(Baothanhhoa.vn) - Cùng với việc truyền đạt kiến thức theo nội dung chương trình học, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) luôn nhận được sự quan tâm của các nhà trường cũng như toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi sự lệch chuẩn về đạo đức của HS có chiều hướng gia tăng thì vấn đề này càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Cùng với việc truyền đạt kiến thức theo nội dung chương trình học, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) luôn nhận được sự quan tâm của các nhà trường cũng như toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi sự lệch chuẩn về đạo đức của HS có chiều hướng gia tăng thì vấn đề này càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Cần sự vào cuộc từ nhiều phíaHoạt động trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn).

Hiện nay, mỗi chúng ta được sống trong môi trường văn minh, hiện đại, nhưng kéo theo đó cũng có nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Trong đó, đáng lo ngại là sự lệch chuẩn về đạo đức của một bộ phận HS dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, những vụ án nghiêm trọng, những hành vi gian lận ở nhiều góc độ, sống hưởng thụ, lười lao động và học tập, thiếu ý thức rèn luyện. Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, môn Giáo dục công dân (GDCD) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho HS. Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng so với các môn học khác, thời lượng dạy học của môn GDCD lại khá khiêm tốn chỉ 1 tiết/tuần. Nội dung học vẫn nặng về lý thuyết, nhiều kiến thức mang tính triết học, hàn lâm, khô cứng. Trong khi đó, tâm lý của nhiều phụ huynh, HS thường quan niệm GDCD chỉ là môn phụ, không cần thiết mà chỉ chú tâm học Toán, Văn, ngoại ngữ. Đặc biệt một bộ phận cán bộ, giáo viên vẫn nghiêng về dạy chữ và xem nhẹ về dạy người.

Kết quả xếp loại hạnh kiểm của HS thuộc cấp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023 cho thấy, đa phần HS đều có ý thức trong học tập, rèn luyện, song vẫn còn nhiều HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu. Đáng chú ý là càng lên cấp học cao, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu lại có chiều hướng tăng. Cụ thể, ở cấp THCS toàn tỉnh có hơn 1.300 HS lớp 8 và lớp 9 xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu, chiếm tỷ lệ 1,25%, trong đó loại yếu là 0,18% (183 HS). Ở cấp THPT, tỷ lệ HS lớp 11 và 12 xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu và kém là 12,86% với trên 8.250 HS, trong đó tỷ lệ HS xếp loại yếu là 0,36% (233 HS), kém là 0,02% (10 HS).

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, số HS vi phạm nền nếp, xếp hạnh kiểm yếu, kém hằng năm thường rơi vào con em những gia đình bố mẹ đi làm xa; bố mẹ ly hôn, gia đình không hòa thuận, hạnh phúc...

Thực tế trên cũng đã dẫn đến những kết cục không như mong muốn. Các vụ, việc xảy ra có liên quan đến HS như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, có hành vi cấu thành tội phạm... đã từng xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước. Đơn cử như vụ việc cô giáo bị HS nhốt, xúc phạm, ném dép ở tỉnh Tuyên Quang diễn ra cuối tháng 11/2023. Tại tỉnh ta, năm 2023 cũng xảy ra không ít sự việc liên quan đến bạo lực học đường như trường hợp 1 HS Trường THCS Thọ Sơn (Triệu Sơn) dùng dao hành hung bạn gây thương tích; hay như trường hợp 1 nữ sinh Trường THCS Quảng Đại (TP Sầm Sơn) bị nhóm bạn đánh hội đồng trước sự chứng kiến của nhiều HS, nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, quay clip...

Câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS không phải là mới, nhưng đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 940.000 HS các cấp, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rèn luyện, hình thành lối sống có trách nhiệm và biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp; thúc đẩy hành vi mang tính tích cực, giảm bớt tỷ lệ phạm pháp. Việc làm này còn tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy, trò, sự hứng thú, tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc đổi mới cách dạy, học trong môn GDCD đến tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động về nguồn... Đặc biệt, trên cơ sở mô hình “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học cho HS”, nhiều trường học trong tỉnh đã đưa văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam hiện nay; những nguyên tắc ứng xử cơ bản trong gia đình: tôn trọng - bình đẳng - yêu thương - chia sẻ; giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục, phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội; kỹ năng lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác, góp ý, phê bình; các văn bản về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, về văn hóa ứng xử vào trong trường học. Nhiều trường còn lồng ghép các hoạt động truyền thông trong sinh hoạt đầu tuần, trong hoạt động của lớp, khối, đoàn thanh niên, đội thiếu niên; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em HS, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành như tư pháp, công an... Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong đợi, nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi.

Nhiều người cho rằng, để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đạt kết quả cao hơn nữa, bên cạnh vai trò của ngành giáo dục rất cần sự chung tay, gắn kết của gia đình, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc gắn kết giữa “ba nhà” càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của các em theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng sự hình thành giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh trong HS.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]