Đồng hành cùng phụ nữ trên hành trình phát triển kinh tế
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, nguồn vốn vay của Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa luôn đồng hành cùng phụ nữ trong tỉnh trên khắp các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, kỹ năng về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, khởi sự kinh doanh...
Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói tại xưởng sản xuất của chị Cao Thị Đào được thị trường ưa chuộng.
Tên gọi Nga Sơn, dù trước hay sau sáp nhập, không chỉ là một địa danh đơn thuần mà là miền quê của những huyền thoại, truyền thuyết và vùng trồng cói nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh, đã đi vào câu ca xưa: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Theo dòng thời gian, dẫu có thăng trầm, biến động, nghề cói trên vùng đất này vẫn có nhiều tiềm năng, lợi thế và tạo ra hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Từ “cái nôi” của nghề truyền thống, gia đình chị Cao Thị Đào (30 tuổi) vốn có thâm niên làm nghề cói nhưng chủ yếu theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư nên không khai thác, tận dụng được tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có của nghề, thu nhập từ nghề không cao. Từ năm 2019, chị Đào mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa để đầu tư máy móc, thiết bị, đa dạng hóa và nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô nghề, quảng cáo và tìm kiếm thị trường... Từ các sản phẩm truyền thống làm từ nguyên liệu cói, chị Đào đã phát triển thêm nhiều mẫu mã mới, hợp với thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng như: hộp trang trí, chụp đèn, các sản phẩm trang trí nhà cửa, văn phòng từ cói...
Mỗi công nhân khi làm việc tại xưởng, xét theo năng lực, sở trường, chị Đào sẽ được giao phụ trách những công đoạn khác nhau trong quy trình sản xuất, từ công đoạn tạo khuôn, lên khung, đan theo mẫu. Tùy từng sản phẩm, người thợ có thể sử dụng các kỹ thuật đan khác nhau như: đan nong nhỏ, nong đôi, xoắn dây, đan mắt báo... Người thợ phải điều chỉnh lực tay đồng đều để sản phẩm có độ chắc chắn và đẹp mắt.
Khi sản phẩm đã đạt được hình dạng mong muốn, các sản phẩm đầu sợi cói thừa sẽ được cắt tỉa gọn gàng. Sau khi đan xong có thể quét thêm lớp keo bảo vệ, giúp tăng độ bền và khả năng chống ẩm. Một số sản phẩm được đánh bóng để tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn. Với túi xách, người thợ có thể gắn thêm dây đeo, khóa kéo, lớp lót vải bên trong. Với hộp đựng đồ, giá để đồ, có thể gắn thêm khung tre, gỗ để tăng độ cứng. Sản phẩm được kiểm tra lại để đảm bảo không có lỗi như sợi cói nguyên, màu không đồng đều, hay móp. Nếu đạt được yêu cầu, sản phẩm sẽ được đóng gói cẩn thận để tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Bởi sự tỉ mỉ, tận tâm và đầu tư trong quá trình sản xuất, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu cói tại xưởng của chị Đào ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, xưởng sản xuất đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và khoảng 200 lao động thời vụ. Chị Đào cho biết: “Việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm là một trong những bước chuyển quan trọng để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của các nghề và làng nghề truyền thống nói chung.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động, với những gì tích lũy được, chị Đào đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mở lớp dạy nghề cho người dân, nhất là lực lượng lao động trẻ và phụ nữ. Những việc làm thiết thực ấy đã góp phần nhân rộng nghề, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ngày tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, chị Cao Thị Đào không đặt ra những kỳ vọng quá lớn lao. Chị chỉ đơn giản nghĩ: “Cố gắng làm sao để gìn giữ được nghề làm cói lấy kế sinh nhai cho gia đình và góp sức bảo tồn, phát huy giá trị nghề và làng nghề truyền thống của quê hương”. Nhưng mỗi bước phát triển của chị Đào với nghề là kết quả từ biết bao nỗ lực, cố gắng, nhanh nhạy, dấn thân, không ngừng học hỏi. Bởi, với chị Đào, triết lý của thành công đến từ điều cốt lõi nhất: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.
Cũng vì thế mà ngay khi biết được thông tin Quỹ châu Á (TAF), Trung tâm phụ nữ và phát triển (CWD) triển khai Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” (AMB), với sự tham gia của 3 đối tác, gồm Tổ chức TCVM Tình Thương (TYM), TCVM Thanh Hóa và Chương trình TCVM VietED (VietED MFI), chị Đào đã ngay lập tức đăng ký trở thành học viên. Tại đây, chị được đào tạo miễn phí, cung cấp kiến thức và kỹ năng quản lý cơ bản trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính, hỗ trợ tư vấn 1-1 từ các chuyên gia.
Được biết, từ thời điểm triển khai dự án đến nay, thông qua các lớp học trực tiếp và trực tuyến, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã hỗ trợ hơn 7.400 thành viên nữ tham gia các khóa học về quản lý tài chính, marketing, phát triển doanh nghiệp..., vượt xa chỉ tiêu dự án đưa ra. Việc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ dự án không những giúp các học viên có cơ hội nâng cao năng lực quản lý mà còn là sân chơi để họ tìm hiểu và áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.
TCVM được coi là một công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo, tạo thu nhập và nâng cao mức sống cho người nghèo ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang có sự bứt phá, chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt như Việt Nam. Là 1 trong 4 tổ chức TCVM được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng kiến tạo, nâng tầm giá trị thông qua việc kết nối và lan tỏa nguồn vốn vay tín dụng đến đông đảo khách hàng là người nghèo, thu nhập thấp, tiểu thương, doanh nghiệp vi mô...
Bài và ảnh: Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2025-07-04 21:13:00
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán số
-
2025-07-04 20:14:00
Gia tăng năng lực từ nhà máy mới vận hành
-
2025-07-03 20:25:00
Xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản
Shinhan Finance: 6 năm bền vững - Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên tài chính xanh và số hóa
Bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt
Khách hàng TYM bước ra thế giới từ đồng vốn vay nhỏ
Phát triển bền vững nghề chế biến thủy, hải sản
Nâng tầm sản phẩm địa phương thành thương hiệu quốc gia
Ngành thương mại - dịch vụ nỗ lực bứt phá
Agribank đồng hành với sự nghiệp giáo dục