Gian nan đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị

(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có hệ thống sản phẩm nông nghiệp đa dạng, trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và nhiều loại nông sản thiết yếu như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đều có tiềm năng cung ứng cho thị trường với khối lượng lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị và hệ thống tiêu dùng hiện đại nhằm tạo chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với người sản xuất.

Thanh Hóa có hệ thống sản phẩm nông nghiệp đa dạng, trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và nhiều loại nông sản thiết yếu như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đều có tiềm năng cung ứng cho thị trường với khối lượng lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị và hệ thống tiêu dùng hiện đại nhằm tạo chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với người sản xuất.

Gian nan đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thịCác sản phẩm mắm và nước mắm của HTX chế biến thủy sản Hải Bình chưa thể vào siêu thị vì nhiều khó khăn.

Là chủ thể sản xuất các sản phẩm chế biến từ thủy sản, HTX chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) được thị trường biết đến và đánh giá cao về các sản phẩm mắm tôm, mắm tép, nước mắm mang nhãn hiệu Vị Thanh. Hằng năm, HTX cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm các loại. Giám đốc HTX Nguyễn Thế Hoàng cho biết: Những năm qua HTX đã xây dựng và phát triển được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có 3 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. HTX mong muốn đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị nhưng còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nguyên nhân chính là nếu muốn đưa sản phẩm vào siêu thị HTX phải bảo đảm sản lượng cung cấp cho toàn bộ hệ thống. Đồng thời cam kết thực hiện các hoạt động thu mua, thanh toán chậm theo điều khoản, chính sách của đơn vị tiêu thụ. Trong khi đó, HTX không đủ tiềm lực kinh tế và nguồn vốn để hoạt động sản xuất khi lượng hàng ký gửi quá lớn. Ngoài ra, việc nhập sản phẩm vào siêu thị đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà. Giá thành sản phẩm còn bị chi phối bởi nhiều loại phí, thuế như phí mặt bằng, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ quảng cáo, bán hàng, giá kệ, đóng phí mã hàng... nên giá trị kinh tế không được như mong đợi.

Khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh các chủ thể sản xuất phần lớn vẫn là hộ dân, HTX với diện tích còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, các sản phẩm còn theo tính chất mùa vụ. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh Lương Hồng Sỹ cho biết: Như Thanh có các sản phẩm nấm hữu cơ, rau, củ, quả, thịt gà, lợn nuôi theo quy trình an toàn. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ trong hệ thống siêu thị. Một trong những yêu cầu khi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong siêu thị thì người dân cần cung ứng sản phẩm liên tục quanh năm, đảm bảo chất lượng, trong khi người dân sản xuất còn mang tính thời vụ. Do đó, thị trường tiêu thụ của bà con vẫn chủ yếu qua các kênh truyền thống. Ngoài ra, để đưa được sản phẩm nông sản tiêu thụ trong các siêu thị, người dân, HTX, doanh nghiệp cần nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý, giá thành chi phối bởi nhiều loại thuế, phí và đảm bảo các yêu cầu khắt khe về tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác...

Tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, bên cạnh những mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày thì sự đa dạng về các sản phẩm nông sản đang là “điểm hút” người tiêu dùng trong tỉnh. Hiện siêu thị có bán hơn 50 mặt hàng nông sản được sản xuất từ các HTX, vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên cả nước. Tuy nhiên, theo lý giải của bộ phận kinh doanh Công ty TNHH MTV Co.opmart Thanh Hóa, các mặt hàng nông sản được lựa chọn, kết nối để tiêu thụ tại siêu thị phải là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm, nông sản an toàn được cơ quan chuyên môn cung cấp. Hiện nay, đơn vị đã trực tiếp liên hệ, tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số mặt hàng như trứng gà của Công ty TNHH Hiền Nhuần; rau, quả an toàn của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Còn lại hầu hết các mặt hàng nông sản đều được nhập tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.100 ha đất nông nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...). Để thúc đẩy hỗ trợ đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các huyện cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua các hội nghị, hội chợ nhằm tạo sự kết nối cho các đơn vị sản xuất - tiêu thụ.

Bài và ảnh: Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

18°C - 25°C
Có mây, không mưa
  • 18°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]