(Baothanhhoa.vn) - Nga Sơn không chỉ là “miền cổ tích”, “miền quê huyền thoại” với câu chuyện về chàng Mai An Tiêm và sự tích dưa hấu, chuyện Từ Thức gặp tiên... Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Nga Sơn ghi đậm dấu ấn của một vùng quê cách mạng với những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu. Về Nga Sơn, âm vang trống trận Ba Đình như vẫn còn vang vọng, nhắc nhở thế hệ cháu con về truyền thống vẻ vang, hào hùng của đất và người nơi đây.

Về Nga Sơn nghe kể chuyện khởi nghĩa Ba Đình

Nga Sơn không chỉ là “miền cổ tích”, “miền quê huyền thoại” với câu chuyện về chàng Mai An Tiêm và sự tích dưa hấu, chuyện Từ Thức gặp tiên... Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Nga Sơn ghi đậm dấu ấn của một vùng quê cách mạng với những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu. Về Nga Sơn, âm vang trống trận Ba Đình như vẫn còn vang vọng, nhắc nhở thế hệ cháu con về truyền thống vẻ vang, hào hùng của đất và người nơi đây.

Về Nga Sơn nghe kể chuyện khởi nghĩa Ba Đình

Di tích lịch sử - văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình nhắc nhớ về truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của cha ông.

Sau Hiệp ước Patơnốt ở Huế ngày 6-6-1884 được ký kết giữa Pháp và An Nam, ở triều đình Huế hình thành một nhóm quan lại yêu nước tập hợp xung quanh Tôn Thất Thuyết, bí mật chuẩn bị lực lượng để hành động khi thời cơ đến. Đặc biệt, sau khi Pháp chiếm Kinh thành Huế, ngày 13-7-1885, Vua Hàm Nghi đã ra Chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu và Nhân dân cả nước đứng lên giúp vua, đánh Pháp, cứu nước. Hưởng ứng Chiếu Cần vương, nhiều sĩ phu đứng lên khởi nghĩa, phong trào diễn ra hết sức mạnh mẽ, lan rộng trên phạm vi cả nước. Tại Thanh Hóa, phong trào Cần vương chống Pháp đã thu hút đông đảo các lực lượng quần chúng Nhân dân tham gia, lan rộng khắp các vùng đồng bằng, ven biển, miền núi, hình thành nên hệ thống các làng xã chiến đấu dày đặc. Trong đó, đỉnh cao của phong trào Cần vương chống Pháp tại Thanh Hóa là cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra tại Ba Đình (Nga Sơn).

Ba Đình bao gồm 3 làng: Mỹ Khê, Mậu Thịnh và Thượng Thọ hợp thành. Với địa thế thuận lợi, đây là nơi được lựa chọn xây dựng căn cứ cho cuộc khởi nghĩa Ba Đình do các tướng lĩnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt lãnh đạo. Căn cứ Ba Đình được xây dựng dựa theo địa thế tự nhiên có các lũy tre bao bọc 3 làng, đào một hào sâu bên ngoài đắp đất. Ngay từ những ngày đầu xây dựng căn cứ, Nhân dân khắp vùng Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung chung tay góp sức. Nhân dân Ba Đình đã không quản ngại gian khó, đắp hơn 1 nghìn mét tường đất trong suốt một đêm để phân chia địa giới căn cứ. Nhân dân các huyện Hà Trung, Hậu Lộc đóng góp vật liệu. Mỗi làng góp 30 cái rọ, 100 cây tre, 10 gánh rơm. Người già, trẻ em ở Ba Đình di tản sang các làng bên; trai tráng, nữ giới ở lại tiếp sức xây công sự.

Căn cứ Ba Đình được xây dựng từ những vật liệu quen thuộc, đơn giản nhưng đã cho thấy khả năng sáng tạo, thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của quân và dân ta. Những rọ tre nhồi rơm trộn bùn được xếp trên mặt thành, lấy cột tre đóng chặt lại với nhau. Thành được đắp dày 4m, cao 3m, có chiều dài ước gần 4 km... Dọc sát chân thành đất phía trong nghĩa quân đắp một con đường đi lại thuận tiện phục vụ chiến đấu. Bản Đình - ngôi nghè chung của ba làng trở thành sở chỉ huy chung.

Tại Ba Đình, nghĩa quân có khoảng 300 người, gồm cả người Kinh, Thái và Mường, thường mở các cuộc tấn công vào đồn bốt Pháp trong khu vực hoặc tổ chức đánh chặn các đoàn xe chở binh lính và lương thực của Pháp trên đường hành quân Bắc – Nam. Trước mối nguy đó, cuối năm 1886 đầu năm 1887, Pháp tập trung một đạo quân lớn đánh vào Ba Đình do đại tá Bơrítxô chỉ huy. Với công sự kiên cố, cơ cấu tổ chức tương tối chặt chẽ và tinh thần quyết chiến, hơn 300 nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu suốt ngày đêm, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Theo đó, nghĩa quân với hơn 300 người được biên chế thành 10 cơ đội, mỗi cơ đội có 30 tráng binh do một hiệp quản phụ trách. Mỗi cơ đội gồm ba toán, mỗi toán 10 tráng binh, các cơ đội và các toán được phân công đảm nhận nhiệm vụ trên các hướng khác nhau, sẵn sàng chiến đấu hoặc chi viện khi “có biến”. Mặc dù chiến đấu quyết liệt nhưng do tương quan lực lượng quá lớn nên cuộc khởi nghĩa thất bại. Phạm Bành, Đinh Công Tráng mở đường máu về căn cứ Mã Cao (Yên Định) theo kế hoạch đã định. Sau đó, căn cứ Mã Cao cũng bị quân Pháp đánh phá, tiêu diệt.

Các cuộc khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX của phong trào Cần vương ở Thanh Hóa đều thất bại. Những thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa đều có số phận riêng, người bị tử trận, người bị giặc bắt và sát hại nhưng chính sự nổi dậy đều khắp, liên tục ở cả vùng miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển chính là biểu hiện của tinh thần, ý chí bất khuất, kiên cường, quyết tâm đánh giặc cứu nước, sự đoàn kết thống nhất giữa các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa. Điều đó đã khẳng định “tính chất đặc trưng tiêu biểu của phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa so với cả nước trong giai đoạn này”.

Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 2319/QĐ-UBND ngày 30-6-2022 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (hạng mục đền thờ các thủ lĩnh và nghĩa quân Ba Đình) huyện Nga Sơn. Quy mô đầu tư bao gồm các hạng mục: đền thờ các thủ lĩnh và nghĩa quân Ba Đình, tả vu, hữu vu, phù điêu, nghi môn nội, cầu vào trung tâm khu căn cứ, cổng trụ, hào lũy (phỏng dựng một đoạn hào lũy phía trước khu căn cứ), am hóa vàng, sân, đường nội bộ, tường rào và hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, tổng diện tích quy hoạch mặt bằng tổng thể khu đền thờ các thủ lĩnh và nghĩa quân Ba Đình là 16.538m2. Tổng mức đầu tư là 95,5 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nga Sơn (chủ đầu tư) tổ chức thực hiện quản lý dự án. Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm (2022 - 2024).

Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân nơi đây. Với tiềm năng, ý nghĩa lớn lao ấy, Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình kết nối với các di tích, danh thắng trong vùng, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.

*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 – 2020) – Những dấu ấn và thành tựu nổi bật”, 2020, NXB Thanh Hóa; “Địa chí Thanh Hóa”, tập 1 – Địa lý và Lịch sử, 1996.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]