(Baothanhhoa.vn) - Hai bạn trẻ thuộc "thế hệ Z" xuống thành phố từ cùng một đỉnh núi nhưng theo những "con đường" khác nhau với những mục tiêu khác nhau. Họ gặp ở đó những cơ hội và thách thức, những người tốt và xấu.

“Thế hệ Z” người Mông xuống phố

Hai bạn trẻ thuộc “thế hệ Z” xuống thành phố từ cùng một đỉnh núi nhưng theo những “con đường” khác nhau với những mục tiêu khác nhau. Họ gặp ở đó những cơ hội và thách thức, những người tốt và xấu.

“Thế hệ Z” người Mông xuống phốCuộc sống trên bản của Thao Đắc Di.

Xuống núi “bắt cái tương lai”

Một buổi sáng mùa thu, Thao Đắc Di, sinh năm 2002, sinh viên Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa, xuống núi vào sáng sớm. Ngoái lại nhìn căn nhà gỗ chênh vênh bên sườn núi, chàng sinh viên đi bộ men theo đường mòn duy nhất từ bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, xuống đường lớn bắt xe mà lòng thoáng chút bâng khuâng.

Ở bản Kéo Hượn, thanh thiếu niên “thế hệ Z” - “gen Z” (chỉ những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012) có chưa đến 100 người. Đa phần họ học hết cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ rời bản đi làm ở thành phố một thời gian. Sau khi tích cóp được chút tài sản có giá trị như xe máy, con trâu,... thì về quê lấy vợ, lấy chồng. Tùy theo nhu cầu cuộc sống, khi cần tiền họ lại rời bản đi làm thuê. Đây là điểm khác biệt với thế hệ 8X trở về trước ở Kéo Hượn. Thế hệ cha chú của họ là những “người cũ”, cả đời chỉ quanh quẩn với bắp ngô trên nương hay con gà thả sau vườn, loay hoay trong vòng sản xuất tự cung - tự cấp với mong ước “chất được bao thóc đầy nhà”. “Người ngã xuống, người đứng lên, vòng đời mãi như vậy, quanh quẩn mãi chả biết xã hội bên ngoài phát triển đến đâu, dù có biết cũng chẳng theo kịp được”, Di đã nói như vậy về “người cũ” ở bản.

Chuyện của Di có chút phức tạp hơn các thanh niên khác ở bản. Di là một trong những tấm gương về sự “học hành đến nơi đến chốn” của thanh niên Kéo Hượn, là niềm tự hào của cha mẹ và người thân, là nơi gửi gắm kỳ vọng “ngẩng mặt với đời”. Tuy vậy, con đường học hành của sinh viên nghèo vùng cao chưa bao giờ là điều dễ dàng. Di kể, lên bậc THCS, Di đỗ trường nội trú của huyện. Đi bộ từ 7 giờ sáng thì trưa mới đến nơi. Một nửa trong số đó là đường cấp phối đi như xóc ốc, một nửa còn lại là đường mòn, đường đất uốn lượn, quanh co liên tiếp ổ trâu, ổ gà. Khủng khiếp hơn cả là con đường từ chân núi lên nhà Di. Mùa mưa, xe cộ không thể đi lại, ai muốn vượt qua đều phải đi bộ. Vì thế, mỗi tháng Di chỉ về thăm nhà một lần. Lên THPT, Di học ở Trường Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc. Đi xe khách cũng hết nửa ngày nên chỉ vào dịp lễ, tết, nghỉ hè Di mới về.

“Thế hệ Z” người Mông xuống phốThao Đắc Di luôn cố gắng học tập và rèn luyện để có một tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng đó chưa phải là hành trình xa nhất của Thao Đắc Di. Năm 18 tuổi, cậu là thanh niên hiếm hoi ở Kéo Hượn xuống thành phố học. Ngày Di nhập trường, bố bán đi con trâu, cho cậu 5 triệu đồng. Bố Di nói đại ý bằng tiếng Mông rằng: “Mình nghèo rồi thì phải cho con đi học, để sau này nó đỡ nghèo. Nó không nghèo như mình”. Năm ấy đưa con xuống nhập trường, bố Di mừng lắm. “Học đại học sẽ ngẩng được cái đầu lên”, ông nghĩ vậy. Lúc chia tay, bố Di giao “gia tài” lại cho con, bớt lại 200.000 đồng làm lộ phí về bản. Di nhớ lúc lên xe mắt bố hơi đỏ. “Bố khóc, không biết do cảm động vì lần đầu tiên con đi xa đến thế, hay vì... sợ lạc đường”. Về mặt địa lý, khoảng cách từ Kéo Hượn xuống thành phố chỉ hơn 200 cây số, nhưng “khoảng cách thật sự” mà bố con Di phải vượt qua lớn hơn thế rất nhiều.

Trong cộng đồng người dân tộc Mông, việc đi học, đến việc học lên cao, học ở xa với bé nam đã là điều khó khăn thì với một đứa bé gái lại càng vất vả hơn gấp vạn. Con gái người Mông đến tuổi thì phải lấy chồng. Đó là lý do nhiều bạn học của Lâu Mai Hoa, sinh năm 2002, bản Pù Toong, xã Pù Nhi, chỉ học đến lớp 6, lớp 7 đã nghỉ học để làm vợ, làm mẹ. Hoa thì khác, từ nhỏ cô gái “gen Z” này đã học rất giỏi với ước mơ con chữ sẽ giúp mình bước chân ra khỏi bản làng để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. “Lớp tuổi của em, đặc biệt là bạn gái hầu như chẳng có bạn nào chịu kiên trì để học hết lớp 12, chứ đừng nói là đi học đại học. Nhưng em thấy cuộc sống của bà con mình quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì cực khổ quá, chỉ có đi học lên cao, mới có cơ hội thoát nghèo, mới có tương lai tươi sáng hơn. Vậy nên, mặc dù bạn bè đồng trang lứa dần dần lập gia đình hết, em vẫn luôn tin vào sự lựa chọn của bản thân”, Hoa tâm sự.

Cũng nhờ có sự kiên định, mà cô gái nhỏ nhắn Lâu Mai Hoa bền bỉ đi học. Hết lớp 9, Hoa trúng tuyển và một mình vượt “cổng trời”, xuống Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh để học. Những dịp nghỉ hè hay lễ, tết, Hoa bắt xe khách về thăm nhà. Hoa tâm sự, những ngày đầu đi học nội trú thật khó khăn vì nhớ nhà, lại chưa quen bạn bè, thầy cô, em mang cảm giác bị kỳ thị suốt những năm tháng đi học. Cô gái người Mông nói tiếng Việt mang theo âm sắc tiếng Mông. “Cứ đứng dậy nói là các bạn cười; nhiều khi mình nói đúng chúng nó vẫn cười, em chẳng hiểu tại sao”, Hoa cười và nhớ về thời đi học phổ thông. Xa nhà từ nhỏ nên Hoa phải học cách tự lo liệu cuộc sống, chi tiêu, nhiều khi nhìn thúng xôi bốc khói của bà bán xôi sáng trước cổng trường khiến Hoa xốn xang, nhưng hầu như em phải cố nhịn vì không có tiền mua. Nhưng cô bé ấy chỉ đủ sức chiến thắng cái nghèo và cái đói, em không thắng nổi cảm giác lạc lõng.

4 năm trước hay ngay cả bây giờ, trong con mắt của những đứa trẻ vùng cao như Hoa và Di, chẳng biết đến nghề nghiệp gì ngoài giáo viên và bác sĩ. Vì thế không lạ khi Hoa cũng như bao người trở thành sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Hồng Đức, sau khi tốt nghiệp THPT. “Thú thực, khi ấy, chúng em vốn vẫn chưa biết đến những ngành nghề “hot” liên quan đến lĩnh vực kinh tế như bây giờ. Em muốn làm giáo viên để dạy trẻ con Mông biết yêu quê hương, biết làm giàu cho bản làng. Em thương nhiều đứa trẻ người Mông đã không vượt qua được những rào cản, để rồi bỏ học và sống mãi trong nghèo đói và thất học”, Hoa tâm sự.

Phía trước là bầu trời

Trải qua 2 năm học bập bõm “online” vì dịch bệnh, nay thì mỗi sáng Di đi lâm sàng ở phòng khám Cao đẳng Y Thanh Hóa, chiều đến lại vào giảng đường. Thân hình đã không còn nhỏ thó như mấy năm về trước. Khoác lên mình chiếc blouse trắng, chàng trai người Mông nom chững chạc và tự tin hơn. Nhưng cậu còn đang mắc ở “cửa ải” cuối cùng là chứng chỉ tiếng Anh. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều quy định chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp cho sinh viên. Muốn vượt qua kỳ thi tiếng Anh, Di phải đi học. Muốn đi học, phải có tiền. Những công việc làm thuê trước đây của cậu như hái quả, chặt cây,... chỉ mang tính thời vụ, chẳng kiếm được bao nhiêu.

Những đêm nằm trong căn nhà trọ khoảng 10 mét vuông gần trường, Di không ngủ được. Cậu nghĩ đến tiền sinh hoạt mấy năm nay. Trong đó có bóng dáng con trâu của bố, có ngày công lao động của các anh chị. Di đau đáu về một công việc “cho xứng” với những năm ăn học, công việc để có thể “ngẩng cái đầu lên”. Ở bản, Di có thể là ngôi sao sáng, nhưng ngôi sao đó đặt trong một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt có ưu thế gì để tỏa sáng. Ngoại ngữ? Kỹ năng mềm? Hỗ trợ tài chính từ gia đình? Quan hệ xã hội? Với Di, trở ngại lớn nhất của cậu khi tìm việc là gì? Bỏ qua sự may rủi của số phận, câu hỏi đặt ra là liệu Di đã nỗ lực tìm kiếm những cơ hội xung quanh mình? Ở các trường đại học, cao đẳng, hàng năm đều tổ chức những ngày hội hướng nghiệp và thường xuyên kết nối thông tin tuyển dụng của các đơn vị tuyển dụng tới sinh viên. Hỏi Di đã tham gia lần nào chưa, cậu tự tin chia sẻ: “Em biết rõ vị trí của mình ở đâu và bản thân phải nỗ lực như thế nào để có một tương lai tươi sáng hơn. Vì thế, em xem mỗi ngày hội hướng nghiệp là cơ hội dành cho mình. Tuy đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả đáng kể nhưng em sẽ cố gắng hết sức”.

“Thế hệ Z” người Mông xuống phốHoa hiện là cô giáo dạy trẻ tại Trung tâm giáo dục hòa nhập An Phương.

Di bày tỏ sau này ra trường nếu may mắn được ở lại thành phố làm việc, có cơ sở vật chất, máy móc và được làm cùng người giỏi thì tốt, nhưng nếu không thể ở đây Di sẽ xin về huyện làm việc. Như vậy sẽ giúp đỡ được người dân ở quê mình, giúp đỡ những người từng giúp đỡ mình và gia đình.

Cũng như Di, Hoa chuẩn bị kế hoạch cho tương lai từ rất sớm. Ngay khi tốt nghiệp, cô gái trẻ đã xin dạy hợp đồng cho một trường tư thục dưới thành phố để lấy kinh nghiệm thay vì về quê đợi gia đình sắp xếp công việc. Trong quá trình làm việc, Hoa tiếp xúc với một vài em bé “đặc biệt”, đồng thời Hoa cũng biết ở quê cũng có những em bé như vậy, đến tuổi học mẫu giáo hoặc tiểu học, nhưng thay vì đến trường thì các em lại thu mình chơi ở nhà, không biết giao tiếp và nói chuyện với người thân. Thậm chí, có em vì không có ai trông nom mà bỏ nhà đi lang thang, không ý thức được sự nguy hiểm xung quanh mình... Khi ấy, Hoa đã tìm hiểu xem vì sao các em lại có những hành vi như vậy và được biết đó là biểu hiện của hội chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ... Căn bệnh này cần chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách mới có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng và cải thiện kỹ năng của trẻ tự kỷ. Tuy nhiên ở vùng cao, đặc biệt là Mường Lát không có trường lớp dạy cho những trẻ em bị như vậy, ngay cả người thân của các em còn không biết các em bị bệnh gì, hàng xóm và bạn bè cùng trang lứa các em thì có thái độ kì thị, xa lánh và không muốn tiếp xúc với các em. Hoa chia sẻ: “Mường Lát giờ là vùng sâu, vùng xa, phát triển chậm so với các huyện dưới xuôi. Nhưng, 5 năm, 10 năm nữa, Mường Lát sẽ có những gì thành phố bây giờ đang có. Căn bệnh này cũng không ngoại lệ”.

Suy nghĩ đi trước đón đầu là động lực để cô gái trẻ xin nghỉ làm ở cơ quan cũ và thử thách ở môi trường mới, chuyên biệt hơn. Quyết định này đã vấp phải nhiều lời phản đối từ gia đình, bạn bè và cho đó là sai lầm bởi ngành giáo dục đặc biệt vẫn còn lạ lẫm, đặc biệt là trong cộng đồng người dân tộc Mông, thậm chí mẹ Hoa còn nói rằng: “Con học cái ngành ấy thì biết dạy ai và dạy cái gì? Mẹ không thấy có trường nào dạy những trẻ như thế”, Hoa tâm sự.

Khi làm việc, càng tiếp xúc, tìm hiểu và nghiên cứu Hoa càng nhận ra rằng giáo dục đặc biệt là một lĩnh vực mới mẻ mang đầy tính nhân văn. “Chúng em tiếp xúc, tìm hiểu và can thiệp cho những trẻ có nhu cầu đặc biệt như: Trẻ mắc hội chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động... Từ đó em đã biết được rằng những em bé này rất cần được yêu thương, quan tâm, thấu hiểu và hơn hết cần có môi trường chăm sóc, giáo dục đặc biệt, phù hợp với khả năng, nhu cầu của từng em. Điều quan trọng nhất, những người như chúng em sẽ giúp cho xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về trẻ đặc biệt, đón nhận và giúp đỡ các em giống như mọi trẻ em bình thường khác”, Hoa chia sẻ.

Hoa dự định sẽ đi làm một thời gian sau đó học liên thông chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt để bổ sung kiến thức cao hơn trong công việc. 5 năm, 10 năm sau khi có đủ vốn liếng, em sẽ về quê hương Mường Lát mở lớp, trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất dạy các em không may mắc chứng này, vừa để giúp các em không phải đi lại vất vả, vừa là cơ hội để những đứa trẻ được chăm sóc giáo dục đặc biệt.

Học hỏi không ngừng, dám thử nghiệm, dám thay đổi. Đó là điều chàng trai, cô gái người Mông “gen Z” luôn tâm đắc và nhắc nhở lớp thanh niên phải ước mơ. Hoa và Di cảm nhận được sự chuyển động tích cực trong đời sống thôn bản quê mình khi mọi người phấn khởi tham gia lao động, sản xuất. Những tệ nạn, tập tục xấu dần thu hẹp lại cho những khởi sắc tươi mới hơn.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]