Giáo dục Thanh Hóa: Thành tựu và thách thức
Những năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, qua đó đạt được nhiều thành tích nổi bật, tiếp tục khẳng định vị thế “đất học” xứ Thanh.
Giáo dục Triệu Sơn không ngừng được nâng cao trong những năm qua. (Ảnh chụp tại Trường THPT Triệu Sơn 2).
Trên con đường đổi mới giáo dục của xứ Thanh những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình giáo dục hay và hiệu quả. Những mô hình này đã và đang cùng với giáo dục tỉnh nhà hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra về phát triển giáo dục.
Trong đó việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà được các trường THPT chú trọng triển khai với những cách làm đổi mới, sáng tạo. Trường THPT Triệu Sơn 2 (huyện Triệu Sơn) năm học 2019-2020 xếp thứ 38 toàn tỉnh về chất lượng đầu vào. Sau 3 năm đào tạo, trường đã “đột phá”, tăng 30 bậc, vươn lên đứng thứ 8 toàn tỉnh về chất lượng đầu ra. Đặc biệt, trong năm học 2022–2023 vừa qua, trường giành nhiều thành tích đáng nể về chất lượng: đứng thứ 6 toàn tỉnh về chất lượng học sinh mũi nhọn; top 2 ngôi trường có nhiều bài thi đạt điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; xếp thứ 1 toàn tỉnh về điểm trung bình môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (9,56 điểm); top 10 trường THPT có điểm trung bình cao kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia... Tuy điểm đầu vào của trường không thuộc top cao, mỗi năm chỉ có từ 2 - 5 học sinh giỏi cấp tỉnh thi tuyển vào trường, nhưng 5 năm qua, trường liên tục tăng bậc chất lượng đầu ra. Trở thành điểm sáng về nâng cao chất lượng giáo dục của huyện và tỉnh.
Đạt được thành tựu này, theo thầy Hoàng Công Thịnh, hiệu trưởng nhà trường: Ban giám hiệu đã đẩy mạnh hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tích cực cải tiến phương pháp nâng cao chất lượng đại trà, đầu tư bồi dưỡng nâng cao chất lượng mũi nhọn. Xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên có năng lực bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập nâng cao cho các lớp ôn thi đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ một cách toàn diện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Tập trung chỉ đạo cán bộ, giáo viên không ngừng nghiên cứu, học hỏi, tích lũy về chuyên môn và nghiệp vụ để thực hiện đổi mới phương pháp soạn giảng, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với phương châm giáo dục “Lấy công việc làm niềm vui, là cơ sở khẳng định vị thế, lòng tự trọng trước phụ huynh và xã hội”, thầy và trò nhà trường lấy việc học làm niềm vui, khéo léo trong phương pháp truyền thụ và ôn luyện, để học sinh được phát huy tinh thần, trách nhiệm của việc tự học mà không cảm thấy gò bó, áp lực. Với tinh thần đó, trước hết mỗi thầy, cô giáo phải coi “trường như nhà, học sinh như con” mà tận tâm dạy bảo, thể hiện tâm huyết “trồng người”, đồng thời khơi dậy tinh thần được khẳng định bản thân. Từ đó, học sinh cảm nhận được sự yêu thương, nhiệt tình của thầy, cô mà nỗ lực, cố gắng học tập, để không phụ sự kỳ vọng của gia đình và nhà trường.
Nâng cao chất lượng giáo dục, các trường THPT trên địa bàn huyện Triệu Sơn đều thể hiện quyết tâm cao. Trong 10 năm qua, thành tích thi học sinh giỏi lớp 9 của huyện luôn nằm trong top 10 toàn tỉnh, có từ 2 - 3 trường THPT nằm trong top 10 của tỉnh về thi học sinh giỏi lớp 12. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023, huyện đứng đầu toàn tỉnh về số bài đạt điểm 10, trở thành địa phương đứng đầu của tỉnh về giáo dục chất lượng đại trà.
Ông Lê Đăng Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Sơn, cho biết: “Điểm nổi bật của ngành giáo dục huyện là tất cả các trường, nhất là THCS đều chú trọng đào tạo học sinh giỏi, từ đó tạo nền tảng cho chất lượng giáo dục bậc THPT. Theo đó, mỗi năm học, ngành đều xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ năm học trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng dạy học, tuyên truyền, huy động cộng đồng tham gia xây dựng, phát triển nhà trường, thực hiện tốt phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đảm bảo cơ sở vật chất, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp phòng, lớp học, xây dựng Trường THCS Triệu Thị Trinh, thị trấn Triệu Sơn trở thành trường chất lượng cao vào năm 2025”.
Sự nỗ lực của Trường THPT Triệu Sơn 2, của ngành giáo dục huyện Triệu Sơn đã phần nào phản ánh sự vươn lên mạnh mẽ của giáo dục Thanh Hóa về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà trong những năm qua. Ở cấp THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm trung bình toàn tỉnh đạt 6,47 xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố (năm 2020 xếp thứ 44, năm 2021 xếp thứ 32, năm 2022 xếp thứ 27) tăng 23 bậc so với năm 2020. Có 935 bài thi đạt điểm 10 (đứng thứ 3 toàn quốc), tổng điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học thuộc tổ hợp truyền thống từ 27 điểm trở lên luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, năm nào cũng có học sinh là thủ khoa, á khoa toàn quốc. Những con số trên thể hiện sự “bứt tốc” ngoạn mục của giáo dục Thanh Hóa trên bảng xếp hạng toàn quốc. Theo đó, giáo dục Thanh Hóa sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đại hội đề ra vào năm 2025, đứng trong top 20 tỉnh, thành về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sự bứt phá về chất lượng giáo dục THPT là một trong nhiều nội dung mà giáo dục Thanh Hóa đã và đang “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Theo đó, những năm qua giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong top đầu toàn quốc. Liên tục các năm đều có học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi Olympic quốc tế và khu vực (trong 10 năm từ 2013-2023, có 717 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 39 giải nhất, 203 giải nhì, 267 giải ba, 208 giải khuyến khích; có 20 học sinh đoạt giải quốc tế, trong đó có 7 HCV, 8 HCB, 4 HCĐ; 8 học sinh đoạt giải quốc tế khu vực, gồm 2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ và 1 Bằng khen). Đặc biệt, năm 2023 có học sinh đạt quán quân Đường lên đỉnh Olympia.
Bên cạnh những thành tựu, giáo dục Thanh Hóa đang còn nhiều thách thức. Trong đó, việc phát triển giáo dục ở huyện miền núi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế, từ đó dẫn đến sự chênh lệch chất lượng giữa các vùng miền. Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều nhất trong số các tỉnh, thành trong cả nước. Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư, trang bị nhưng nhiều nơi vẫn thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cho biết: “Trong thời gian tới, sở tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để bổ sung, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo dạy và học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học ở các cơ sở giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục”.
Vân anh
- 2024-11-03 14:29:00
Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học
- 2024-11-01 09:49:00
Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2
- 2023-11-20 07:59:00
Nâng cao vai trò, vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại
Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023
Lời chúc giá trị nhất lúc này
Ngẫm đạo thầy, trò
Lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường PTTH Quảng Xương III - THPT Chu Văn An
Trao 294 suất học bổng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thị xã Nghi Sơn
Người thầy tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”
Những dấu ấn tiêu biểu trên “đất học” xứ Thanh
Người góp phần đưa văn học đến gần hơn với học sinh
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu