(Baothanhhoa.vn) - Để nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch,  những năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch cho vùng nông thôn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, có chính sách hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, miễn tiền cho thuê đất để xây dựng công trình cấp nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao người dân chưa mặn mà với nguồn nước sạch

Vì sao người dân chưa mặn mà với nguồn nước sạch

Nhà máy nước sạch xã Tiến Lộc (Hậu Lộc).

Để nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, những năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch cho vùng nông thôn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, có chính sách hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, miễn tiền cho thuê đất để xây dựng công trình cấp nước.

Ngoài ra, còn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong khu vực. Nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN lên 54,7%, trong đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 17,6%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 37,1%.

Để có một nhà máy nước sạch đi vào hoạt động, cung cấp nguồn nước sạch đến các hộ dân, chủ đầu tư thực hiện xây dựng và lắp đặt nhiều hạng mục công trình, từ giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng hệ thống cấp nước đầu mối, trạm bơm nước thô, hồ trữ lắng, khu xử lý hóa chất, hệ thống điện, trạm biến áp để vận hành cấp nước sạch, đến lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, đồng hồ đo đếm đến tận hộ dân... Vì vậy, nguồn vốn để xây dựng được công trình cấp nước sạch là không hề nhỏ. Thế nhưng, khi các công trình này đi vào hoạt động thì hiệu quả vận hành lại chưa được như kỳ vọng, bởi nhiều nơi, người dân vẫn còn chưa mặn mà với việc sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt.

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân của các xã vùng biển thuộc các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước sạch. Các công trình này đã cơ bản giải quyết được nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho người dân tại 24 xã, thị trấn của 3 huyện. Theo công suất thiết kế, sau khi đi vào hoạt động, các công trình này sẽ đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho 30.000 hộ dân. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, công suất sử dụng của các công trình nước sạch này mới chỉ đạt được 60%.

Nhà máy cung cấp nước sạch cho 7 xã của huyện Hậu Lộc được xây dựng với công suất thiết kế 7.500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, sau gần 5 năm vận hành, công suất khai thác thực tế của nhà máy là 4.701m3/ngày đêm, đạt 62,68% công suất thiết kế. Bình quân lượng nước sử dụng trên hộ chỉ đạt 8,2m3/hộ/tháng và vẫn còn 737 hộ tuy đã được đấu nối nguồn nước, song vẫn chưa sử dụng.

Công trình Nhà máy nước sạch 8 xã huyện Hoằng Hóa cũng gặp tình trạng tương tự. Nhà máy có công suất thiết kế 6.000m3/ngày đêm, với 8.896 hộ được đấu nối, song mới có 6.356 hộ sử dụng với mức tiêu thụ thấp, còn lại 2.540 hộ không sử dụng. Vì thế, công suất khai thác thực tế của nhà máy chỉ đạt 2.902m3/ngày đêm, đạt dưới 50%.

Hay tại Nhà máy nước sạch xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), mặc dù cơ sở hạ tầng và hệ thống lắng, lọc, cấp nước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hệ thống đường ống nước sạch được đấu nối đến tận từng nhà dân của xã, chất lượng nước được kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống giám sát tự động, bảo đảm tiêu chuẩn của Bộ Y tế, song công suất khai thác thực tế của nhà máy cũng chỉ đạt 63,69% so với công suất thiết kế. Hiện, vẫn còn khoảng 500 hộ dân mặc dù đã được đấu nối nguồn nước sạch, song chưa sử dụng từ khi được đấu nối đến nay. Thậm chí có thôn còn tới hơn 80% số hộ chưa sử dụng nguồn nước sạch.

Tìm hiểu tại một số hộ dân, chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế là do đa phần các hộ dân còn chưa nhận thức đúng được tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với sức khỏe, trong sinh hoạt còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước, vì vậy mức tiêu thụ nước sạch đạt thấp.

Từ khi được đấu nối nguồn nước sạch đến nay, gia đình bà Hoàng Thị Định, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) chỉ tiêu thụ trung bình 1 đến 2m3 nước sạch cho cả một tháng sinh hoạt. Bà giải thích rằng, nước giếng đào của gia đình trong, lại mát, nhiều năm nay gia đình bà vẫn sử dụng nguồn nước này mà chưa thấy có vấn đề gì về sức khỏe. Hơn nữa, còn có bể nước mưa to, lượng nước đó dư sức để gia đình bà dùng thoải mái cho tất cả mọi hoạt động sinh hoạt trong gia đình, do đó gia đình bà hạn chế sử dụng nước máy để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Được biết, không chỉ có gia đình bà mà nhiều hộ dân khác trong xóm cũng có chung quan điểm đó.

Việc người dân khu vực nông thôn không mặn mà với việc sử dụng nước sạch khá phổ biến ở hầu hết các địa phương. Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Hiện, trung tâm đang quản lý, vận hành 10 nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, chỉ có 1 Nhà máy nước sạch xã Định Tường, huyện Yên Định khai thác vượt công suất, còn lại 9 nhà máy chỉ khai thác được 50 đến hơn 60% so với công suất thiết kế. Nguyên nhân mấu chốt khiến người dân khu vực nông thôn chưa mặn mà trong việc sử dụng nguồn nước sạch trong cuộc sống sinh hoạt, là do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Đa phần các hộ còn giữ thói quen sử dụng nước giếng, nước khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn, nên nhiều hộ đã không thực hiện đấu nối.

Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, các đơn vị cung cấp dịch vụ cấp nước sạch đã và đang rà soát, lập danh sách những hộ dân chưa đấu nối, ít sử dụng nước sạch, trên cơ sở đó, tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen dùng nước giếng, nước khe suối, chuyển sang sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]