sinh hôn môi chia tay là không phù hợp”…

Không thể không lo lắng khi nhìn thấy các bạn nam “đụng chạm” hay ký lên những chỗ nhạy cảm của bạn nữ. Đáng buồn là, một số bạn học sinh lại coi đó nhưng một “chiến tích”, một cách chơi “ngông” độc đáo nhằm lưu giữ khoảnh khắc tuổi học trò. Dường như sự trong trắng của tuổi học trò bị “đánh cắp” bởi trò đùa nghịch có phần phản cảm và thiếu tế nhị của vài học sinh. Những hời hợt và nghịch ngợm, “chiêu trò” khiến sự trong trắng của tuổi học trò bị lạc điệu. Hành động nghịch ngợm quá mức cho thấy các em vẫn chưa thực sự hiểu được ý nghĩa của những bức hình kỷ niệm tuổi học trò. Sẽ là hơi quá đáng khi cho rằng những trò “nhất quỷ nhì ma…” thiếu suy nghĩ ấy là biểu hiện của “lỗ hổng nhân cách", nhưng đó cũng là biểu hiện của sự thiếu hụt trong việc giáo dục kỹ năng sống cho những cô cậu học trò đang bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời.

Hãy lưu giữ kỷ niệm tuổi học trò bằng những cách văn minh nhất. Có một bộ kỷ yếu được đầu tư hoành tráng, thay vì chú trọng vào giá trị vật chất của kỷ yếu. Có thể những bức ảnh chụp vui vẻ bằng điện thoại trong chuyến đi chơi của cả lớp vào cuối kỳ cũng được xem là kỷ yếu. Có thể chẳng cần concept gì lớn lao, sáng tạo, chỉ cần cứ bên nhau đơn giản là được. Bởi kỷ niệm - suy cho cùng vẫn tồn tại tốt hơn trong ký ức và những bức ảnh - clip chỉ là một phương tiện để truyền tải mà thôi. Đừng để những kỷ niệm tuổi học trò trở thành nỗi xấu hổ, trở thành miền ký ức muốn xóa bỏ mãi mãi bởi những trò đùa thiếu suy nghĩ.

Để mùa chia tay học trò không… lạc điệu

Thay vì thuê thợ chụp kỷ yếu, nhiều bạn lớp 12 trường THPT DTNT tỉnh chọn cách tự chụp cho nhau bằng những trang phục của mỗi dân tộc mình để đánh dấu khoảnh khắc khép lại tuổi học trò.

Đã đến lúc, chuyện chia tay của học trò đừng để là “chuyện nhỏ”, tự phát, khó kiểm soát. Ở đâu đó sẽ vẫn còn có những chuyện phản cảm không phù hợp với độ tuổi học sinh; chụp kỷ yếu tốn kém không đáng có, tổ chức liên hoan tại những nơi không thật sự bảo đảm an toàn tính mạng và còn ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng học tập của học sinh trước cuộc thi “ngã rẽ cuộc đời”. Thiết nghĩ ngành GD&ĐT cần có chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc các hoạt động tổng kết, chia tay học sinh cuối khóa bảo đảm an toàn trường học, lành mạnh, tiết kiệm và thực sự ý nghĩa đối với lứa tuổi học sinh.

Ngọc Huynh


Ngọc Huynh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]