(Baothanhhoa.vn) - Ngót nghét đã gần 25 năm tôi rời xa nơi mình sinh ra - làng Bù Đồn, xã Vạn Xuân (Thường Xuân). Nhà tôi nằm kề bên dòng sông Đặt, xa xa là hang Mường, nơi gắn liền với truyền thuyết về người thiếu nữ dân tộc Thái có tên là Nàng Han.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về quê nghe mế kể truyền thuyết Nàng Han

Về quê nghe mế kể truyền thuyết Nàng Han

Trò chơi tò lẹ đang được bảo tồn, lưu giữ trong lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân (Thường Xuân). Ảnh: Hòa Bình

Ngót nghét đã gần 25 năm tôi rời xa nơi mình sinh ra - làng Bù Đồn, xã Vạn Xuân (Thường Xuân). Nhà tôi nằm kề bên dòng sông Đặt, xa xa là hang Mường, nơi gắn liền với truyền thuyết về người thiếu nữ dân tộc Thái có tên là Nàng Han.

Ngót nghét đã gần 25 năm tôi rời xa nơi mình sinh ra - làng Bù Đồn, xã Vạn Xuân (Thường Xuân). Nhà tôi nằm kề bên dòng sông Đặt, xa xa là hang Mường, nơi gắn liền với truyền thuyết về người thiếu nữ dân tộc Thái có tên là Nàng Han. Hồi còn nhỏ, vào dịp đầu năm mới, tôi vẫn thường thấy các mế, các chị trong sắc phục truyền thống và dân làng mang lễ vật vào hang Mường tế lễ, chứ không tổ chức lễ hội lớn như bây giờ. Thỏa chí tò mò, tôi và lũ bạn cùng trang lứa nhiều lần vào bên trong hang Mường. Các hình khối, nhũ đá bên trong hang đọng lại trong tôi cũng thật đơn thuần, chưa hề có những ý niệm liên quan đến truyền thuyết về Nàng Han.

Vùng “5 Xuân” trong đó có xã tôi xưa nghèo, đói lắm! Chuyện một số hộ dân trong xã phải vào rừng đào củ mài về nấu ăn thay cơm vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Giống với các xã miền sơn cước khác của tỉnh Thanh, “trở lực” lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội ở Vạn Xuân vẫn là cơ sở hạ tầng. Ngay như tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm huyện về xã Vạn Xuân hồi đó chỉ là đường đất. Trời mưa mà cuốc bộ qua được đèo làng Đòn, dốc Thủy Văn thì quả là một kỳ tích. Khó khăn đủ bề nên một thời gian khá dài lễ hội Nàng Han không được tổ chức và bị mai một. Kể từ khi có Chương trình 134, 135 của Chính phủ đầu tư “điện, đường, trường, trạm” xã tôi đổi thay nhiều lắm. Từng con suối, con sông thân quen đã có đập tràn bê tông, cầu cứng bắc qua và những ngôi nhà mái đỏ, những cột điện sáng trong đêm. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã về các thôn, làng đã được nhựa hóa, bê tông hóa và chí ít thì cũng được rải cấp phối. Với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ, của tỉnh,“vùng 5 Xuân” và nhiều địa phương miền núi tỉnh Thanh đã khoác lên mình “tấm áo mới”. “Đòn bẩy” từ cơ sở hạ tầng đi kèm với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, Nghị quyết 30a đã nâng cao đời sống người dân trong xã.

Đi liền với phát triển về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, năm 2008, bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội Nàng Han đã được phục dựng theo nguyên mẫu lễ hội truyền thống. Lễ hội Nàng Han được lấy từ tên người thiếu nữ tài giỏi có công dẹp giặc trong truyền thuyết dân gian của đồng bào Thái ở Mướng Chiếng Ván (phiên âm là Mường Chiềng Ván) xưa. Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 3 - 5 tháng giêng hàng năm. Trung tâm của lễ hội thuộc làng Lùm Nưa, nơi được xem là quê hương của Nàng Han.

Đã thành nét văn hóa truyền thống của quê hương, Xuân Kỷ Hợi 2019, cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Thái trong xã lại hân hoan, vui mừng tổ chức lễ hội Nàng Han. Trong không khí vui nhộn của lễ hội, tôi gặp lại mế Cầm Thị Đảnh. Mế năm nay đã bước sang tuổi 83 và có nhiều mùa xuân tham gia lễ hội Nàng Han. Phải lắng lại trí nhớ rất lâu, mế mới mường tượng ra tôi. Mế Đảnh được xem là người còn nhớ nguyên vẹn truyền thuyết về Nàng Han. Chậm rãi, mế Đảnh kể: “Xưa ở Mướng Chiếng Ván ta, trong một gia đình có hai chị em rất xinh đẹp. Người em có tên là Nàng Tóc Thơm, với mái tóc đen chảy dài như dòng suối. Người chị tên là Nàng Han, không chỉ đẹp người, ngoan nết, mà còn thông minh, giỏi võ nghệ, bắn cung. Mướng Chiếng Ván vốn bao gồm cả các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ ngày nay. Trung tâm của Mướng Chiếng Ván là xã Vạn Xuân, với điều kiện đất đai trù phú nên thường bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó. Cuộc sống đang yên bình bỗng chốc bị giặc bên ngoài đến cướp phá, hãm hại dân lành. Trước sự uy hiếp của quân xâm lược, Nàng Han giả trai cầm kiếm, cưỡi ngựa anh dũng chiến đấu khiến quân giặc phải khiếp sợ. Trong một trận đánh lớn, sau khi đánh tan quân giặc Nàng Han ra dòng suối mát uống nước, nào ngờ bị những tên giặc đang còn sống sót phát hiện, chúng xông tới và đòi giết nàng. Nàng Han đã anh dũng tiêu diệt giặc rồi cùng với con ngựa chiến phi thẳng lên đỉnh núi bay về trời. Nàng trở thành nữ anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc Thái Mướng Chiếng Ván và được các thế hệ dân bản tự hào kể lại cho nhau nghe”.

Hiện nay, tại làng Lùm Nưa vẫn còn những dấu tích gắn với truyền thuyết về Nàng Han. Bên trong hang Mường có nhũ đá hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, kế bên là hình voi, ngựa chiến hóa đá đứng chầu. Trên đỉnh hang Mường là khối đá hình nữ tướng ngồi trên ngựa bay về trời. Còn bên dưới chân núi là một dòng suối nhỏ, nước chảy ra có màu đỏ, tương truyền đó là máu của quân giặc. Dòng suối đó chảy vào dòng sông bên ngoài hang Mường. Sau này dân bản đặt tên cho dòng sông là sông Nhồng (tiếng Thái gọi là sông máu). Phía bên ngoài cửa hang Mường là cánh đồng Thắm nơi diễn ra các trận đánh giữa Nàng Han với quân giặc.

Lễ hội Nàng Han gồm hai phần: Phần tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ làng Lùm Nưa vào trong hang Mường để tế Nàng Han, Nàng Tóc Thơm và các thần linh cai quản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Nét đặc trưng của phần tế lễ mang đậm tín ngưỡng dân gian của đồng bào Thái xã Vạn Xuân, với quan niệm về vũ trụ và thần linh. Sau phần tế lễ, tôi cùng mế Đảnh hòa vào không khí của lễ hội diễn ra bên ngoài hang Mường trên bãi đất bằng phẳng. Mở đầu phần hội là múa cát sa hay còn gọi hát múa quanh cây hoa. Cây hoa làm thành nhiều tầng, nhiều màu sắc, là biểu tượng của cây vũ trụ, với mong ước cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Trên cây hoa gắn các hình nông cụ được đan bằng tre nứa và hình các con vật như chẫu chàng, cá, ve sầu... Cùng với hát múa xung quanh cây bông, tại lễ hội còn có diễn tấu, đánh trống chiêng, khua luống. Ngoài ra, trong lễ hội Nàng Han, nhân dân địa phương vẫn còn lưu giữ các trò chơi ném còn giữa các nam thanh, nữ tú; trò chơi tò lẹ, đẩy gậy, kéo co. Nhảy sạp - một trò diễn truyền thống cũng không thể thiếu trong lễ hội Nàng Han. Tương truyền sau mỗi lần thắng trận trở về, Nàng Han cùng nghĩa quân và dân bản lại tổ chức nhảy sạp, hát ca mừng chiến thắng. Không gian của lễ hội Nàng Han không chỉ dừng lại ở tín ngưỡng dân gian, mà còn chứa trong mình những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Hơn thế, lễ hội Nàng Han còn có ý nghĩa giáo dục các thế hệ con cháu trên quê hương Vạn Xuân về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha anh đi trước.

Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất ở xứ Thanh đều mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc riêng và lễ hội Nàng Han của đồng bào Thái xã Vạn Xuân là một ví dụ tiêu biểu. Về nơi mình sinh ra, được mế Đảnh kể cho nghe truyền thuyết dựng bản, lập mường gắn với vị nữ tướng Nàng Han, cũng như được hòa mình vào những điệu múa, tiếng trống chiêng rộn rã, trong tôi như sống lại nhiều ký ức vấn vương, đồng vọng.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]