(Baothanhhoa.vn) - Những lá cờ Tổ quốc rực đỏ như những đóa Trạng Nguyên nở trên các khóm nhà ven sườn núi Pha Phay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trăn trở… Yên Khương

Những lá cờ Tổ quốc rực đỏ như những đóa Trạng Nguyên nở trên các khóm nhà ven sườn núi Pha Phay.

Một góc bản Xắng Hằng hôm nay.

Lũ học trò rảo bước, tíu tít nói cười trên con đường bê tông ở bản Xắng Hằng… Diện mạo tươi mới của xã vùng biên Yên Khương (Lang Chánh) đã mang đến cho những vị khách phương xa thật nhiều cảm xúc…

Sức sống sau lũ

Chặng đường 40km từ Trung tâm huyện Lang Chánh đến xã Yên Khương gập ghềnh sỏi đá, phần do xe chở quặng, phần do hậu quả thiên tai. Hình ảnh một Yên Khương tan hoang, xơ xác của một năm trước hiện về như những thước phim quay chậm với những gương mặt thất thần trở về nhà sau bao ngày trốn lũ, nhiều ngôi nhà trơ lại nền móng, đường sá, công trình cũng trôi theo dòng nước chỉ còn cây cối, đất đá… ngổn ngang. Trận lũ kinh hoàng tháng 10-2017 từng biến vùng đất biên viễn tươi đẹp này trở nên xơ xác. Nhiều gia đình bỗng trắng tay, không nhà cửa, không tư liệu sản xuất…

Thế mà Yên Khương trước mắt tôi đây, là một bức tranh đầy màu sắc tưới mới, có màu vàng của lúa, màu xanh mướt của những cánh đồng rau đang vào mùa thu hoạch hòa cùng tiếng nói cười vui tươi của các bà, các mẹ, lũ học trò nghèo…

Một góc trung tâm xã Yên Khương hôm nay.

Chiếc xe máy đang bon bon trên đường dẫn chúng tôi tới bản Xắng Hằng bỗng khựng lại, ông Lê Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, cho hay: “Tuyến đường này đang còn nhiều điểm bị sụt lún, sạt lở do hậu quả của trận lũ lịch sử của năm trước để lại. Dù đã được cải tạo nhưng một số điểm bị dòng nước nuốt chửng đến nửa con đường nên xã đành phải chờ nguồn kinh phí đầu tư. Xắng Hằng là một trong những bản xa xôi nhất, cũng là bản hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do trận lũ lịch sử năm ngoái gây ra”.

Câu chuyện vừa dứt, cũng là lúc dãy núi Pha Phay hiện ra trước mắt. Nép vào sườn núi là những khóm nhà sàn, cũ có, mới có, rực rỡ màu cờ đỏ. Tiếp chúng tôi, Trưởng bản Xắng Hằng Lò Văn Hợp hồ hởi: “Cuộc sống của bà con giờ đây khác xưa nhiều lắm! Những năm về trước, từ đường đi lối lại, chỗ ăn chỗ ở, đến ruộng đất trồng tỉa và nơi học hành của con trẻ... nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn, vất vả. Nhưng giờ đây đường sá giờ đã được bê tông hóa, trẻ con có thể tự đạp xe đến trường. Để có được thành quả này, phải kể đến sự nỗ lực, chung ức, đồng lòng của cán bộ và bà con nhân dân trong bản. Còn tốt hơn rất nhiều nữa, nếu năm ngoái vùng đất này không phải hứng chịu trận lũ lịch sử càn qua”.

Đang kéo chiếc xe chở lúa, thấy có khách đến, bà Lò Thị Khương (56 tuổi, dân tộc Thái), đon đả: “Những tưởng sau lũ, bà con chúng tôi không thể gượng dậy được. Thế nhưng, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhờ có hiệu quả thiết thực mà Nông thôn mới (NTM) mang lại, chúng tôi không còn phải đi trên những con đường lầy lội nữa, cơ sở trường lớp khang trang, sạch đẹp, đời sống của bà con cũng khởi sắc hơn nhiều… Từ các cụ già đến các cháu nhỏ ai cũng vui mừng, phấn khởi!”.

Người dân Xắng Hằng vô cùng phấn khởi khi được thụ hưởng những hiệu quả thiết thực mà Nông thôn mới mang lại.

Trận lũ kinh hoàng của năm 2017 như muốn nuốt chửng cả bản Xắng Hằng, từ nhà cửa, ruộng vườn đến các công trình: thủy lợi, đường sá, trường học… Ấy thế mà, được sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, của các mạnh thường quân, cùng sự đồng lòng của nhân dân trong bản, chỉ sau hơn 1 năm, Xắng Hằng đã đạt 11/14 tiêu chí.

Riêng bản Xắng Hằng (được ghép lại từ 2 bản Xắng-Hằng) có 115 hộ/523 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc Thái; thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 4,34% (năm 2018). “Mục tiêu là cán đích bản NTM vào cuối năm 2018, nhưng hiện vẫn còn 3 tiêu chí: Giao thông, môi trường và thủy lợi. Nếu không có trận lũ kinh hoàng năm ngoái, Xắng Hằng đã về đích NTM rồi”, ông Khánh cho biết.

Các cháu điểm Trường mầm non Xắng Hằng trong giờ ra chơi.

Còn lắm… gian nan

Vui với Xắng Hằng, với sức vươn mạnh mẽ của Yên Khương, thế nhưng trong câu chuyện của vị Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương Lê Văn Khánh vẫn còn rất nhiều trăn trở. Ông cho biết: Dù đời sống bà con có khởi sắc, nhưng đa phần có điểm xuất phát thấp, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Cuối năm 2017, toàn xã có 37ha đất sản xuất đã bị lũ vùi lấp không thể khôi phục, nhiều hộ dân mất trắng hoàn toàn.

Hàng chục ha đất sản xuất của Yên Khương bị trận lũ năm 2017 vùi lấp không thể khắc phục.

Trong căn nhà tuềnh toàng, không có vật dụng gì đáng giá, ông Lò Văn Ảnh (50 tuổi, dân tộc Thái), bản Xắng Hằng buồn bã, cho biết: “Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, nhưng giờ lũ đã cuốn trôi hết toàn bộ đất sản xuất rồi. Không có việc làm, ai thuê gì làm nấy, hoặc vào rừng thu lượm nông sản phụ theo mùa để bán, mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000-120.000 đồng/ngày. Nhưng ngày nắng thì không sao, những hôm mưa gió đồng nghĩa với việc không có tiền đong gạo”.

Rời bản Xắng Hằng, chúng tôi đến bản Yên Bình (được ghép từ 2 bản Khon, Muỗng). Dẫn chúng tôi đi thăm bản, Trưởng bản Vi Văn Tươi, cho biết: “Cả bản có 99 hộ với 424 nhân khẩu, trong đó có 40 hộ không có đất sản xuất, thu nhập của bà con nơi đây chủ yếu từ nghề đi rừng, hầu hết họ đều thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, đời sống của bà con hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 39,3%.

Trục đường từ trung tâm xã lên bản Xắng Hằng còn nhiều điểm sạt lở do trận lũ năm 2017 vẫn chưa thể khắc phục.

Là một trong những hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh Vi Văn Sim (41 tuổi, dân tộc Thái), buồn rầu nói: “Không có đất sản xuất, không nghề nghiệp… cuộc sống của cả gia đình tôi sống phụ thuộc toàn bộ vào việc thu lượm các nông sản phụ trong rừng, như: hái rau, hái lá dong, lá chuối... Trước kia, khi lũ chưa tràn về dù thời tiết có thất thường, vụ được, vụ mất nhưng vẫn còn đỡ vất vả hơn bây giờ nhiều”.

Không riêng gì gia đình anh Sim, ông Ảnh mà đây là hoàn cảnh chung của hàng trăm hộ dân ở vùng biên giới Yên Khương. Với những người dân nơi đây, mong muốn lớn nhất của họ là được Nhà nước quan tâm cấp đất sản xuất, đất trồng rừng để có cơ hội lập nghiệp, bởi không thể trông chờ vào trợ cấp Nhà nước mãi được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Khánh, cho biết thêm: “Thiếu đất sản xuất, đời sống của bà con hết sức khó khăn. Trong khi, kinh phí khôi phục quỹ đất bị trận lũ năm ngoái vùi lấp thì rất lớn, vượt khả năng của địa phương. Người dân chỉ còn biết vào rừng thu lượm nông sản phụ theo mùa để kiếm sống. Những ngày nắng còn đỡ, những hôm mưa bão cũng là lúc họ hết tiền, hết gạo”.

Theo ông Khánh, việc Nhà nước cấp gạo hỗ trợ cho bà con lúc khó khăn là rất cần thiết và kịp thời, nhưng đây cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, người dân cần phải có việc làm và thu nhập ổn định từ phát triển sản xuất.

Trăn trở của Bí thư Đảng ủy xã theo chúng tôi suốt chặng đường rời vùng đất biên viễn Yên Khương. Cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây, rất cần những giải pháp hỗ trợ trước mắt và căn cơ.


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]