(Baothanhhoa.vn) - Trung thu trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sẽ không có “Đêm hội trăng rằm”, “Rước đèn ông sao”, phá cỗ Trung thu, văn nghệ... Thay vào đó, để Trung thu thật sự ý nghĩa và trở nên đặc biệt, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, cộng đồng dân cư, gia đình tổ chức đón Trung thu phù hợp, bảo đảm an toàn cho trẻ em và quy định về phòng, chống dịch.

Trung thu đặc biệt

Trung thu trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sẽ không có “Đêm hội trăng rằm”, “Rước đèn ông sao”, phá cỗ Trung thu, văn nghệ... Thay vào đó, để Trung thu thật sự ý nghĩa và trở nên đặc biệt, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, cộng đồng dân cư, gia đình tổ chức đón Trung thu phù hợp, bảo đảm an toàn cho trẻ em và quy định về phòng, chống dịch.

Trung thu đặc biệtĐại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hậu Lộc, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Ngư Lộc, ban giám hiệu Trường THCS Ngư Lộc trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, tháng 9-2021. Ảnh: Mai Phương

Để mọi trẻ em trong tỉnh đón một Trung thu an toàn, ở mỗi địa phương, phường, xã hay trường học đều có cách làm phù hợp với thực tiễn. Ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Tết Trung thu thường được được tổ chức tại trung tâm văn hóa xã hoặc nhà văn hóa các thôn với hoạt động hết sức ý nghĩa, vui nhộn, như: múa lân, văn nghệ, phá cỗ Trung thu... Nhưng năm nay, địa phương không tổ chức tập trung mà dành một phần kinh phí, kết hợp với các nguồn lực vận động của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để mua quà và đến nhà trao trực tiếp cho các cháu thuộc gia đình khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt. Mới đây, ngày 13-9, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Ngư Lộc đã đồng hành cùng các mạnh thường quân trao tặng 26 suất học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi vượt khó vươn lên trong học tập nhân dịp khai giảng năm học mới và Tết Trung thu, với tổng số tiền 13 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 14065/UBND-VX ngày 13-9-2021 về việc tổ chức Tết Trung thu năm 2021 trên địa bàn tỉnh, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa không tổ chức Tết Trung thu cho các cháu tại nhà văn hóa các phố như mọi năm mà lập danh sách những cháu thuộc hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt; giao cho các đồng chí đảng ủy viên và cán bộ, công chức phụ trách tổ dân phố phối hợp với ban liên cán tổ dân phố đến tận các hộ để trao quà, tránh tập trung đông người, vừa thể hiện được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể đến các cháu mà vẫn an toàn trong phòng, chống dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân trong phường tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại gia đình và chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.

Tại Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa, cứ mỗi dịp Tết Trung thu là các mẹ, các con sinh sống tại 14 gia đình và 1 khu lưu xá lại nhộn nhịp, vui tươi, rộn ràng hơn so với những ngày thường. Tuy nhiên, năm nay để bảo đảm an toàn cho trẻ trong đại dịch COVID-19, các mẹ tổ chức Trung thu tại nhà. Vì vậy, nhà nào cũng có mâm cỗ Trung thu nho nhỏ nhưng đủ đầy hoa quả, bánh Trung thu, đèn ông sao để các con được phá cỗ Trung thu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Trung thu năm nay, sở phối hợp với các đơn vị có liên quan vận động các nguồn lực tổ các hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa, Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù Thanh Hóa; tổ chức trao tặng học bổng, xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc, miền núi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại các huyện Quan Hóa, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Mường Lát, Cẩm Thủy, Yên Định, Như Thanh, Hậu Lộc... nhằm bảo đảm cho mọi trẻ em được đón Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm, an toàn theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”...

Tết Trung thu còn được biết đến với tên gọi tết đoàn viên, tết trông trăng và được coi là ngày tết của thiếu nhi. Các em nhỏ cũng rất háo hức mong đợi ngày này để được những người thân yêu tặng những món đồ chơi Trung thu và cả gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cỗ đón “chị Hằng”, thưởng thức bánh Trung thu. Tuy nhiên, mùa Trung thu năm nay nhiều gia đình nằm trong khu phong tỏa, hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 đã chọn cách tự làm đồ chơi và làm bánh Trung thu cho con.

Gia đình chị Lê Thị Hiền ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa nằm trong khu phong tỏa do khu chị ở có người bị nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chia sẻ qua điện thoại: Những mùa Trung thu trước, do công việc bận rộn, các cửa hàng bán bánh Trung thu, đồ chơi Trung thu cũng nhiều và rất đa dạng chủng loại nên đến cận Tết Trung thu chị mới đi mua. Năm nay thì khác, thời gian nghỉ ở nhà thực hiện chống dịch, thiết nghĩ chẳng có món quà Trung thu nào cho con ý nghĩa hơn những món đồ chơi do chính tay bố mẹ làm. Vì vậy, chị đã tìm hiểu cách làm đồ chơi, làm bánh Trung thu trên mạng internet và thông qua trang bán hàng online có uy tín, chất lượng do nhóm hội mang thai và nuôi con nhỏ giới thiệu, chị đặt mua nguyên liệu làm bánh Trung thu kèm theo các dụng cụ làm bánh như: khuôn bánh, khay đựng, cán bột, nồi nướng... Vì chưa có kinh nghiệm nên dù đã xem clip hướng dẫn nhiều lần và “thực hành” vài mẻ bánh rồi mà vẫn còn có cái bị nứt, bị khô. Dù không được đẹp, hấp dẫn như bánh ngoài cửa hàng nhưng chị và các con đều rất vui vì món quà chứa chan tình yêu thương.

Tuy không nằm trong khu phong tỏa như gia đình chị Lê Thị Hiền, nhưng chị Nguyễn Thị Hòa ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa đã tham gia khóa học làm bánh trên youtube và mua một sét nguyên liệu làm bánh Trung thu với đa dạng các loại nhân kèm theo dụng cụ làm bánh tại một cửa hàng có uy tín. Đồng thời mua thêm giấy màu, bột màu... về làm đồ chơi cho các con. Chị Hòa chia sẻ: Do muốn 2 con gái của mình ngoài thời gian học bài được trải nghiệm cũng như muốn cả gia đình cùng nhau làm bánh Trung thu và các đồ chơi truyền thống như mặt nạ, đèn ông sao, tạo sự đầm ấm, vui vẻ đúng với ý nghĩa của Tết Trung thu, tết đoàn viên. Trong một khoảng thời gian nhất định, cả nhà chung tay vào làm đồ chơi, bố thì chẻ que, đan đèn ông sao, mẹ thì cắt giấy, kẻ vẽ tạo hình, các con tô màu, vừa làm vừa chuyện trò, 2 đứa trẻ cứ ríu ra ríu rít nhờ mẹ chỉ dẫn cách tô màu, rồi đua nhau khoe “thành quả”. Đến làm bánh Trung thu, các con cũng tích cực tham gia, ngoài những chiếc bánh “bắt mắt” do mẹ làm, 2 đứa trẻ cũng tự làm cho riêng mình một chiếc bánh Trung thu yêu thích với sự hào hứng, rộn rã tiếng cười vì được “thưởng thức” chiếc bánh ngon nhất do chính mình làm ra.

Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh bánh Trung thu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thì những chiếc bánh Trung thu tự làm vừa ngon, bổ, rẻ, không có chất bảo quản, vừa mang nhiều ý nghĩa đối với gia đình, con trẻ trong ngày Tết Trung thu.

Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]