(Baothanhhoa.vn) - Hoằng Hóa là một vùng đồng bằng trù phú, nơi có nhiều cánh đồng trồng màu cho năng suất, hiệu quả cao. Mùa nào thức ấy, ruộng đồng không bao giờ phụ lòng những người nông dân năng động, chịu thương, chịu khó.

Ghi ở những cánh đồng màu

Hoằng Hóa là một vùng đồng bằng trù phú, nơi có nhiều cánh đồng trồng màu cho năng suất, hiệu quả cao. Mùa nào thức ấy, ruộng đồng không bao giờ phụ lòng những người nông dân năng động, chịu thương, chịu khó.

Ghi ở những cánh đồng màu

Người dân xã Hoằng Lưu thu hoạch cà rốt trên cánh đồng sản xuất liên kết.

Trong cái rét ngọt những ngày cuối tháng 3, tôi tìm về thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến vào thời điểm người dân đang tất bật thu hoạch khoai tây. Những củ khoai tây to đều, vàng óng được phân loại vào từng túi ni lông lớn, xếp ngay ngắn trên bờ ruộng để chờ xe tải đến vận chuyển đi. Ông Lê Văn Tư, trưởng thôn Kim Sơn vừa giới thiệu về cánh đồng màu của thôn, vừa khoe: “Đây là năm thứ 5 người dân ở đây sản xuất khoai tây liên kết. Mỗi năm 3 vụ, không cho đất nghỉ, hết vụ lúa, vụ đậu tương rau rồi lại chuyển sang vụ khoai tây; mùa nào thức nấy, hệ số sử dụng đất nông nghiệp ở đây đạt đến 2,35 lần, do đó mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích”.

Ông Lê Văn Tư chia sẻ: “Một sào khoai tây có thể mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa; một sào đậu tương rau cũng cho hiệu quả gấp đôi trồng lúa. Vì vậy, có 3 hộ dân trong thôn, gồm: Lê Duy Trọng, Nguyễn Hữu Tuân, Trần Hữu Vui đã đứng ra tích tụ, tập trung đất đai với diện tích lớn để trồng khoai tây và đậu tương rau theo hình thức liên kết. Hơn chục hộ dân khác trong thôn cũng tự sản xuất trên diện tích đất của gia đình”.

Theo trưởng thôn Kim Sơn, riêng trong vụ đông và vụ đông xuân vừa rồi, cả thôn đã có 11,3ha trồng các giống khoai tây marabel, atlantic... Các hộ dân đứng ra thuê, mượn lại đất của người dân để sản xuất; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP VIETPO. Người dân cho thuê, cho mượn đất lại được thuê làm lao động thời vụ ở khâu gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch với công lao động từ 230.000 - 250.000 đồng/ngày, tùy thời điểm.

Trồng khoai tây hiện nay cũng không vất vả như trước đây, từ lên luống cho đến thu hoạch, bón phân đều sử dụng máy móc; sản phẩm làm ra cũng không còn lo được mùa mất giá mà đầu ra ổn định, doanh nghiệp đến thu mua tại ruộng nên bà con trong thôn Kim Sơn rất phấn khởi. Hơn nữa, khoai tây được trồng, chăm sóc đúng theo hướng dẫn kỹ thuật, thổ nhưỡng phù hợp, thời tiết thuận lợi nên đạt năng suất, chất lượng. “Vụ khoai tây năm nay có năng suất bình quân đạt khoảng 1,4 tấn/sào, một số giống khoai tây cho năng suất cao hơn. Giá đơn vị liên kết thu mua đợt vừa rồi là 7.500 đồng/kg. Cây trồng năng suất, đầu ra ổn định, trừ các chi phí sản xuất, người dân có thêm thu nhập từ việc bám đồng ruộng. Kim Sơn là một trong những thôn có mức thu nhập cao trong xã, thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt 77,2 triệu đồng/năm”, ông Tư cho biết thêm.

Tại xã Hoằng Lưu, những ngày tháng 3, người dân tại các thôn Phượng Ngô 1, Phượng Ngô 2, Nghĩa Lập, Phượng Khê... cũng rộn ràng thu hoạch khoai tây, cà rốt trên những cánh đồng liên kết. Người dân yên tâm vì được mùa, ổn định giá; còn đơn vị liên kết có nguồn nông sản chất lượng cung cấp cho các đơn vị chế biến xuất khẩu.

Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu, cho biết: Sản xuất các cây trồng hàng hóa theo hình thức liên kết được nhiều người dân trong xã thực hiện từ khoảng 7 - 8 năm trở lại đây. Đặc biệt, từ khi áp dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hợp đồng cam kết đầu ra cho sản phẩm, người dân hào hứng tham gia. Các hộ góp đất, cho thuê đất và trực tiếp tham gia vào các công đoạn gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch cây trồng với mức công lao động được trả ổn định/ngày. Sản xuất theo hình thức liên kết, cánh đồng lớn, mỗi ha đất trồng cây hàng hóa có thể luân phiên canh tác 3 vụ năm (trồng khoai tây, bí đỏ đến vụ lúa nếp hoặc đậu tương rau), giá trị mang lại có thể đạt 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Riêng vụ đông 2024-2025, toàn xã có 120 hộ dân liên kết với Công ty TNHH Xuân Minh trồng 20ha khoai tây, 10ha cà rốt. Công ty đứng ra tổ chức sản xuất, cung cấp giống, phân bón, các vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Phần lớn diện tích liên kết được đầu tư hệ thống tưới tự động nên cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao.

Cuộc sống ngày một hiện đại, nhiều người tìm kiếm công việc khác lợi nhuận hơn. Song, ở những miền quê, vẫn có rất nhiều người nông dân nhạy bén trong sản xuất, biến những cánh đồng màu trở nên giá trị bằng những cây trồng hàng hóa. Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn huyện có 769,5ha cây trồng liên kết theo chuỗi giá trị, tăng 340ha so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện đã xây dựng mối liên kết sản xuất bền vững, lâu dài với người dân. Đây là một trong những kết quả đáng mừng trong phát triển nông nghiệp ở các địa phương. Đi trên những cánh đồng rộn ràng mùa thu hoạch, tôi lại chợt nhớ đến những câu thơ ý nghĩa trong “Bài ca vỡ đất” của tác giả Hoàng Trung Thông: “Bàn tay lao động/ Ta gieo sự sống/ Trên từng đất khô/ Bàn tay cần cù/ Mặc dù nắng cháy/ Khoai trồng thắm rẫy/ Lúa cấy xanh rừng/ Hết khoai ta lại gieo vừng/ Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”... Vẫn những cánh đồng quen thuộc, vẫn công việc đồng áng quanh năm thường nhật, song ở một tâm thế mới, hình thức sản xuất mới, những “bờ xôi, ruộng mật” và tinh thần cần cù lao động vẫn mang đến những mùa bội thu.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]