(Baothanhhoa.vn) - Tết đang đến gần cũng là lúc mọi người chuẩn bị hành trang về sum vầy cùng gia đình, bạn bè, người thân. Thế nhưng đâu đó trong sương khói của “đại ngàn” vẫn còn có những con người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho những cánh rừng. Với họ, tết cũng gắn với rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết của những người giữ rừng

Tết của những người giữ rừng

Tết đối với mọi nhà là giây phút đoàn tụ nhưng đối với các cán bộ kiểm lâm là thời điểm căng thẳng bảo vệ rừng.

Tết đang đến gần cũng là lúc mọi người chuẩn bị hành trang về sum vầy cùng gia đình, bạn bè, người thân. Thế nhưng đâu đó trong sương khói của “đại ngàn” vẫn còn có những con người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho những cánh rừng. Với họ, tết cũng gắn với rừng.

Túc trực 24/24h

Những ngày cận tết, tiết trời nắng ráo, khô hanh, cây đào bên cạnh nhà Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã hé nụ, nhưng không khí nơi đây vẫn tĩnh mịch lạ thường. Quá giờ cơm trưa, một nhóm cán bộ kiểm lâm quần áo lấm lem bùn đất, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi từ ngoài cổng vào í ới gọi nhau đi ăn cơm. Nhìn các đồng nghiệp anh Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói: “Họ là những chiến sĩ vừa đi làm nhiệm vụ trở về. Xuân về, nhà nhà nghỉ tết nhưng chưa chắc lâm tặc đã nghỉ tết đâu nhé”.

Một lát sau, từ trong phòng, anh Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khệ nệ ôm từ trong phòng ra một túi quà lớn, trong đó có bánh mứt, nước ngọt với đôi chiếc bánh chưng. Anh bảo, quà để anh em đón tết trong rừng. Ngoài phần quà trên, mỗi trạm còn được nhận gần 2 triệu đồng tiền mặt để anh em mua thêm thịt, trứng cải thiện bữa ăn. Và để động viên tinh thần anh em giữ rừng, lãnh đạo ban sẽ trực tiếp đến từng trạm bảo vệ rừng thăm hỏi, chúc mừng năm mới để anh em bớt tủi thân.

Tết của những người giữ rừng

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phú Lệ (Quan Hóa) Hà Văn Đặng và các đồng nghiệp nghỉ giải lao trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Tăng Thúy

Theo lời anh Hùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là một kho tàng đa dạng hệ sinh thái rừng với nhiều động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là rừng gỗ nghiến tập trung. Nó luôn là “miếng mồi béo bở” của các đối tượng xấu. Trong những năm qua, khu rừng này thường xuyên bị “lâm tặc” tấn công, lực lượng chức năng luôn trong tình trạng báo động. Đặc điểm của rừng đặc dụng là núi đá liền kề, trùng trùng, điệp điệp, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc cao nên di chuyển rất khó khăn, với hàng trăm đường mòn ngang dọc trên rừng. Bao bọc các khu rừng đặc dụng là hệ thống giao thông giăng mắc, ngày càng được nâng cấp hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng thuận lợi cho “lâm tặc”. Một đặc điểm nữa bao quanh các khu rừng đặc dụng là hàng chục nghìn hộ đồng bào sinh sống, họ còn nghèo khó, trình độ dân trí chưa cao, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Cuộc sống phải dựa rất nhiều vào rừng như phát nương làm rẫy, khai thác thu hái lâm sản và các sản phẩm tận thu từ rừng. Việc khai thác gỗ nghiến làm nhà và làm thớt bán mang lại lợi nhuận rất cao nên không tránh khỏi bà con bị bọn đầu nậu lôi kéo dẫn đến khai thác rừng trái phép... Chính vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã chủ động xây dựng kế hoạch trực tuần tra, kiểm soát 24/24h những khu vực trọng yếu. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm thay vì quây quần, sum họp bên gia đình thì đã trực 100% quân số, thể hiện được quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Vì thế, ngay giữa tháng Chạp, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã ngồi lại với nhau để sắp xếp, “chốt” lịch trực trong ngày tết. “Nói đúng hơn đó là một cuộc họp của ban quản lý. Nhưng khác cái là, trong cuộc họp không có chuyện phân công hay bắt buộc trực ngày này, ngày kia mà anh em đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Trong đó, ưu tiên ngày 30, mùng 1 tết cho những anh em có con nhỏ, gia đình ở xa nghỉ đón tết” - anh Hùng bộc bạch.

Gần 30 năm gắn bó với nghề giữ rừng cũng là chừng ấy thời gian anh chưa có một cái tết trọn vẹn. Trong dịp tết này, anh Hùng cùng một số cán bộ “đăng ký” trực ngày 30 và mùng 1 vì lý do... con cái đã lớn. “Mình là đầu tàu nên phải gương mẫu, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho anh em” - anh Hùng khẳng định.

Đón tết trong rừng

Ngày cuối năm, thay vì cùng ăn bữa cơm tất niên họp mặt bên gia đình, thì các chiến sĩ Trạm Kiểm lâm Phú Lệ, ở xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa vẫn đang trực trên rừng. 3 người ngồi quanh mâm cơm đạm bạc với cá khô, thịt kho và rau luộc. Trạm trưởng Hà Văn Đặng chia sẻ: “Ngày tết người dân và những kẻ phá rừng thường nghĩ ai cũng lo nghỉ ngơi sau một năm mệt nhọc nên sẽ lơ là việc canh gác bảo vệ rừng, vì vậy mà các đối tượng xấu thường xuyên nhằm vào những ngày này tổ chức người xâm nhập vào rừng để săn bắt, khai thác gỗ. Bởi thế càng vào tết, công việc của chúng tôi lại càng vất vả”.

Hơn 20 năm gắn bó với rừng, cùng anh em hành quân vượt đồi cao, suối sâu tuần tra khắp các cánh rừng, không có chỗ nào mà anh Đặng chưa tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào mà anh không trải qua. Nhưng, khoảnh khắc khi tết đến, xuân về cũng khiến trái tim người đàn ông này chộn rộn. Anh Đặng tâm sự: “Nói thật, mỗi khi tết đến cũng chạnh lòng lắm, giữa lúc mọi nhà đều quây quần ấm áp trong không khí đón năm mới, mình nằm trong trạm, giữa rừng già mà ruột gan nao nao. Nhớ nhà, nhớ không khí đón tết với bánh, mứt và bao lời chúc tốt đẹp...”.

Là người có hộ khẩu cư trú ở xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, cách trạm Phú Lệ vài chục cây số nhưng có lẽ chưa năm nào anh Lương Văn Thạch được ăn một cái tết trọn vẹn với gia đình. Anh Thạch chia sẻ: “Mấy ngày này chúng tôi đi rừng, đi kiểm tra đường rừng liên tục. 6 giờ sáng, mang theo chiếc bánh chưng, một ít bánh kẹo và nước uống đủ dùng trong một ngày. Chúng tôi vượt hàng chục cây số đường rừng cheo leo, hiểm trở mới tiếp cận được địa điểm, sau đó mọi người tỏa đi các hướng tuần tra, kiểm soát. Nhiều lúc nghi ngờ có hiện tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, chúng tôi phải ngủ lại cả đêm trong rừng trên những chiếc võng bạt, cam chịu cảnh muỗi đốt, gai cào trong đêm lạnh buốt. Anh em sẻ chia không khí tết qua mấy mẩu bánh chưng và một ít bánh kẹo còn lại sau một ngày đi bộ tuần tra. Công việc quá gian nan, vất vả, có những lúc mỏi gối, chùn chân, nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng hoàn thành cho bằng được”.

Cả 3 cán bộ ở Trạm Kiểm lâm Phú Lệ đều đã lập gia đình và có con nhỏ nhưng vì việc chung, tết tất cả đều vắng nhà. Những cuộc điện thoại gọi về hỏi thăm vợ con và người thân, cho thấy anh em cũng chan chứa nỗi niềm, khi mà ở nhà đón tết vắng bóng người chồng, người cha, người con. Anh Tào Văn Khoa, quê huyện Thiệu Hóa cho biết, nơi anh đang túc trực cách nhà hơn 100 km, vợ anh ở nhà phải gánh vác hai vai. “Do đặc thù công việc, vợ, con cũng quen vắng chồng, vắng bố rồi nên ở nhà lo lắng đảm đương việc nhà. Vợ giống như hậu phương vững chắc sau lưng để động viên mình hoàn thành nhiệm vụ” - anh tâm sự.

Tạm biệt Trạm Kiểm lâm Phú Lệ, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt núi đến Trạm Kiểm lâm Làng Mười nằm trên đỉnh Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, nơi có những chốt, trạm xa nhất. Sắc xuân ở đỉnh Cao Sơn núi rừng trùng điệp, mây trắng bồng bềnh quấn quanh những ngọn núi. Tiếng chim rừng hót ví von vọng ra từ những cánh rừng già khiến khung cảnh trở nên quyến rũ hơn. Trạm chỉ có vỏn vẹn 2 cán bộ làm công tác bảo vệ rừng. Bên ly trà nóng, Trưởng trạm Vũ Văn Hà mở lời: “Tết đến, xuân về với anh em chúng tôi là những ngày ăn rừng, ngủ rừng”. Bởi, mỗi đợt tuần tra, truy quét, anh em phải vượt cả chục km đường rừng, vai vác tư trang và lương thực để sống trong rừng dài ngày. Nơi ăn, nghỉ của anh em là những lán trại di động, nên thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Cuộc sống nơi rừng sâu, các anh em đều phải tự khắc phục dựa trên kinh nghiệm trong các chuyến đi rừng. Nguy hiểm và thiếu thốn là vậy, nhưng lực lượng giữ rừng ở đây vẫn tích cực bám dân, bám rừng để triển khai các phương án bảo vệ rừng.

Sau những cuộc đi rừng vất vả, các cán bộ kiểm lâm ở trạm cũng có những thời khắc đón tết theo cách riêng của mình. Trước tết, anh em trong trạm sẽ tự gói bánh chưng, tìm hoa đào về cắm. Đêm 29 hoặc 30 nổi lửa nấu bánh rồi ngồi quây quần bên nhau. Trong những ngày tết, các chiến sĩ ghé thăm bà con dân bản để chúc mừng năm mới, “hưởng thụ” ké phút giây đón tết trong gia đình. “Trực dịp tết rất vất vả nhưng cũng là thời gian để kiểm lâm viên có điều kiện đi thăm hỏi đồng bào nhằm tuyên truyền, nắm tình hình để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn. Cũng từ những cuộc gặp gỡ trò chuyện mà kiểm lâm và người dân trong khu bảo tồn hiểu nhau, gắn bó với nhau, cùng nhau ý thức bảo vệ rừng” - anh Hà chia sẻ.

Ánh mặt trời lấp ló trên đỉnh Pù Luông, sưởi ấm những chồi xanh đón chào xuân mới. Dưới tán rừng già, các chiến sĩ bảo vệ rừng tiếp tục rảo bước trên những sườn đồi, vách núi cheo leo. Chỉ đến khi hoàn thành ca trực, họ mới trở về nhà ăn tết muộn với gia đình, với vợ con, bù đắp lại những tình cảm thiếu thốn trong những ngày phải vắng nhà.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]