(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên cảnh báo về những yếu tố nguy hiểm dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) trên các công trường xây dựng. Song, dường như các đơn vị thi công vẫn còn khá chủ quan, chưa thực sự quan tâm tới an toàn cho người lao động nên thời gian qua ở một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tại công trường xây dựng, khiến dư luận lo ngại về công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) trong lĩnh vực này.

Thi công công trình xây dựng: Siết chặt quản lý an toàn lao động

Mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên cảnh báo về những yếu tố nguy hiểm dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) trên các công trường xây dựng. Song, dường như các đơn vị thi công vẫn còn khá chủ quan, chưa thực sự quan tâm tới an toàn cho người lao động nên thời gian qua ở một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tại công trường xây dựng, khiến dư luận lo ngại về công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) trong lĩnh vực này.

Thi công công trình xây dựng: Siết chặt quản lý an toàn lao độngTại các công trình xây dựng quy mô nhỏ, nhà ở tư nhân cũng thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Nỗi đau dai dẳng

Mặc dù đã 5 tháng trôi qua, song mỗi khi nhắc đến vụ TNLĐ xảy ra trên công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, mọi người không khỏi tiếc nuối vì sự ra đi của chàng trai có tuổi đời còn rất trẻ lại là trụ cột kinh tế của gia đình.

Sự việc xảy ra vào khoảng 16 giờ ngày 30-9-2022, tại công trình cầu Mỹ Thuận 2, trong lúc làm việc tại sàn công tác được lắp đặt tại bệ trụ tháp của cầu (cách mặt nước khoảng 1,5m), 3 công nhân bất ngờ rơi xuống sông. Trong đó, 2 người đã được kịp thời cứu lên an toàn. Một công nhân là anh T.T.C. (29 tuổi, ngụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế) do không biết bơi nên bị nước cuốn trôi và tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do sàn công tác không đủ độ chắc chắn nên bị sập, làm 3 công nhân rơi xuống sông.

Hay vào trưa ngày 31-12-2022, 4 cháu bé vào khu vực đang thi công công trình cầu Kênh Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nhặt phế liệu. Bất ngờ, cậu bé T.L.H.N. (SN 2012) rơi xuống cọc bê tông rỗng có đường kính 25cm. Mặc dù chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã tập trung toàn lực để hoàn thành việc cứu nạn cháu, nhưng sau 21 ngày đêm, lực lượng cứu nạn, cứu hộ mới đưa được thi thể cháu ra ngoài. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đây là vụ tai nạn vô cùng đáng tiếc, hy hữu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Vào ngày 6-12-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã xảy ra 1 trường hợp TNLĐ tại Dự án khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn do công nhân lái máy đã lắp gầu xúc không đúng dẫn đến rơi gầu trong quá trình thi công làm chết 1 người.

Ngoài những vụ TNLĐ trên các công trường xây dựng quy mô lớn vẫn có những vụ tai nạn trên các công trình xây dựng quy mô nhỏ, nhà ở tư nhân. Đơn cử như vào sáng ngày 26-10-2022, tại công trình xây dựng nhà ở của gia đình anh Đỗ Đức Mạnh, ở thôn Tân Minh, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, khi bà Đ.T.G. (SN 1962) là thợ hồ cùng nhóm thợ tiến hành đổ cột bê tông tại tầng 3 thì bất ngờ bị 1 cột bê tông gần đó đổ ập vào người. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng bà G. đã tử vong ngay sau đó.

Hay ngày 8-11-2022, tại một công trình xây dựng nhà ở của một hộ dân trên đường Hồ Ngọc Lân, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, một nhóm thợ đang đổ bê tông trần tầng 1 ngôi nhà thì bất ngờ giàn giáo bị sập, khiến một công nhân tử vong và một người khác bị thương. Điều này cho thấy, nguy cơ mất ATLĐ tại các công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ nếu đơn vị thi công, nhà thầu, người lao động không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATLĐ sẽ để lại nỗi đau dai dẳng không gì bù đắp nổi trong mỗi gia đình.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi về những nguyên nhân dẫn đến những vụ TNLĐ thương tâm trên các công trường xây dựng, ông Lê Trần Thọ, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết: Có 2 yếu tố chính dẫn đến những nguy hiểm trên công trường xây dựng hiện nay, đó là yếu tố khách quan hi hữu xảy ra và yếu tố chủ quan trong quá trình thi công do một số nhà thầu thi công chưa chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chấp hành chưa tốt các nội quy, quy định về ATVSLĐ; chưa tổ chức cho người lao động tham gia các khóa huấn luyện ATLĐ, trang bị và sử dụng phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động chưa đầy đủ; không mua bảo hiểm cho người lao động; việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn chưa được tập huấn hoặc sử dụng vận hành chưa thành thạo; chưa xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, ứng phó với những nguy cơ mất an toàn trên công trường. Việc chấp hành quản lý, sử dụng các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thiết bị chưa tuân thủ quy định về kiểm định an toàn thiết bị, hồ sơ kiểm định và dán tem kiểm định chưa được quan tâm... Chưa bố trí bộ phận sơ cứu chăm sóc, bảo vệ ngay tại vị trí và thời điểm xảy ra tai nạn, bị bệnh nghề nghiệp... Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến TNLĐ là do người lao động thiếu kiến thức về ATLĐ hoặc chủ quan, không thực hiện các quy định về ATLĐ, chưa nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường.

Kiên quyết tạm dừng thi công những công trình vi phạm

Ông Lê Trần Thọ cho biết thêm, để bảo đảm ATLĐ trên các công trường xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Sở Xây dựng đều ban hành các văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng các công trình xây dựng. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, ATLĐ trong xây dựng chuyên ngành, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy trình, quy phạm, công nghệ xây dựng tiên tiến, áp dụng vật liệu mới trong thiết kế, thi công các công trình xây dựng cho các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc đầy đủ trách nhiệm, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ban quản lý dự án thường xuyên nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý; nâng cao năng lực trong tổ chức thực hiện dự án. Lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có đủ năng lực phù hợp với quy mô, loại, cấp công trình để thực hiện dự án. Tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để theo dõi, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình, ATLĐ. Cùng với đó, tổ chức giám sát, kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ; các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất ATLĐ cao đã được xác định trong kế hoạch tổng hợp về an toàn của các nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Đối với các nhà thầu thi công xây dựng công trình, Sở Xây dựng đề nghị nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 2-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 63/BXD-GĐ ngày 6-1-2023 của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng các công trình trên địa bàn và các thông tư của Bộ Xây dựng quy định về quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Sở cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác quản lý ATLĐ trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; kiên quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện tại công trình, công trường xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng theo quy định pháp luật; đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý ATLĐ làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố gây mất ATLĐ...

Tính riêng năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, Phòng Quản lý chất lượng xây dựng đã kiểm tra trên 250 dự án, công trình xây dựng và trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra các nội dung chuyên ngành về ATLĐ, ATVSLĐ. Các lỗi vi phạm chủ yếu là việc thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn và các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất ATLĐ cao, chưa cụ thể, chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ sử dụng trong thi công xây dựng công trình; chưa giám sát, yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ TNLĐ tại nơi sản xuất, làm 18 người tử vong, giảm 13 vụ và giảm 12 người tử vong so với năm 2021. Trong đó có 11 vụ do nguyên nhân từ người sử dụng lao động (không bố trí thiết bị an toàn cho người lao động hoặc thiết bị không đảm bảo quy chuẩn an toàn; huấn luyện ATVSLĐ chưa đầy đủ; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn...); 6 vụ do nguyên nhân từ người lao động (vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân...); 1 vụ do nguyên nhân khách quan khác. Các ngành, lĩnh vực xảy ra TNLĐ gồm: sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng; xây lắp, xây dựng dân dụng. Tổng chi phí bồi thường/trợ cấp, chăm sóc, điều trị y tế, trả lương cho người lao động trong thời gian điều trị mà người sử dụng lao động đã chi trả là 6,7 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]