Giao Bộ trưởng quyết định phá đập thì phù hợp, giao cho Thủ tướng thì không
“Luật pháp cần quy định nguyên tắc để cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là đừng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Sáng 12/2, sau phiên khai mạc và lắng nghe một số tờ trình, báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (TCQH).
Phải có người quyết định
Dựa vào kinh nghiệm điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu những tình huống mà Thủ tướng và Chính phủ phải đưa ra các quyết định khác biệt. Chẳng hạn trong COVID-19, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết để làm việc vì “chết người thì không thể không làm”. Lúc đó, Quốc hội chưa họp được nên Chính phủ là cơ quan hành pháp thì phải làm ngay.
“Như bão Yagi vừa rồi, chết người như thế, mưa bão, lụt như thế thì phá đập Thác Bà hay không, có di dân hay không, bởi di dân hàng chục nghìn người trong đêm... phải có người quyết định”, Thủ tướng nói và cho rằng các quy định luật pháp phải rạch ròi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Theo Thủ tướng, trước đây Nghị quyết của Chính phủ có giá trị pháp lý. Hiện nay, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng có tính pháp lý còn Nghị quyết thì không. Dù có bù lại bằng Nghị định theo thủ tục rút gọn thì vẫn rất vướng nếu gặp phải những vấn đề cá biệt, cần xử lý ngay. Chính phủ mà ban hành văn bản không có tính pháp quy thì ai dám làm, trong khi thực tiễn thì muôn hình muôn vẻ.
Thủ tướng kể chuyện “12 ụ đất ở Tân Sơn Nhất”, ông phải “triệu tập” cả Bí thư Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Phan Văn Giang và Chính phủ ra Nghị quyết để xử lý. Vì theo Luật quản lý , sử dụng tài sản công, việc giao đất ở Tân Sơn Nhất như vậy phải đánh giá trong khi hồ sơ thì mất, tài sản thì đã khấu hao...
“Hay như tôi phải đứng trước quyết định có phá đập hồ Thác Bà hay không, rất mong manh, nước thì lên như thế...”, Thủ tướng kể.
Rồi ông phân tích: Thẩm quyền này là giao Thủ tướng cũng không phù hợp. Người quản lý đê điều là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, phá đập hay không thì giao cho bộ trưởng, chứ giao Thủ tướng tưởng quyền là to nhưng thực tiễn là không phù hợp.
“Thành ra ông Hoan (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan) cứ phải đợi tôi mà tôi đi chống bão, phải di chuyển liên tục, lúc có sóng lúc không có sóng, nên ông ấy cứ phải chờ đợi tôi. Tôi phải cử Phó Thủ tướng Lê Thành Long lên nằm tại đó, liên hệ với tôi và anh ấy phải chịu trách nhiệm trong trường hợp không liên hệ được với tôi. Tại sao lại phải qua cấp trung gian là báo cáo Thủ tướng?” Thủ tướng nói và đặt vấn đề.
Vì vậy, theo Thủ tướng, cần thiết kế luật để có không gian sáng tạo , phân cấp, phân quyền nhiều hơn, giảm được thủ tục hành chính và cá thể hóa trách nhiệm.
“Ta có họp Ủy ban, cứ ra nghị quyết Chính phủ thì tất cả chịu trách nhiệm nhưng không cá thể hóa trách nhiệm được. Đã bao giờ kỷ luật Ủy ban chưa? Chưa! Đã bao giờ kỷ luật Chính phủ chưa? Chưa! Vậy cần cá thể hóa trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ thảo luận Quốc hội sáng 12/2. Ảnh: QH
Vướng mắc thì phải sửa luật
Theo Thủ tướng, cái chính là phải phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để dễ xác định trách nhiệm. Đi cùng với đó là phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ.
“Từ thực tiễn, thấy vướng mắc thì phải sửa”, Thủ tướng khẳng định.
Sửa luật Ban hành VBQPPL lần này, Thủ tướng nói cần phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực hiện quy trình trên nguyên tắc phối hợp hiệu quả và có địa chỉ chịu trách nhiệm đến cùng.
Lấy ví dụ việc Tổng thống Donald Trump áp thuế thép, nhôm 25%, Thủ tướng nói các nước ra quyết định ngay, nếu Chính phủ Việt Nam phải lấy ý kiến các cơ quan cho phương án của mình thì sẽ chậm. Thủ tướng cho hay tại hội nghị với DN mới đây, có ý kiến cho biết họ làm đường 6 tháng là xong, còn nếu theo quy trình thì mất 3 năm. Mà nếu 3 năm thì nguồn lực của DN lãng phí thế nào?
“Có những việc cần giải quyết ngay, cấp bách tại thời điểm cần thiết, nên nghị quyết Chính phủ là rất cần thiết. Đây là bài toán thực tiễn, vướng mắc chúng ta phải tháo gỡ”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo Thủ tướng, cuộc sống và diễn biến quốc tế hiện rất nhanh, Việt Nam đã hội nhập rất sâu trong khi pháp luật thì không dự báo hết được. “Nên luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là đừng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Cần để không gian cho doanh nghiệp, người dân sáng tạo”, Thủ tướng nói.
Phải quý trọng thời gian, trí tuệ
Nhắc nguyên tắc “cái gì đã chín, đã rõ thì luật hóa, cái gì biến động thì có khung để linh hoạt, đáp ứng thực tiễn lúc cấp bách”, Thủ tướng lấy ví dụ về việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng trong các dự án xây dựng hạ tầng trọng yếu và việc mua vaccine chống dịch làm ví dụ. Thủ tướng đánh giá cao việc sáng tạo của người dân, doanh nghiệp địa phương trong các sự kiện không ai có thể hình dung, đánh giá tác động được.
Ngay như vấn đề điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt cao tốc Bắc Nam, Thủ tướng nói có quá trình nhận thức. Thực tiễn này đặt ra vấn đề về lộ trình vì không ai hình dung ra hết những biến động cá biệt từ thực tiễn.
“Làm sao để người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan đổi mới sáng tạo và bảo vệ họ, đồng thời chống tiêu cực, lãng phí. Người không vụ lợi thì cần được bảo vệ”, Thủ tướng nêu.
Nêu nguyên tắc cần phải có quy trình nhanh để ra quyết định nhanh, Thủ tướng nói thời gian, trí tuệ cần được quý trọng. Nắm chắc luật pháp, quy luật tự nhiên, tiết kiệm thời gian, phát huy trí tuệ là ba vấn đề mang tính quyết định thành công.
Đồng thời, để xử lý các vấn đề cá biệt, cấp bách thì cần phải “cá thể hóa” trách nhiệm, đi cùng với cơ chế bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đề cập đến chủ trương lớn của Đảng về “cách mạng bộ máy” để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp với tổ chức bộ máy mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: Tất nhiên bộ máy mới đi vào vận hành thì sẽ có vướng mắc, trục trặc. "Cũng như khi ta mua xe ô tô mới về có cái suôn sẻ nhưng có cái vướng cái này cái kia thì phải điều chỉnh. Thực tiễn luôn đặt ra bài toán có thể trơn tru, thuận lợi nhưng có thể có vướng mắc, khó khăn. Chúng ta phải giải quyết”- Thủ tướng nói. |
Theo PLO
{name} - {time}
-
2025-02-12 18:00:00
[Bản tin 18h] Thanh Hóa thăng hạng trong bảng xếp hạng về chuyển đổi số
-
2025-02-12 16:22:00
Bộ Chính trị chuẩn y 4 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
-
2025-02-12 16:18:00
Thanh Hóa đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2.197 căn hộ nhà ở xã hội
Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận thành phố Sầm Sơn
Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Dự kiến những nội dung chính tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
95 thanh niên huyện Như Xuân sẵn sàng lên đường nhập ngũ
Cần làm rõ hơn cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
Thạch Thành: Gần 1 nghìn người tham gia tiếp lửa truyền thống động viên tân binh lên đường nhập ngũ
Hạn chế bù đổi, loại trả công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ năm 2025
Tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia